Kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Thực hiện Chương trình hoạt động năm 2013 và Kế hoạch khảo sát số 1060/KH-UBQPAN13 ngày 17-6-2013 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (UBQPAN), từ ngày 30-6-2013 đến ngày 26-7-2013 UBQPAN đã tiến hành khảo sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”. Kết quả cho thấy, từ năm 2001 đến nay, tình hình người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại các địa phương ngày càng tăng, trung bình hàng năm tăng từ 20% - 30%. Tính đến hết tháng 6-2013 đã có 22.791.327 lượt người nước ngoài vào Việt Nam du lịch; có 14.489 dự án của 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam ở cả 63 tỉnh, thành phố với số vốn đăng ký là 213,6 tỷ USD. Tuy nhiên, công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài đang gặp một số khó khăn, bất cập sau:
1. Trong việc cấp thị thực, thẻ tạm trú và gia hạn tạm trú
- Nhiều doanh nghiệp lợi dụng tư cách pháp nhân để làm dịch vụ cấp thị thực cho người nước ngoài, còn việc họ nhập cảnh, hoạt động, cư trú tại Việt Nam thì doanh nghiệp không biết, không có trách nhiệm, dẫn đến tình trạng gia tăng lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc, hoạt động trái mục đích nhập cảnh, một số lang thang, vi phạm pháp luật.
- Chính sách đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước nhằm thu hút khách du lịch, nhưng thực tế tăng không đáng kể nhưng đã làm phát sinh nhiều phức tạp về an ninh trật tự, nhiều người nước ngoài lợi dụng vào theo diện miễn thị thực đã có hoạt động tán phát tài liệu phản động, truyền đạo trái phép, thao túng thị trường du lịch ở trong nước (tự tổ chức tour đưa người nước ngoài vào Việt Nam du lịch ta không quản lý được).
- Ký hiệu các loại thị thực, thẻ tạm trú và điều kiện để cấp các loại thị thực, thẻ tạm trú cho người nước ngoài (Mục V - Thông tư liên tịch số 04/TTLB giữa Bộ Công an và Bộ Ngoại giao ngày 29-01-2002) không còn phù hợp, chưa có quy định loại thị thực riêng cho lao động người nước ngoài, cho người nước ngoài vào học tập, giao lưu văn hóa; điều kiện cấp các loại thị thực thiếu chặt chẽ và cụ thể, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý vi phạm.
- Tính thống nhất về thời hạn của thị thực và thẻ tạm trú cũng là vấn đề vướng mắc, vì nhiều trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn khá dài nhưng không đủ 12 tháng nên không được gia hạn thẻ tạm trú theo quy định tại khoản 3, Điều 15 Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, tuy còn hạn giấy phép lao động nhưng lại không đủ điều kiện gia hạn thẻ tạm trú nên nhiều trường hợp đã “lách luật” bằng cách xuất cảnh sang Campuchia rồi nhập cảnh trở lại. Quy định về thu hồi giấy phép lao động của người nước ngoài (Điều 175 Bộ luật lao động năm 2012) cũng chưa có hướng dẫn chi tiết nên khó thực hiện.
- Sự phối hợp xét cấp thị thực giữa các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài với cơ quan quản lý trong nước chưa chặt chẽ và kịp thời nên nhiều trường hợp thông tin cấm nhập, cấm xuất đến chậm hơn quyết định của cơ quan xử lý. Có sự dễ dãi trong xét cấp thị thực du lịch, thị thực D nên để lọt số đối tượng vào Việt Nam không phải để du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư mà thực chất là kiếm việc làm.
2. Trong kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh
- Một số tỉnh có đường biên giới đất liền với các nước láng giềng, bên cạnh các cửa khẩu quốc gia, quốc tế còn có nhiều cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở, hàng ngày có hàng trăm lượt người là công dân nước đối diện nhập cảnh, xuất cảnh và tạm trú trong ngày bằng giấy tờ do nước bạn cấp vào thăm thân, du lịch, kinh doanh, buôn bán tại các chợ, trung tâm thương mại… không đăng ký khai báo tạm trú. Việc sử dụng giấy thông hành trong khu vực biên giới nhưng lại tự ý đi sâu vào nội địa Việt Nam để lao động, mua bán, kinh doanh trái phép… đang xảy ra khá phổ biến.
