Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 24/06/2014, 15:48 [GMT+7]
(BNCTW) - Công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh và mở rộng, sử dụng đa dạng các biện pháp khác nhau như: Hành chính, hình sự, tuyên truyền, chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng, đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục trong nhà trường… Tất cả các biện pháp  trên đều nhằm mục đích chung là ngăn ngừa và loại trừ các hành vi tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội. Trong đó, hoạt động của báo chí, truyền thông xã hội góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác này. 
Đề án
Đề án "Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp của sinh viên báo chí trong điều tra chống tham nhũng" của Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng 2013
Các ấn phẩm như sách, báo in, tạp chí… nâng cao hiểu biết của người đọc và giúp họ có cái nhìn rõ nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng. Tranh ảnh, pano, áp phích cổ động… giúp mọi người dễ tiếp cận, ghi nhớ được những nội dung mà ấn phẩm cần chuyển tải.
Sử dụng sóng phát thanh, mức độ tuyên truyền được phủ rộng, từ thành thị cho đến nông thôn, thông tin nhanh, kịp thời. Đây là một kênh tuyên truyền hiệu quả.
Truyền hình đạt hiệu quả rõ nét hơn so với tất cả các phương tiện truyền thông khác. Sau khi tiếp cận, người xem bị tác động bởi hình ảnh, giọng đọc và thông tin gây được cảm xúc mạnh hơn. Thông qua các chương trình chuyên đề, phóng sự tài liệu, gương người tốt, việc tốt dũng cảm tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật; thông qua ý kiến trao đổi của các chuyên gia, người xem có thêm hiểu biết sâu sắc về công tác này.
Sử dụng điện ảnh trong công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả đặc biệt bởi điện ảnh có sức hấp dẫn riêng và tác động mạnh tới người xem qua hình ảnh sống động và âm thanh trung thực. Các loại hình phim trong điện ảnh như: Phim tài liệu phản ánh khách quan những sự kiện chân thực của cuộc sống, con người thật, những hiện tượng nóng bỏng của cuộc sống thông qua thủ pháp nghệ thuật. Vì vậy, phim tài liệu thể hiện rõ nét tính chính luận và tính thời sự của báo chí. Phim truyện với những hình ảnh gần gũi, sống động, phản ánh, lột tả chân thực cuộc sống và những biến động của xã hội. Điện ảnh luôn phát huy được vai trò nâng cao dân trí, giáo dục văn hóa, tư tưởng và đáp ứng nhu cầu giải trí, thẩm mỹ. 
Mạng xã hội là một phương tiện truyền thông mới. Ở đây tin tức có thể chia sẻ, lưu truyền nhanh chóng và có tính đối thoại vì người đọc, người xem có thể cho ý kiến hoặc thảo luận với nhau. Với khả năng truyền tải nhiều thể loại thông tin như báo viết, báo hình, phim ảnh … Với những ưu điểm vượt trội của truyền thông xã hội như: tốc độ lan truyền ngay tức thì, phạm vi tác động không giới hạn, sự hấp dẫn do tính tương tác cao... đã thu hút đông đảo các chuyên gia, luật sư, các nhà văn, những chính khách, chính trị gia tham gia hàng trăm bài viết, ý kiến, góc nhìn thấu đáo, đầy trách nhiệm để góp thêm tiếng nói nhằm ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp thiết thực, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên, mặt trái của nó là: hiện tượng thiếu trung thực, bóp méo thông tin để phục vụ mưu đồ xấu cũng là một thực trạng nhức nhối hiện nay. Sự phát tán thông tin, sai lệch thông tin rồi những tệ nạn mới nảy sinh như lừa đảo hàm đe dọa phát tán tài liệu có nội dung sai trái đang là nỗi lo của những người có trách nhiệm.
Trên cơ sở các dữ liệu so sánh ưu điểm, hiệu quả thực tế của từng loại phương tiện truyền thông sẽ giúp cho các cơ quan chức năng định hướng tuyên truyền nhằm đạt hiệu quả tốt nhất cho công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cù Tất Dũng
;
.