Vai trò của Nhà nước dân chủ nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ Nhật, 29/06/2014, 07:29 [GMT+7]
Đặc điểm nổi bật của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) là cùng với sự lãnh đạo của Đảng còn có vai trò tổ chức của Nhà nước dân chủ nhân dân - Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam. Nước Việt Nam vừa độc lập đã gặp thử thách nặng nề.
Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa) kéo vào để tước vũ khí quân Nhật và âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam. Ở miền Nam, quân đội Anh vào giải giáp quân đội Nhật nhưng đã giúp cho quân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp cho quân tiến đánh Nam Bộ của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ và toàn thể dân tộc Việt Nam đã phải chống lại cuộc xâm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp. Đó là cuộc kháng chiến chính nghĩa, tiếp tục hoàn thành triệt để sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Cùng với động viên toàn dân kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo kháng chiến lâu dài, phát động phong trào “Nam tiến” để phát huy sức mạnh cả nước chi viện cho Nam Bộ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo việc củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân. 
Về nội chính, “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”. Mặt khác, Đảng chú trọng lãnh đạo đấu tranh ngoại giao, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, thực hành nhân nhượng có nguyên tắc. “Một là, thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; hai là, muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực”(1).
Về xây dựng chính quyền, Đảng chủ trương chấn chỉnh lại các Bộ, cải tổ Chính phủ. “Chiểu theo tinh thần bản Dự thảo Hiến pháp mới và nhu cầu của tình thế mà ban hành những Sắc lệnh để mang lại ngay những tự do và hạnh phúc thực tế cho nhân dân, trong phạm vi điều kiện cụ thể của hoàn cảnh cho phép”(2). Giải quyết hợp lý vấn đề ruộng đất và thuế khóa. Trừng trị bọn phản quốc. Cử phái viên của Chính phủ, Nam Bộ và Trung Bộ để chỉ huy kháng chiến. Cải cách chính quyền nhân dân ở địa phương. Từ tháng 9-1945 đến tháng 3-1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương hòa hoãn, nhân nhượng với quân đội của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc, để tập trung chống xâm lược của Pháp ở miền Nam. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06- 01-1946 đã bầu ra Quốc hội khóa I. Ngày 02-3-1946, Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ nhất đã thành lập Chính phủ chính thức, khẳng định cơ sở thực tế và pháp lý của Nhà nước cách mạng Việt Nam. Từ tháng 3-1946, với chủ trương hòa để tiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải nhân nhượng với thực dân Pháp, ký với Pháp bản hiệp định sơ bộ 06-3-1946 trên cơ sở đồng ý cho quân Pháp ra miền Bắc thay quân Tưởng, thúc đẩy nhanh quân Tưởng rút về nước và Pháp phải công nhận Việt Nam là quốc gia tự do có Chính phủ, Nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Tiếp tục và kiên trì đấu tranh ngoại giao, tháng 4-1946 đã diễn ra Hội nghị trù bị ở Đà Lạt để chuẩn bị cho cuộc đàm phán chính thức giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Pháp. 
Khi thực dân Pháp không đáp lại mong muốn hòa bình, hữu nghị và hợp tác của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đề ra đường lối kháng chiến, động viên toàn dân chủ động đối phó với chiến tranh xâm lược quy mô lớn của thực dân Pháp. Ngày 19-10-1946 đã diễn ra Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng. Tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tài liệu Công việc khẩn cấp bây giờ, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, động viên nhân dân và bộ đội:Cố rán sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo, thì ta sẽ gặp mùa xuân. Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I họp tại Hà Nội từ ngày 28-10 đến ngày 09-11-1946 đã lập Chính phủ mới và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Nhà nước cách mạng. Quốc hội đã quyết định Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Thủ đô là Hà Nội. Chính phủ mới tổ chức, điều hành kháng chiến và kiến quốc theo đường lối của Đảng và theo Hiến pháp. Ngày 12-12-1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến, xác định rõ mục đích của kháng chiến là đánh thực dân phản động Pháp giành thống nhất và độc lập; nêu rõ tính chất kháng chiến: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Chỉ thị nêu rõ cách đánh du kích, vận động chiến, vừa đánh vừa phát triển lực lượng, xác định các giai đoạn phát triển của kháng chiến, chương trình kháng chiến và cơ quan chỉ đạo kháng chiến. Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đó là những văn kiện quan trọng nêu bật đường lối và quyết tâm kháng chiến ở thời điểm có tính bước ngoặt của cách mạng. 