- Tại cửa khẩu thuộc cảng hàng không quốc tế, các điều kiện cần thiết để bảo đảm cho hoạt động kiểm soát xuất, nhập cảnh còn rất khó khăn, nhất là điều kiện bảo đảm nơi lưu trú cho hành khách bị từ chối nhập cảnh, hành khách quá cảnh đi nước thứ ba. Chưa có quy định và quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng để xử lý các trường hợp hành khách người nước ngoài quá cảnh, nối chuyến mang theo vật phẩm nguy hiểm, vũ khí, công cụ hỗ trợ, gây khó khăn cho công tác giải quyết, xử lý.
- Chính phủ đã cho phép áp dụng chính sách đặc thù đối với người nước ngoài vào một số khu kinh tế cửa khẩu được miễn thị thực nhập cảnh và lưu trú đến 15 ngày. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước đối diện chưa có thỏa thuận về vấn đề này và các địa phương cũng chưa nhận được hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan nên khó khăn trong thực hiện.
- Việc quản lý các cửa khẩu quốc tế còn bị chia cắt: Bộ Công an quản lý cửa khẩu đường hàng không và cửa khẩu đường thủy trong nội địa, Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) quản lý cửa khẩu đường bộ, đường sắt và cảng biển nên việc trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh chưa bảo đảm tính cập nhật, tính liên thông nên có lúc, có nơi việc phối hợp xử lý chưa kịp thời.
- Hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới trên đất liền không có sự tham gia của lực lượng Công an dẫn đến khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội.
- Một số tổ chức phi chính phủ (NGO) lợi dụng thực hiện các dự án viện trợ nhân đạo tiến hành hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, song một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ tính chất hai mặt của hoạt động này nên xem nhẹ công tác quản lý cư trú, hoạt động cũng như trao đổi thông tin với người của các tổ chức NGO, thậm chí có nơi để tổ chức này núp dưới danh nghĩa đưa “tình nguyện viên đến làm cho dự án” thực chất là tổ chức cho hàng chục người đến du lịch không mất tiền, còn được địa phương đón tiếp trọng thị.
- Quy trình phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có liên quan còn mang nặng thủ tục hành chính dẫn đến chậm trễ (thông báo giải tỏa đối tượng cấm nhập, cấm xuất từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh đến Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, sau đó Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng gửi cho các trạm cửa khẩu, dẫn đến tình trạng thông báo đến thì việc đã giải quyết xong).
- Phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, giám định giấy tờ xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu còn thiếu, lạc hậu và không đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một số cửa khẩu chưa có khu nhà kiểm soát liên hợp hoặc khu nhà chờ làm thủ tục quá chật hẹp hoặc đã xuống cấp, nhất là trong điều kiện lưu lượng người xuất, nhập cảnh ngày càng tăng.
3. Trong quản lý cư trú, quản lý lao động
- Việc cho phép người nước ngoài được chuyển đổi mục đích trong thị thực đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và là một trong những nguyên nhân để một số doanh nghiệp lợi dụng tư cách pháp nhân để làm dịch vụ gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú; đã xuất hiện “doanh nghiệp ma” được thành lập dưới danh nghĩa công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần chỉ với mục đích làm dịch vụ kiếm lời trong việc xin thị thực dài hạn, thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
- Pháp lệnh đã quy định về diện đối tượng được xem xét cho thường trú nhưng chưa quy định điều kiện giải quyết cụ thể, gây khó khăn cho việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, nhất là đối với trường hợp người nước ngoài xin thường trú là vợ hoặc chồng của công dân Việt Nam.
