Một số điểm mới của dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi)

Thứ Hai, 12/05/2014, 10:41 [GMT+7]
    Qua hơn 10 năm thi hành Luật tổ chức VKSND, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, VKSND đã khẳng định vai trò là một thiết chế hữu hiệu trong việc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh với các loại tội phạm, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Mặc dù vậy, cơ chế bảo đảm cho VKSND thực hiện quyền hạn, trách nhiệm chưa đầy đủ và hiệu quả; chế độ pháp lý của Kiểm sát viên chưa thực sự phù hợp với trách nhiệm, quyền hạn; chế độ chính sách bảo đảm hoạt động của VKSND chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng…  
Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về Luật Tổ chức Viện KSND sửa đổi
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về Luật Tổ chức Viện KSND sửa đổi
    Trước yêu cầu thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành KSND, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của thực tiễn, dự thảo Luật tổ chức VKSND đã sửa đổi 73 điều, bổ sung 34 điều mới, không giữ nguyên điều nào. Theo đó, dự thảo Luật đã đưa ra một số điểm mới cơ bản, quan trọng sau:
 
    Một là, đã làm rõ vị trí, vai trò của VKSND trong mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND được xác định là thiết chế kiểm sátt hoạt động tư pháp, có trách nhiệm phối hợp, đồng thời, kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên đối với cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án và các cơ quan khác trong việc thực hiện hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo cho hoạt động tư pháp được thực hiện đúng pháp luật, mọi vi phạm pháp luật được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Mặt khác, VKSND cũng chịu sự kiểm soát của các cơ quan tư pháp, của nhân dân không chỉ bằng các thiết chế dân chủ đại diện (như Quốc hội, Hội đồng nhân dân) mà còn thông qua dân chủ trực tiếp và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, xác định rõ trách nhiệm của Viện trưởng VKSNDTC phải báo cáo công tác trước UBTVQH và Chủ tịch nước, trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Quốc hội về hoạt động của toàn ngành Kiểm sát nhân dân; quy định Viện trưởng VKSND khu vực có trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật; trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân khi Hội đồng nhân dân yêu cầu.
 
    Hai là, đã làm rõ nội dung nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành KSND. Theo đó, VKSND do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND cấp trên và chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao; xác định rõ vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND tối cao và Viện trưởng VKSND các cấp khác. Điều chỉnh quy định về vai trò của Ủy ban kiểm sát bảo đảm phù hợp với thẩm quyền và trách nhiệm tố tụng của Viện trưởng VKSND trong hoạt động tư pháp Đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa Kiểm sát viên và Viện trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, bổ sung quy định về nhiệm vụ của từng ngạch Kiểm sát viên, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp.
 
    Ba là, đã xác định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của VKSND trong phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động tư pháp; trách nhiệm quyết định việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân; tăng cường vai trò của VKSND trong các lĩnh vực phi hình sự, nhằm bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần; quy định rõ VKSND có trách nhiệm giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của VKSND. 
    - Quy định VKSND có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra để kiểm tra, bổ sung chứng cứ, tài liệu khi xem xét phê chuẩn hoặc ban hành các quyết định theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
    - Lần đầu tiên quy định rõ đối tượng, nội dung, phạm vi, mục đích của từng chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xác định rõ các mặt công tác và thẩm quyền cơ bản của VKSND trong từng lĩnh vực, đặt nền tảng cho việc hình thành cơ sở lý luận về chức năng của VKSND, bảo đảm thống nhất nhận thức và hoạt động có hiệu quả trên thực tế.
    - Đã thể chế hóa yêu cầu cải cách tư pháp “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”; cụ thể hóa các nguyên tắc tư pháp tiến bộ được quy định trong Hiến pháp năm 2013 có liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND như nguyên tắc suy đoán vô tội, tranh tụng trong xét xử, nhờ người bào chữa, xét xử kịp thời, xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp… Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường vai trò của công tố ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, tăng cường trách nhiệm của VKSND trong quá trình điều tra, chủ động thực hiện các biện pháp nhằm làm rõ sự thật của vụ án, xác định tội phạm, người phạm tội, bảo đảm tính đúng đắn của hoạt động điều tra; xác định Cơ quan điều tra của VKSND có vai trò, trách nhiệm quan trọng trong đấu tranh phòng chống các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, quy định rõ trách nhiệm tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
    - Quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện các quyền của VKSND.
Bốn là, quy định về tổ chức bộ máy VKSND có nhiều thay đổi. Theo đó, dự thảo Luật quy định hệ thống VKSND gồm 4 cấp như Kết luận 79-KL/TW; đối với VKSND cấp thứ tư, đã thể hiện thành 2 phương án là “VKSND khu vực” hoặc “VKSND cấp huyện” theo Kết luận 92-KL/TW; bổ sung các quy định về thẩm quyền, tổ chức bộ máy của VKSND cấp cao bảo đảm phù hợp với Tòa án nhân dân cấp cao; kiện toàn tổ chức bộ máy ở VKSND khu vực (hoặc cấp huyện) một cách linh hoạt và phù hợp với yêu cầu tiếp tục tăng thẩm quyền cho cơ quan tư pháp cấp này; tổ chức Ủy ban kiểm sát ở các cấp một cách hợp lý, bảo đảm thực hiện tốt vai trò quyết định và tư vấn; bổ sung quy định về việc thành lập và chấm dứt hoạt động của VKSND các cấp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao. 
 
