Kết quả giám sát "Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ"

Thứ Tư, 13/11/2013, 09:53 [GMT+7]

Ngày 26-4-2013, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1253/NQ-UBTP13 về việc thành lập Đoàn giám sát “Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ”. Kết quả giám sát được tập hợp số liệu báo cáo từ ngày 01-10-2010 đến ngày 30-4-2013. Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương, Quảng Bình và Quân khu 3, đồng thời, tổ chức các buổi làm việc với các cơ quan Trung ương. Kết quả cụ thể như sau:
1. Tình hình phát hiện, xử lý tham nhũng theo thẩm quyền của cơ quan Thanh tra
- Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng:
Nhìn chung, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Thanh tra đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, trách nhiệm và kết quả giải quyết; nhiều địa phương qua giải quyết đã dần khắc phục được tình trọng tố cáo tham nhũng bức xúc, kéo dài. Tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi tham nhũng ở các tỉnh, thành phố đạt trên 90%. Theo đánh giá của các cơ quan hữu quan thì khiếu nại, tố cáo hành vi tham nhũng chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, lợi dụng những sơ hở trong chế độ, chính sách để trục lợi, thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, thương binh, gia đình liệt sỹ…
Tuy nhiên, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng vẫn còn tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn vòng vo, né tránh việc giải quyết, dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt thẩm quyền, một số vụ việc người bị tố cáo lại là người giải quyết trực tiếp vụ việc, nên thiếu khách quan trong việc giải quyết… gây bức xúc trong nhân dân. Tỷ lệ số vụ việc tham nhũng phát hiện thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp; thực tế cho thấy, việc người dân đi tố cáo tham nhũng là rất ít. Số các vụ án tham nhũng phát hiện được qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo lại chủ yếu là ở xã, phường, thôn, bản với những vụ việc nhỏ lẻ, việc phát hiện và xử lý các hành vi sai phạm có liên quan tới tham nhũng của lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên là rất ít; các trường hợp tố cáo đích danh phần lớn liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo, gia đình người tố cáo; người dân và một bộ phận cán bộ, công chức cho rằng chống tham nhũng là việc của Nhà nước, họ có tố cáo cũng không làm thay đổi được tình hình và trong một số trường hợp còn có dấu hiệu trả thù, trù dập đối với người tố cáo hành vi tham nhũng.
-  Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra
Qua công tác thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý rất nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành, trong đó có một số vụ việc có liên quan đến tham nhũng, có địa phương thông qua công tác thanh tra đã phát hiện và chuyển được một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sang Cơ quan điều tra xử lý theo luật định; kiến nghị xử lý, thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, nhất là trong cơ chế, chính sách, pháp luật… góp phần phòng, chống tham nhũng. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận sau thanh tra đã được chú trọng, tăng cường hơn; các sai phạm do Thanh tra phát hiện và kiến nghị về cơ bản đã được xử lý nhanh hơn so với trước; công tác khắc phục hậu quả của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, công tác thanh tra phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ở nhiều địa phương còn hạn chế; nhiều tỉnh, thành phố hàng năm tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý nhà nước với thất thoát nhiều tỷ đồng, nhiều héc ta đất, nhưng lại không phát hiện được tham nhũng hoặc có phát hiện được thì rất ít, phần lớn là các vụ nhỏ lẻ ở cấp xã, thôn. Điều này là chưa tương xứng với đánh giá về tình hình tham nhũng ở Trung ương cũng như ở nhiều địa phương. Công tác theo dõi xử lý việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra còn hạn chế, nhất là việc xử lý về tài sản sai phạm được kiến nghị thu hồi, khắc phục đạt tỷ lệ thấp; việc khắc phục sai phạm qua công tác thanh tra, kiểm toán chuyển biến chậm; có trường hợp kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Việc chuyển các vụ có dấu hiệu tham nhũng từ Cơ quan thanh tra sang Cơ quan điều tra vẫn bị kéo dài, nhất là các vụ phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Tình trạng kéo dài trên đã gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm tham nhũng. Việc kiến nghị xử lý hoặc tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng qua công tác thanh tra còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý người đứng đầu chủ yếu trong các trường hợp họ có hành vi liên quan tới vụ việc tham nhũng; rất ít trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm về lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xử lý cán bộ khi để xảy ra tham nhũng.
