Chống tham nhũng - Giải pháp ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay

Thứ Ba, 28/04/2015, 00:34 [GMT+7]
    Tham nhũng ở nước ta hiện nay rất phức tạp, biểu hiện của nó muôn hình, muôn vẻ với nhiều sắc thái, loại hình khác nhau; mức độ, phạm vi và hậu quả khôn lường. Biểu hiện của tham nhũng tập trung ở các quan chức, công chức trong bộ máy công quyền của Đảng, Nhà nước; thậm chí tham nhũng có cả trong lĩnh vực tư pháp, trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Mức độ tham nhũng cũng rất khác nhau, có tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt như sự sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân hoặc cố tình dây dưa, loanh quanh, buộc người dân muốn nhanh, được việc thì phải bỏ tiền ra “nhờ giúp đỡ”. Việc làm này thường là chuyện “bé xé ra to”, bắt bẻ người dân “chưa đủ thủ tục hành chính” kiểu hành dân. Vì  vậy, người dân muốn xong việc, đỡ mất công, khỏi phải đi lại nhiều lần, tốn công sức, mệt nhọc thì “cách tốt nhất” là bôi trơn bằng cách đưa “phong bì” cho xong chuyện. Đáng chú ý, các vụ việc tham nhũng xảy ra ở lĩnh vực cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ, thuyên chuyển công tác. Đây là những loại hình rất khó kiểm soát, phát hiện. Hành vi này thường diễn ra “kín đáo” với sự “thông đồng”, ngầm hiểu “tiền nào của ấy”, “được việc người, được việc ta”, trở thành luật bất thành văn, thường được coi là một quy định ngầm, phổ biến diễn ra qua khâu trung gian, có người môi giới, “bắn tin”, “làm cò mồi”, kiểu “rung chà cá nhảy” hoặc trực tiếp giao dịch, thỏa thuận theo nguyên tắc các bên cùng có lợi. Người chạy chức, chạy ghế thường làm khâu “ứng trước” để sau khi có chức vụ thì thu hồi sau. Hiện tượng này khá phổ biến ở mọi quốc gia, dân tộc; biến dạng của nó cũng có thể tìm thấy ở nước ta, qua một số vụ “bại lộ”, được pháp luật phanh phui, xử lý trong những năm gần đây. Một trong những biểu hiện của tham nhũng lớn là tham nhũng nhóm, lợi ích nhóm với những hành vi trục lợi cực lớn thông qua làm ăn theo kiểu “đánh quả”, “một vốn bốn mươi lời”. Đây là hình thức tham nhũng có tổ chức, có người đứng ra làm “đầu nậu”, chủ mưu, thao túng các tổ chức, một số người có quyền cao, chức trọng và nó thường diễn ra ở các hoạt động dự án, đầu tư, đất đai, tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, xây dựng đô thị, v.v... Đây là điều giải thích tại sao nhiều vụ khiếu kiện tập thể kéo dài, vượt cấp, rất khó điều tra, chưa thể giải quyết dứt điểm.
    
Quang cảnh một cuộc Hội thảo: Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay. (Ảnh nguồn: dangcongsan.vn)
Quang cảnh một cuộc Hội thảo: Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay. (Ảnh nguồn: dangcongsan.vn)
    Rõ ràng, tham nhũng đang là một căn bệnh nan y, nhức nhối trong xã hội, gây bất bình trong nhân dân, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta; làm hoen ố những hình ảnh, biểu tượng tốt đẹp về chủ nghĩa xã hội, về xã hội mới mà nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bằng mồ hôi, công sức tạo nên. Tham nhũng đã và đang tạo ra những vòng xoáy của tiền bạc, quyền lực, lôi cuốn không ít người lao vào việc chạy chức, chạy quyền, mua danh, đổi chác, phạm tội và làm tăng tiêu cực, tệ nạn xã hội. Đó là những việc làm bất lương, bất chính, bất nghĩa, thậm chí gây tội ác, mất tính người, nếu không kịp thời chặn đứng, đẩy lùi, tẩy rửa sạch nó thì xã hội ta rồi sẽ ra sao, các thế hệ con cháu sẽ nhìn các thế hệ cha chú như thế nào, nếu không muốn nói là họ nghi ngờ, mất niềm tin về một xã hội tương lai, để tự tin phấn đấu, tiến lên phía trước với mục đích, động cơ lành mạnh, trong sáng, quyết tâm thực hiện ước mơ, hoài bão: Mang tài năng, trí tuệ, công sức xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp, văn minh, thịnh vượng, hạnh phúc - chủ nghĩa xã hội.
 