- Quy định của Pháp lệnh hiện hành chỉ điều chỉnh việc tạm trú của người nước ngoài tại khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà cho thuê, nhà riêng của thân nhân; trong thực tế người nước ngoài đến Việt Nam du lịch với nhiều hình thức phong phú, tạm trú cũng đa dạng (ngủ dã ngoại, trong nhà dân, nhà do người nước ngoài đứng tên…) nên cơ quan chức năng và chính quyền các cấp chưa có căn cứ pháp lý để quản lý.
- Quy định cư trú đối với người nước ngoài làm việc trong doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ, nên họ thường lợi dụng để né tránh sự kiểm tra của chính quyền và cơ quan chức năng của địa phương. Một số nơi, người nước ngoài lợi dụng cư trú trong khu công nghiệp (văn phòng làm việc) để giảm chi phí cho cá nhân. Một số doanh nghiệp lợi dụng quy định miễn thị thực của Việt Nam để thu hút đầu tư đã đưa người không phải thành viên Hội đồng quản trị vào danh sách để được miễn thị thực (có trường hợp, khi rà soát danh sách Hội đồng quản trị khoảng hai chục người, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều người không đúng đối tượng).
- Quy định của pháp luật và công tác quản lý lao động nước ngoài còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng nhiều người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc và thường là trong dự án đấu thầu EPC) sử dụng thị thực du lịch để làm việc cho các dự án (chủ yếu lao động phổ thông). Hoặc quy định cho phép lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam rồi mới phải xin giấy phép lao động (nếu làm việc trên 3 tháng) và cho phép người nước ngoài vào Việt Nam được phép chuyển đổi mục đích nhập cảnh đã tạo sơ hở để người nước ngoài hoạt động sai mục đích nhập cảnh, gây khó khăn cho công tác quản lý. Đáng chú ý, có một số trường hợp lao động là người nước ngoài vi phạm pháp luật ở địa phương này, không đủ điều kiện gia hạn thị thực, tạm trú đã lợi dụng chuyển sang tỉnh, thành phố khác có chi nhánh, văn phòng đại diện làm thủ tục xin gia hạn.
- Theo quy định tại khoản 1, Điều 12 của Nghị định số 21/CP về Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh xuất, nhập cảnh và tại điểm c, khoản 2, Điều 4 Nghị định 34/CP về Quy chế khu vực biên giới đều quy định: “Người nước ngoài không được cư trú ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác)”. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay có nhiều người nước ngoài về thăm thân nhân ở khu vực biên giới, nghỉ dưỡng tại các khu du lịch biển đảo và đã có công ty nước ngoài đầu tư ở khu vực biên giới; do đó quy định tại khoản 1, Điều 12 của Nghị định số 21/CP: “Người nước ngoài có nhu cầu vào khu vực biên giới phải làm thủ tục xin phép tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực đó” là khó thực hiện trên thực tế. Quy định này nếu không được nghiên cứu sửa đổi thì rất khó khăn cho công tác quản lý của Biên phòng, chính quyền địa phương và cơ quan Công an.
- Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động kinh doanh của người nước ngoài thời gian qua còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ nên chưa kịp thời giải quyết một số vấn đề cần quan tâm như: một số doanh nghiệp tự ý chuyển nhượng dự án, đầu tư núp bóng, nhờ người Việt Nam đứng tên giấy chứng nhận kinh doanh, có khả năng phá sản, nợ lương công nhân, ngừng hoạt động do không có khả năng trả nợ ngân hàng, tư thương người Trung Quốc vào khu vực biên giới cửa khẩu thu mua nông, lâm sản.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài còn hạn chế về số lượng, bất cập về chuyên môn, nhất là ngoại ngữ và tin học nên còn bị động, lúng túng trong quản lý cư trú, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người nước ngoài. Việc tiếp nhận, chuyển phiếu báo tạm trú từ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn đến Công an quận, huyện lên Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh của Công an tỉnh, thành phố vừa chậm, vừa thiếu và sai sót, chưa phục vụ kịp thời công tác quản lý và yêu cầu nghiệp vụ.