2. Tình hình chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ của Cơ quan điều tra
- Việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng, chức vụ
Công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong thời gian qua của các Cơ quan điều tra đã có chuyển biến tích cực; nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, tin báo tố giác về hành vi tham nhũng, chức vụ đã được tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật. Qua tiếp nhận và xử lý 1.341 đơn thư khiếu nại, tố cáo, tố giác về tham nhũng, chức vụ, Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố điều tra 283 vụ án hình sự về tội phạm tham nhũng, chức vụ (đạt 21,1%). Cơ quan điều tra cũng đã tiếp nhận 198 vụ việc đối với 305 đối tượng do Thanh tra các cấp chuyển sang, trong đó đã khởi tố 148 vụ/341 bị can (đạt gần 74,7% về số vụ và 111,8% số đối tượng), kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 49 vụ. Tiếp nhận từ Kiểm toán Nhà nước 05 vụ, trong đó đã ra quyết định không khởi tố 02 vụ, đang trong quá trình điều tra xác minh 03 vụ.
Tuy nhiên, trong công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng, chức vụ, Cơ quan điều tra vẫn còn để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm về thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Một số trường hợp xử lý tin báo, tố giác về tội phạm sau đó ra quyết định hoặc kiến nghị ra quyết định xử lý kỷ luật hành chính do chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm sát chặt chẽ nên dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
- Việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ của Cơ quan điều tra
Thời gian qua, công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố đối với tội phạm về tham nhũng, chức vụ của Cơ quan điều tra Công an các cấp đã được tăng cường hơn. Trong thời gian lấy số liệu, các Cơ quan điều tra đã khởi tố mới 674 vụ/1.578 bị can phạm các tội về tham nhũng, chức vụ (các vụ án tồn từ năm trước sang là 104 vụ/298 bị can). Trong đó, đã có kết luận điều tra 453 vụ/1.199 bị can; đình chỉ điều tra 10 vụ, tạm đình chỉ điều tra 26 vụ, hiện đang điều tra 185 vụ.
Nhìn chung, công tác phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ đã có chuyển biến và đạt kết quả tốt hơn so với những năm trước. Một số vụ án gây thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước đã được điều tra khám phá và đưa ra xử lý nghiêm minh hơn; việc tuân thủ các quy định về thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục trong điều tra và xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ đã được thực hiện tốt hơn. Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã tăng cường kiểm tra góp phần nâng cao hiệu quả và chấp hành nghiêm pháp luật trong công tác điều tra nhất là về tiến độ khám phá án.
Tuy nhiên, trong kỳ báo cáo, số vụ án tham nhũng, chức vụ phát hiện được để khởi tố điều tra thông qua công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm, công tác nghiệp vụ cơ bản, trinh sát điều tra để phát hiện và xử lý về tội phạm tham nhũng nhìn chung còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Ở một số địa phương, trong hơn 2 năm chỉ phát hiện được 01 đến 02 vụ tham nhũng (như các tỉnh: Bình Dương, Hải Dương, Bến Tre, Đà Nẵng, Điện Biên…). Việc phát hiện hành vi tham nhũng phần lớn là thông qua phản ánh của báo chí và công luận; Cơ quan điều tra mới tập trung điều tra theo tố tụng mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiệp vụ phòng ngừa và phát hiện tham nhũng. Tỷ lệ án tham nhũng, chức vụ bị đình chỉ điều tra còn nhiều; tiến độ điều tra một số vụ án còn chậm, việc giải quyết còn kéo dài…
Để xảy ra tình trạng này, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như đối tượng phạm tội tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kinh nghiệm che giấu hành vi phạm tội; công tác giám định phục vụ cho điều tra, nhất là giám định tài chính, xây dựng gặp khó khăn, các quy định về quản lý kinh tế thay đổi thường xuyên, có nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo…, thì cần đánh giá nghiêm túc về các nguyên nhân chủ quan như tổ chức Cơ quan điều tra hình sự hiện nay có nơi chưa phù hợp; năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác của một bộ phận điều tra viên còn hạn chế, chưa phúc đáp được yêu cầu nhiệm vụ; sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao… Do đó, mặc dù số vụ án tham nhũng, chức vụ được khởi tố, điều tra không nhiều, nhưng chất lượng điều tra còn hạn chế; vẫn còn tỷ lệ không nhỏ các vụ án sau khi khởi tố, quá trình điều tra đã chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn không phải là tội danh về tham nhũng; thời gian xử lý đối với không ít vụ án tham nhũng, chức vụ còn kéo dài, số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ cao; thậm chí có vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần nhưng vẫn chưa xét xử được; việc đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp không đúng với quy định của pháp luật, chưa phúc đáp yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, qua nhiều năm củng cố, kiện toàn nhưng cho đến nay lực lượng điều tra án về tham nhũng, chức vụ vẫn được đánh giá là “do lực lượng mới được thành lập, hình thành từ nhiều nguồn, một số đồng chí chưa làm công tác điều tra, trình độ năng lực còn hạn chế”. Đây là những yếu kém làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu lực, hiệu quả công tác này.