    Có thể khẳng định rằng, dưới các vỏ bọc, các phương cách che đậy tinh vi khác nhau, song xét về bản chất, tham nhũng là những hành vi ăn cướp, tước đoạt tiền của, tài sản của Nhà nước và nhân dân, lấy của chung biến thành của riêng, làm giàu và mưu lợi bất chính nhờ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, quan hệ “cánh hẩu” kiểu đôi bên cùng có lợi, “ông mất cân giò, tôi thò chai rượu”. Điều đó đã và đang biến dạng thành “văn hóa phong bì”, “thúc đẩy tiến độ” hay nói theo kiểu thông thường “làm luật rừng”, “bôi trơn”, v.v...
 
    Với quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước, công tác PCTN thời gian qua đã có những bước tiến bộ rất đáng khích lệ. Đặc biệt, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế, thành lập, củng cố các tổ chức, sự ra mắt Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, cũng như việc thành lập Ban Nội chính Trung ương, các ban nội chính cấp tỉnh, thành phố; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN. Mặt khác, tác động tích cực của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã làm một số người chùn chân, không dám lún sâu vào vòng tham nhũng, không dám tham nhũng; đồng thời, chúng ta đã khởi tố và xét xử một số vụ án tham nhũng lớn đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa các hiện tượng tham nhũng mới phát sinh. 
 
    Tuy nhiên, tình hình tham nhũng không vì thế mà chấm dứt, thậm chí nó bị biến dạng, thay hình, lột xác với nhiều chiêu bài tinh vi, khôn khéo hơn. Một số cấp ủy Đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vẫn chưa tích cực vào cuộc, chưa có những quyết sách đủ mạnh để phòng và chống tham nhũng có hiệu quả; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tuy có chuyển biến tiến bộ, song chưa đạt kết quả như mong muốn; việc ban hành một số văn bản dưới luật về PCTN còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát các khâu, các lĩnh vực, các địa bàn trọng điểm chưa được thường xuyên, liên tục; tiến độ xử lý một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, mà dư luận xã hội quan tâm còn chậm; công tác giám định tư pháp phục vụ xử lý án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng còn nhiều bất cập(1).
 
    Tại sao đấu tranh chống tham nhũng lại khó khăn như vậy? Ở đây có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong khi chúng ta đang ra sức phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì ngoài những mặt tích cực là chủ yếu, chúng ta đồng thời phải đối mặt với tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường mà bản thân nó chưa phải là một nền kinh tế thị trường tiên tiến, hiện đại, văn minh. Với một nền kinh tế thị trường còn sơ khai như ở nước ta thì tính hoang dã của nó còn rất mạnh, chứa đầy những tiêu cực, tệ nạn vì lợi ích cá nhân, sự sùng bái đồng tiền cũng như tính vụ lợi, ích kỷ, thích làm giàu và làm giàu bằng mọi giá trỗi dậy, không thể kiểm soát là điều đã được dự báo. Những hạn chế, yếu kém trong quản lý nền kinh tế cũng là một nguyên nhân dẫn đến các “khe hở” cho tham nhũng sinh tồn. Mặt khác, chất lượng giáo dục, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta còn thấp, môi trường dân chủ, công khai, minh bạch còn hạn chế; văn hóa và sự chênh lệch về nhận thức giữa các vùng, miền rất khó khắc phục ngay một sớm, một chiều. Đó là mảnh đất dung dưỡng cho bệnh tham nhũng sinh sôi, nảy nở, trở thành “quốc nạn” đáng lo ngại mà chúng ta phải ra sức đấu tranh diệt trừ. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách còn nhiều điều bất ổn cũng đòi hỏi chúng ta phải ra sức bổ sung, hoàn thiện từng bước cho phù hợp. Có như vậy, chúng ta mới khắc phục được tình trạng hệ thống thể chế pháp luật và tổ chức thực hiện, thi hành luật pháp không đồng bộ, chất lượng thấp; đồng thời, từng bước cải tiến, đổi mới chính sách tiền lương (đang rất lạc hậu như hiện nay), để người lao động có thể sống được bằng đồng lương, thu nhập chính đáng, không cần và không muốn tham nhũng. Vì vậy, cần tăng tính chuyên nghiệp cho đội ngũ công chức; đổi mới cơ chế dùng người, đặt người vào công việc, khuyến khích tài năng phát triển; hạn chế sự hám danh, hám lợi, tham chức, tham quyền, trục lợi; sự thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đó là những mầm họa nảy sinh căn bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu..., đang làm suy yếu Đảng, Nhà nước; đe dọa tới sinh mệnh của quốc gia dân tộc như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã chỉ ra.
 