    Năm là, đối với các chức danh tư pháp: Dự thảo Luật lần đầu tiên quy định rõ cơ cấu các chức danh tư pháp và chức danh khác của VKSND nói chung và ở từng cấp Viện kiểm sát; Đề xuất quy định Kiểm sát viên được bổ nhiệm để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện một số nhiệm vụ đặc thù theo sự phân công của Viện trưởng để tạo tính chủ động, linh hoạt trong bố trí, sử dụng cán bộ; rèn luyện đội ngũ Kiểm sát viên, nâng cao chất lượng các khâu công tác; Tăng thời hạn bổ nhiệm Kiểm sát viên, đổi mới tiêu chuẩn bổ nhiệm, áp dụng hình thức thi tuyển vào các ngạch Kiểm sát viên (trừ Kiểm sát viên VKSND tối cao), tổ chức xét tuyển để chọn người đủ điều kiện, tiêu chuẩn trước khi thi tuyển nhằm thực hiện các chủ trương đổi mới cơ chế nhiệm kỳ và chế độ tuyển chọn Kiểm sát viên, đồng thời, khắc phục những bất cập trong việc tuyển chọn hiện nay, bảo đảm lựa chọn, bổ nhiệm Kiểm sát viên có đủ phẩm chất và năng lực công tác, phát huy năng lực của Kiểm sát viên nhất là ở cấp cơ sở; Tổ chức 04 ngạch Kiểm sát viên, đa dạng hóa các ngạch Kiểm sát viên ở mỗi cấp Viện kiểm sát nhằm khắc phục những bất cập trong ủy quyền công tố và chính sách cán bộ; Quy định tuổi làm việc đối với Kiểm sát viên VKSND tối cao theo tinh thần Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị; xác định số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao trong Luật để thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban kiểm sát và một số nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND tối cao trong các hoạt động tố tụng tư pháp nhằm phân định rõ thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp; Quy định về Kiểm tra viên và Trợ lý điều tra nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự, tạo nguồn bổ sung cho lực lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên.
 
    Sáu là, đưa ra nhiều quy định về bảo đảm hoạt động của VKSND như: Giao cho Viện trưởng VKSND tối cao thẩm quyền quyết định biên chế; số lượng và cơ cấu kiểm sát viên các cấp Viện kiểm sát để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ; quy định Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, Trợ lý điều tra có thang, bậc lương riêng, quy định các chế độ phụ cấp, các hình thức khen thưởng đặc thù của ngành Kiểm sát, chế độ đối với người nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong ngành KSND; xác định rõ thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Viện trưởng VKSND tối cao trong việc quy định, cấp phát trang phục, giấy chứng minh, giấy chứng nhận các chức danh tư pháp; sửa đổi cơ chế trình kinh phí hoạt động của VKSQS, theo hướng Viện trưởng VKSQSTW lập dự toán báo cáo Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định, không phải phối hợp với VKSND tối cao lập dự toán như hiện nay; Bổ sung quy định thể chế hóa chủ trương “có cơ chế cho phép địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ quan tư pháp từ khoản vượt thu ngân sách của địa phương” của Nghị quyết 49-NQ/TW, xác định những vấn đề nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho ngành KSND nhằm bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp./.
Phương Thảo
;
.