3. Tình hình chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ của Viện kiểm sát nhân dân
Nhìn chung, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra, xét xử đối với các vụ án tham nhũng, chức vụ của ngành Kiểm sát nhân dân thời gian qua đã được tăng cường hơn, kể cả về việc chấp hành pháp luật cũng như hiệu quả công tác, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã chủ động trong phối hợp với Cơ quan điều tra để làm tốt kiểm sát việc xử lý tin báo, tố giác tội phạm; kiểm sát hoạt động điều tra, trong trường hợp cần thiết để ra yêu cầu điều tra; kịp thời phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giữ, tạm giam… Có địa phương, do chú trọng công tác kiểm sát điều tra chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu nên đã góp phần hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm và trả hồ sơ điều tra bổ sung. Công tác thống kê tội phạm về tham nhũng, chức vụ đã được ngành Kiểm sát thực hiện theo quy định của pháp luật; qua đó giúp cho các cơ quan có cơ sở để đánh giá tình hình tội phạm về tham nhũng và chức vụ để đề ra các biện pháp phòng, chống phù hợp, có hiệu quả.
Tuy nhiên, qua giám sát tại các địa phương cho thấy, chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp Viện kiểm sát nhân dân đối với một số vụ án tham nhũng, chức vụ vẫn còn hạn chế; chưa kiểm sát được toàn bộ tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng, chức vụ của Cơ quan điều ra dẫn đến khả năng bỏ lọt tội phạm; vẫn để tình trạng Cơ quan điều tra vi phạm thời hạn giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; quá trình điều tra, việc xử lý đối với nhiều vụ án về tham nhũng, chức vụ còn kéo dài từ 2 đến 3 năm, thậm chí có vụ sau 12 năm mới đưa ra xét xử được, gây bức xúc trong nhân dân. Ở một số địa phương và cả ở cấp Trung ương việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ cao. Có tình trạng khi Cơ quan điều tra cấp trên tiến hành điều tra, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thực hành quyền công tố thì tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ rất cao. Việc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự còn nhiều, có biểu hiện chưa đúng và không nghiêm minh; một số trường hợp bị can bị khởi tố điều tra về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhưng qua áp dụng, vận dụng pháp luật, nhất là trong trường hợp đã khắc phục thiệt hại về tiền, tài sản thì đình chỉ điều tra, cho miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 không đúng.
Trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, một số vụ án Tòa án tuyên thấp hơn nhiều mức hình phạt mà Viện kiểm sát truy tố hoặc Viện kiểm sát đề nghị án phạt tù, Tòa án lại tuyên cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ, Tòa án chuyển sang tội danh khác không phải tội danh về tham nhũng hoặc nhẹ hơn cho bị cáo không đúng pháp luật… nhưng Viện kiểm sát nhân dân cũng không ra kháng nghị, kiến nghị.