    Một trong những giải pháp hữu hiệu để PCTN là ngăn chặn, đẩy lùi bệnh cá nhân chủ nghĩa, giữ nghiêm kỷ luật Đảng, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, đề cao tự phê bình và phê bình. Muốn vậy, phải duy trì thường xuyên chế độ sinh hoạt Đảng và thực hiện việc nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình, đi đôi với nó là công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Bởi lẽ, cán bộ tốt hay xấu chủ yếu là do công tác giáo dục trong Đảng tạo nên. Giáo dục trong Đảng bao hàm cả giáo dục kiến thức, tri thức, giáo dục đạo đức, nhân cách người cách mạng mà trước hết là giáo dục đạo làm người. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập để làm người, làm cán bộ, để phụng sự giai cấp, phục vụ nhân dân, cống hiến cho Tổ quốc và nhân loại. Nếu lơ là công tác giáo dục thì trong tổ chức Đảng sẽ nảy sinh tiêu cực, ở đó tinh thần yêu nước, đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư sẽ bị lu mờ. Đó là cơ hội để các chứng bệnh tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu đua nhau nảy nở, gây bệnh, dương oai tác quái, phá hoại tài sản công, tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân.
 
    Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải có con người mới xã hội chủ nghĩa. Con người mới xã hội chủ nghĩa, theo Người, phải có các phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng(2); đồng thời, phải biết đấu tranh, kiên quyết diệt trừ, loại bỏ thói hư, tật xấu của xã hội cũ còn sót lại. Công việc đó thuộc trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường, xã hội và các cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc đẩy lùi tiêu cực, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí; Người căn dặn mọi người tự mình tu dưỡng, thành khẩn sửa chữa khuyết điểm khi mắc phải sai lầm. Trong cuộc vận động ba xây, ba chống, Người nêu rõ: Cán bộ phải gương mẫu, xung phong, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình, có khuyết điểm thì quyết tâm sửa chữa; đặc biệt Người lưu ý những cán bộ đứng đầu cơ quan, đơn vị được Nhà nước, tập thể giao cho quản lý kinh phí, tài sản công, nếu không tự tu tâm, dưỡng tính thì không thể vượt qua chính mình, chiến thắng lòng tham để thỏa mãn nhu cầu của cá nhân và gia đình. Cho nên, cán bộ phải biết tu dưỡng theo chuẩn mực cần, kiệm, liêm, chính. Có như vậy mới hạn chế được lòng tham muốn về vật chất, mới chế ngự được mình khi sử dụng quyền lực. Đồng thời, người cán bộ phải gần gũi, sâu sát quần chúng, biết lắng nghe ý kiến của quần chúng, kể cả những ý kiến đóng góp về khuyết điểm, sai lầm của mình, để từ đó, nghiêm khắc tự kiểm điểm, nhận thức rõ cái đúng, cái sai; kiên quyết không để bọn cơ hội lợi dụng nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân.
    
    Mặt khác, trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đối với mình phải nghiêm khắc, trung thực, thật thà; đối với người mắc khuyết điểm phải có thái độ dứt khoát, rõ ràng, vừa chỉ ra khuyết điểm, sai lầm của họ, vừa chỉ ra con đường, biện pháp để họ sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, giúp họ tiến bộ. Điều đó có nghĩa là, phê phán, đấu tranh với khuyết điểm phải thẳng thắn, phải trung thực, phải có lý có tình; biết động viên, cổ vũ, nêu gương người tốt việc tốt; đồng thời, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, làm cho cái tốt, cái thiện, cái tích cực có điều kiện phát triển. Đó là phương cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, cần đặc biệt lưu tâm việc đấu tranh, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên; nhờ đó mà nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, khôi phục niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
(1) Thông báo số 13-TB/BCĐTW ngày 23-7-2013 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t.11, tr.110.
Đại tá, PGS, TS, NGƯT. Nguyễn Bá Dương
(Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng)
;
.