Ký kết Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Liên bang Nga: Tạo cơ sở pháp lý song phương trong hợp tác chuyển giao người bị kết án
Thiếu tướng GS. TS Nguyễn Ngọc Anh
Nhân chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Liên bang Nga do Tổng thống Vladimir Putin dẫn đầu ngày 12/11/2013, tại Hà Nội, thừa ủy quyền của Chính phủ, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thượng tướng, TS Lê Quý Vương Thứ trưởng Bộ Công an và ngài M.A. Tra-ni-kốp Thứ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga đã ký chính thức Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về chuyển giao người bị kết án phạt tù (Hiệp định).
Cùng với việc Nga tái khởi động triển khai Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga và Nghị định thư bổ sung Hiệp định này.
Việc ký Hiệp định có ý nghĩa chính trị, pháp lý, ngoại giao quan trọng, nhằm tăng cường cơ sở pháp lý hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật của hai nước, góp phần thúc đẩy và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Đồng thời, thể hiện thiện chí và trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa hai nước.
Hai đoàn đàm phán Việt Nam - Liên bang Nga về chuyển giao người kết án phạt tù. |
Việt Nam và Nga là hai quốc gia có mối quan hệ truyền thống, lịch sử, có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố, Nga là đối tác chiến lược toàn diện rất quan trọng của Việt Nam. Hiện nay, hai bên đã và đang hợp tác chặt chẽ trên mọi lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, tư pháp, thương mại, khoa học, giáo dục và văn hóa. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2001, theo đó, đến năm 2012 hai bên ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ song phương trong giai đoạn phát triển mới.
Hai bên đã tích cực chủ động ký nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, như Hiệp định về xử lý nợ của Việt Nam đối với các khoản tín dụng đã được cung cấp trước đây (9/2000); Hiệp định LCP về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam (10/2010); Hiệp định LCP về tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030 (12/2010); Hiệp định LCP về việc cấp tín dụng cho dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự (8/1998) và Nghị định thư bổ sung Hiệp định này (7/2012).
Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy với Liên Xô trước đây, Việt Nam và Nga đã có sự phối hợp chặt chẽ tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác như Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC); Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Nga. Việt Nam hỗ trợ tích cực để Nga chính thức được kết nạp vào diễn đàn Á - Âu (ASEM) và tham gia cấp cao Đông Á.
Về giáo dục - đào tạo và văn hóa: hai bên tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực (hằng năm, Nga dành cho Việt Nam khoảng 400-500 suất học bổng đại học và sau đại học; đến nay, có khoảng 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga), hai bên đã thỏa thuận thành lập trường Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Việt Nam.
Thực hiện sự phân công của Chính phủ và ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao lập Đoàn đàm phán liên ngành. Đoàn đàm phán Việt Nam do Thiếu tướng GS. TS Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an làm trưởng Đoàn đàm phán với Đoàn đàm phán Liên bang Nga gồm đại diện của Văn phòng điều hành của Tổng thống, Bộ Tư pháp do ông Mi-khai-in Vi-no-gra-đốp, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác và pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp Liên bang Nga làm Trưởng đoàn thống nhất và ký tắt Hiệp định tại Mátxcơva ngày 24/7/2013.
Việc ký Hiệp định đánh dấu bước phát triển quan trọng, góp phần củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai nước thông qua việc tạo cơ sở pháp lý vững chắc và điều kiện nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các cơ quan tư pháp của hai nước thể hiện sự quan tâm, chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Liên bang Nga nói riêng.
Việc ký Hiệp định tiến hành trên cơ sở nội dung đã được hai bên thống nhất (đàm phán từ ngày 20 đến 25/7/2013 tại Mátxcơva) bảo đảm các nguyên tắc được quy định tại Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và các văn bản pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Trong thời gian tới, để triển khai các công việc tiếp theo phục vụ cho việc phê chuẩn Hiệp định để Hiệp định chính thức có hiệu lực, theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng xúc tiến các thủ tục cần thiết để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê chuẩn Hiệp định với phía Nga, đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả Hiệp định này.
N.N.A