4. Trong hoạt động quản lý nhà nước và cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, lực lượng có chức năng liên quan
- Chế tài xử lý vi phạm đối với người nước ngoài hiện còn thiếu và quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật. Thủ tục thực hiện rườm rà dẫn đến khó khăn, lúng túng cho lực lượng chức năng khi áp dụng. Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự có một số điều khoản liên quan đến người nước ngoài có nội dung tương tự nhau nhưng mức xử phạt không giống nhau dẫn đến việc hiểu và áp dụng không thống nhất.
- Chưa có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan khác có liên quan (văn phòng Interpol, các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao…) trong điều tra, xử lý các vụ án có yếu tố nước ngoài. Hành lang pháp lý quy định trình tự, thủ tục cũng như chế tài trong điều tra xử lý các vụ án hình sự liên quan đến người nước ngoài còn nhiều bất cập.
- Việc trục xuất người nước ngoài vi phạm pháp luật rất khó khăn, vì theo quy định của Pháp lệnh hiện hành, người nước ngoài chỉ bị trục xuất khi bị Tòa án Việt Nam hoặc Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định trục xuất. Bên cạnh đó, việc quy định người bị trục xuất phải chịu chi phí trục xuất nhưng không có cơ chế bảo đảm nên khó thực hiện quy định này.
- Quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mối quan hệ phối hợp và điều kiện bảo đảm trong việc từ chối nhập cảnh, cấm xuất cảnh và giải tỏa xuất cảnh cho người nước ngoài không chặt chẽ, gây khó khăn cho việc thực hiện của cơ quan chức năng và của người nước ngoài.
- Trong giải quyết hồ sơ, thủ tục về hộ tịch, quốc tịch với người nước ngoài, nhất là về hôn nhân và gia đình, việc phát hiện và xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn do không có đầy đủ chứng cứ pháp lý và thiếu hành lang pháp luật để xử lý.
- Việc xử lý vi phạm của người nước ngoài trên các lĩnh vực khác (giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…) còn nhiều bất cập, các sai phạm của người nước ngoài chưa được phát hiện và xử lý kịp thời do cơ quan chủ trì xử lý vi phạm trên từng lĩnh vực còn né tránh, ngại va chạm khi có yếu tố nước ngoài (trong đó ngoại ngữ là một rào cản đối với người thực thi công vụ).
- Việc phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng, nhất là thông tin giữa Cục Quản lý xuất, nhập cảnh - Bộ Công an với Bộ đội Biên phòng và các đơn vị quản lý xuất, nhập cảnh ở Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đồn Biên phòng cửa khẩu, cảng biển quốc tế chưa chặt chẽ, chia cắt, gây khó khăn cho giải quyết công việc khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh, xử lý vụ việc vi phạm, tạo sơ hở trong công tác quản lý người nước ngoài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, bao gồm các nguyên nhân sau:
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và quy định pháp luật về các lĩnh vực khác có liên quan đến người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thiếu đồng bộ, cụ thể và tính khả thi; một số quy định không còn phù hợp so với thực tế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện thiếu thống nhất, còn sơ hở để tổ chức, cá nhân lợi dụng vi phạm. Chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật vừa thiếu vừa chưa đủ sức giáo dục và răn đe.
- Công tác quản lý nhà nước về xuất, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thiếu đồng bộ, thống nhất giữa yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội với yêu cầu đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội, bị phân tán, manh mún và chia cắt. Sự phân công trách nhiệm giữa Bộ Công an với các bộ, ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong công tác quản lý người nước ngoài chưa cụ thể nên có lúc có nơi còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Nhận thức của các cấp, các ngành về công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa sâu, trách nhiệm chưa tương xứng, cá biệt có nơi còn buông lỏng. Đã xuất hiện việc UBND tỉnh tự đặt ra quy định trái pháp luật khi buộc người nước ngoài xuất trình giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì mới được xem xét cấp thẻ tạm trú, thị thực, gia hạn tạm trú (tương tự như một số địa phương đặt ra quy định chỉ xác nhận giấy tờ cho con đi học đại học nếu bố mẹ không nợ thuế).