Cuộc chiến đấu ác liệt 60 ngày đêm chống quân Pháp ở Thủ đô Hà Nội (19-12-1946 đến 17-02-1947) thể hiện ý chí, quyết tâm kháng chiến với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và sự phát triển sinh động, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến đấu đã kìm chân địch trong thành phố, tạo điều kiện cho đồng bào tản cư và các cơ quan lãnh đạo chuyển ra ngoại thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cơ quan lãnh đạo của Đảng, Chính phủ chuyển lên Việt Bắc. Ngày 17-02-1947, bộ đội rút khỏi nội thành Hà Nội để tiếp tục kháng chiến lâu dài. Ngày 02-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tới Tuyên Quang và trở lại Tân Trào - vùng căn cứ cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Tân Trào (Tuyên Quang) và Định Hóa (Thái Nguyên) trở thành thủ đô của cuộc kháng chiến.
Từ thực tiễn của kháng chiến, Đảng không ngừng bổ sung và phát triển đường lối kháng chiến. Năm 1947 đến 1950, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều chỉ thị quan trọng chỉ đạo kháng chiến trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, chú trọng vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tổ chức của chính quyền Nhà nước cách mạng, xây dựng, phát triển quân đội nhân dân, công an nhân dân - những lực lượng trọng yếu của Nhà nước cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tháng 3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ 6 điều về tư cách người công an cách mệnh. Cũng thời gian đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và quân hàm cấp tướng cho 10 đồng chí khác. Xây dựng, phát triển Mặt trận Việt Minh - Liên Việt để tập hợp đoàn kết toàn dân tộc. Bộ máy Chính phủ, kháng chiến và chính quyền các cấp được xây dựng, củng cố vững mạnh ở căn cứ địa và vùng tự do. Kiên quyết chống chính quyền bù nhìn Bảo Đại và phá chính quyền địch ở cơ sở trong vùng địch tạm chiếm (phá tề).  
Sự nghiệp kháng chiến toàn dân, toàn diện phát triển mạnh mẽ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Đại hội lần thứ hai của Đảng. Đại hội họp từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, hoàn chỉnh đường lối kháng chiến, thông qua Cương lĩnh mới nhằm hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội; xây dựng Đảng cách mạng riêng ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Đó là Đại hội có ý nghĩa quyết định đưa kháng chiến đến thắng lợi và tổng kết những vấn đề quan trọng về lý luận và thực tiễn của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và chiến tranh nhân dân Việt Nam. 
Đại hội II của Đảng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng chính quyền mạnh mẽ, sắc bén. “Một chính quyền cách mạng phải mạnh. Sức mạnh của nó là sức mạnh của nhân dân. Lúc nào nhân dân yêu mến chính quyền của mình, hy sinh chiến đấu cho chính quyền ấy thì chính quyền ấy mới mạnh. Muốn như thế thì trước tiên chính quyền ấy phải thiết thực bênh vực quyền lợi cho nhân dân về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Nhờ đó, nhân dân Việt Nam coi chính quyền là ruột thịt của mình. Chúng ta kháng chiến thắng lợi là nhờ đó”(3). Với đường lối và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, với sức mạnh của chiến tranh nhân dân, quân đội và nhân dân Việt Nam đã thắng lớn trong chiến dịch Hòa Bình (10-12-1951 đến 25-2-1952). Tiếp đó giành thắng lợi trong chiến dịch Tây Bắc (14-10 đến 10-12-1952). Giành thắng lợi trên các chiến trường phối hợp khác. Thắng lợi đó đã làm phá sản kế hoạch chiến tranh Dellatre De Tassigny (1951) của thực dân Pháp với sự can thiệp mạnh mẽ của Mỹ.
Cùng với chiến thắng quân sự, Chính phủ đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục. Quốc hội khóa I Kỳ họp thứ ba từ ngày 01 đến ngày 04-12-1953 đã thông qua Luật cải cách ruộng đất.  Khi quân Pháp tập trung lực lượng cơ động chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương đẩy mạnh tiến công bằng 03 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích) trên tất cả các chiến trường Nam Bộ, Khu V, Tây Nguyên, Lào, Campuchia, triệt để phân tán lực lượng của địch. Thực dân Pháp đã buộc phải phân tán quân để giữ các địa bàn chiến lược: Tây Bắc, Thượng Lào, Trung và Hạ Lào, Tây Nguyên và đồng bằng Bắc Bộ. Thực dân Pháp thấy rõ vị trí chiến lược trọng yếu của Tây Bắc Việt Nam với toàn chiến trường Đông Dương. Ngày 20-11-1953, Pháp cho quân chiếm lĩnh Điện Biên Phủ và xây dựng tại đây một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất. Trong báo cáo trình Bộ Chính trị của Tổng Quân ủy ngày 06-12-1953 đã nêu rõ: “Khi chủ lực ta uy hiếp thật mạnh thì ở Điện Biên Phủ địch có thể tăng cường đến khoảng trên dưới 10 tiểu đoàn, biến thành một tập đoàn cứ điểm lớn”(4). Trong kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy, lực lượng của ta tập trung cho mặt trận Điện Biên Phủ rất lớn. “Chúng ta phải sử dụng 09 trung đoàn bộ binh và toàn bộ, pháo binh, công binh, phòng không và một bộ phận cao xạ, pháo, tổng số là 35.000 người”(5). Tổng số lực lượng bộ đội có thể lên đến 42.750 cùng với 14.500 dân công và số dân công dự trữ khoảng 30.000 người. Lực lượng vật chất hậu cần huy động từ lực lượng tại chỗ ở Tây Bắc đồng thời từ Việt Bắc, Khu IV, chủ yếu là từ Phú Thọ, Thanh Hóa. Thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, các cấp chính quyền đã tổ chức xây dựng hậu phương vững mạnh, chăm lo đời sống của nhân dân đồng thời động viên sức người, sức của cung cấp cho các mặt trận, nhất là mặt trận Điện Biên Phủ. 
Ngày 06-12-1953, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tổng Quân ủy được cử làm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ và có toàn quyền quyết định ở mặt trận. Trong thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(6). Quyết định trên đây của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm chiến lược dựa trên sự phân tích sâu sắc, khoa học so sánh lực lượng giữa ta và địch, tình hình phát triển toàn diện của cuộc kháng chiến, bối cảnh trong nước và quốc tế, thể hiện niềm tin vào sức mạnh của chiến tranh nhân dân.
Trong hoàn cảnh phức tạp đó, quyết tâm chiến lược giành thắng lợi ở mặt trận Tây Bắc và Điện Biên Phủ càng có tầm quan trọng đặc biệt với toàn chiến trường và mặt trận ngoại giao. Chấp hành chủ trương của Đảng và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc thắng mới đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thảo luận kỹ lưỡng trong Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận, quyết định thay đổi cách đánh, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Để chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt và thay đổi cách đánh nên thời điểm khởi đầu chiến dịch đã lùi từ cuối tháng 01 đến ngày 13-3-1954.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng chiều 07-5-1954.  Chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ chẳng những làm phá sản Kế hoạch H.Navarre mà còn làm thất bại ý đồ giành thắng lợi bằng quân sự của địch, buộc Pháp phải thương lượng tại Hội nghị Geneve để đi đến chấm dứt chiến tranh. Ngày 08-5-1954, một ngày sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã tới tham dự đàm phán ở Geneve trong tư thế của một dân tộc chiến thắng. Diễn ra trong 75 ngày đấu tranh ngoại giao tại một hội nghị quốc tế của các nước lớn, cuối cùng Hội nghị Geneve đã đi đến ký kết hiệp định đình chiến, và các nước ký Tuyên bố cuối cùng công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước: Việt Nam, Lào, Campuchia (21-7-1954). Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến công hiển hách trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Sự lãnh đạo, chỉ đạo đó đã phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển sáng tạo khoa học, nghệ thuật chiến tranh cách mạng với sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Đã phát huy cao nhất sức mạnh của chế độ mới với vai trò, chức năng, nhiệm vụ nội trị, ngoại giao của chính quyền Nhà nước dân chủ nhân dân. 
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t.8, tr.27.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.8, tr.30-31.
(3)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.12, tr.229.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.14, tr.593-594.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.14, tr.594.
(6)Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam sơ thảo, t.1, Nxb Sự thật, 1981, tr.696.

PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc
(Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

 

;
.