- Nội dung văn bản phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú chỉ mang tính chất trao đổi, gần như không có tính ràng buộc trách nhiệm, do vậy chất lượng và hiệu quả không cao.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về xuất, nhập cảnh chưa được quan tâm đúng mức, nhất là chưa thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để công dân, cơ quan, tổ chức biết, tham gia giám sát và thực hiện.
- Các điều kiện bảo đảm cần thiết về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật còn rất hạn chế.
Qua khảo sát, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã nêu nhiều kiến nghị. Cụ thể như sau:
- Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Việc xây dựng Luật này phải bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn và năng lực quản lý; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan (Luật ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế, Luật biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ luật hàng hải, Bộ luật hình sự, Luật cư trú, Luật quốc tịch, Luật lao động, Luật hải quan, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật xử lý vi phạm hành chính và thông lệ quốc tế...)
- Trong việc xét cấp thị thực, thẻ tạm trú và gia hạn tạm trú: Quy định cụ thể người nước ngoài có nhiều quốc tịch khác nhau khi nhập cảnh Việt Nam sử dụng hộ chiếu quốc tịch nào thì phải sử dụng hộ chiếu quốc tịch đó trong mọi vấn đề có liên quan cho đến khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài khi nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam (hiện chưa có quy định); quyền, trách nhiệm (quan trọng nhất là ràng buộc trách nhiệm) của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; các biện pháp chế tài đủ sức giáo dục và răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tái phạm. Không nên cho phép các công ty du lịch bảo lãnh làm thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam làm việc, lao động. Quy định Thị thực hoặc các loại giấy tờ có liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật để thuận tiện trong tra cứu, áp dụng. Nên đồng nhất thời hạn cấp thị thực với thời hạn tạm trú (trừ đối tượng thuộc diện miễn thị thực); quy định cụ thể điều kiện cấp đối với từng loại thị thực cụ thể; bổ sung việc cấp thị thực nhập cảnh với mục đích lao động. Cân nhắc điều chỉnh thời hạn thẻ tạm trú kéo dài đến 5 năm để thống nhất với quy định của Luật đầu tư. Cân nhắc việc đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước như hiện nay.
- Trong kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh: Quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền và điều kiện bảo đảm trong việc thực hiện các quy định về việc chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, buộc xuất cảnh, trục xuất người nước ngoài; trách nhiệm của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, xử lý và điều kiện bảo đảm đối với trường hợp hành khách người nước ngoài bị từ chối nhập cảnh hoặc vi phạm pháp luật tại cửa khẩu là sân bay quốc tế.
- Trong quản lý cư trú, quản lý lao động: Quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền xem xét, giải quyết cho người nước ngoài được thường trú tại Việt Nam; trường hợp người nước ngoài được cư trú trong khu vực biên giới để bảo đảm cơ sở pháp lý cho Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và cơ quan Công an quản lý. Nên quy định cho phép khách quá cảnh tại cảng hàng không quốc tế, cảng biển được tạm thời nhập cảnh để tham quan, du lịch trong thời gian đợi quá cảnh. Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động của người nước ngoài, đề nghị quy định phải có lý lịch tư pháp của nước mà người nước ngoài cư trú trước khi đến Việt Nam cấp; trường hợp ở Việt Nam trên 3 tháng thì bên cạnh lý lịch tư pháp nước ngoài phải có thêm lý lịch tư pháp của Việt Nam để bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Điều 169 Bộ luật lao động 2012 về điều kiện lao động là người nước ngoài. Sớm ban hành hướng dẫn việc thu hồi giấy phép lao động của người nước ngoài quy định tại Điều 175 Bộ luật lao động 2012. Đồng thời, quy định cư trú của người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
- Trong hoạt động quản lý nhà nước và cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, lực lượng có chức năng liên quan: Mở rộng hơn đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam so với Pháp lệnh hiện hành. Quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý người nước ngoài, cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, tránh tình trạng phân tán, chia cắt, không đồng bộ như hiện nay; đồng thời quy định về phân công, phân cấp, cơ chế phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan có chức năng phối hợp với cơ quan chủ trì trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú tại Việt Nam.
Thảo Linh