Để xảy ra tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân, bên cạnh những nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan như ngại va chạm, nhất là đối với cấp ủy Đảng ở địa phương; một bộ phận kiểm sát viên, lãnh đạo Viện kiểm sát chưa làm đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền theo luật định; một số kiểm sát viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất là bản lĩnh, kinh nghiệm công tác; việc phát hiện, kháng nghị, kiến nghị khắc phục những vi phạm trong hoạt động tố tụng chưa được chú trọng đúng mức, cá biệt còn có kiểm sát viên vi phạm pháp luật, tiêu cực…; do đó, Viện kiểm sát cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm và chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp, có những kiến nghị, kháng nghị kịp thời chính xác đối với những sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
4. Tình hình chấp hành pháp luật trong xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ theo thẩm quyền của Tòa án nhân dân
Tòa án nhân dân các cấp đã có nhiều cố gắng trong công tác xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ. Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, liên quan đến nhiều người có chức vụ, quyền hạn được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đúng pháp luật. Qua xét xử đã xác định được tài sản do tham nhũng mà có trị giá nhiều tỷ đồng để thu về cho ngân sách Nhà nước…
Tuy nhiên, việc xét xử một số vụ án, nhất là các vụ tham nhũng lớn còn để kéo dài, có vụ quá thời hạn luật định đã gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhiều lần để xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ còn chiếm tỷ lệ cao, có nơi việc tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo chiếm tới 80% thậm chí là 100% (Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình cho hưởng án treo đối với 08/tổng số 09 bị cáo đã xét xử; Tòa án quân sự Quân khu 3 áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để xử dưới khung hình phạt đối với 10/tổng số 10 bị cáo và tuyên cho hưởng án treo đối với 6/10 bị cáo đã xét xử; Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt cảnh cáo đối với 50/113 bị cáo đã xét xử; Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang cho hưởng án treo đối với 29/tổng số 61 bị cáo; Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau cho hưởng án treo đối với 13/tổng số 17 bị cáo và các Tòa án cho hưởng án treo trên 50% như các tỉnh: Hòa Bình, Nghệ An, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang…). Tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với các vụ án tham nhũng, chức vụ còn nhiều, một số vụ trả hồ sơ thiếu căn cứ, làm kéo dài quá trình giải quyết, một số vụ sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung thì lại được chuyển sang tội danh khác có khung hình phạt nhẹ hơn hoặc đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can. Bên cạnh đó, ở Tòa án địa phương còn có một số cán bộ, Thẩm phán tiêu cực bị xử lý kỷ luật, truy tố về tội tham nhũng, gây mất lòng tin của nhân dân.
Có thể thấy, với việc miễn trách nhiệm hình sự cho hưởng án treo và áp dụng dưới khung hình phạt đối với tội phạm về tham nhũng, chức vụ chiếm tỷ lệ cao so với các loại tội phạm khác, có nhiều vụ vận dụng hình phạt không đúng là biểu hiện của việc nương nhẹ, xét xử chưa nghiêm minh, chưa phúc đáp được yêu cầu nhiệm vụ chính trị là phải xử lý thật nghiêm đối với loại tội phạm này, góp phần bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung và quan trọng hơn là củng cố niềm tin của nhân dân với bộ máy Nhà nước. Dư luận nhân dân cho rằng, thực trạng xử lý trên đây không loại trừ có dấu hiệu của bao che, tiêu cực, tham nhũng. Đây là yếu kém đã kéo dài nhiều năm, cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm, bảo đảm việc tuyên án đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như cả nước, nhất là trong tình hình tham nhũng hiện nay đang nghiêm trọng, phức tạp.
5. Về công tác phối hợp giữa các cơ quan Thanh tra, điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án
Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa Cơ quan thanh tra với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật đã được tăng cường và đạt được những kết quả nhất định, nhiều vụ án có dấu hiệu tam nhũng do Cơ quan thanh tra chuyển sang đã được khởi tố, điều tra và xử lý. Ở một số địa phương, Viện kiểm sát nhân dân các cấp cũng đã phối hợp với Cơ quan điều tra làm tốt công tác kiểm sát việc xác minh, xử lý tin báo tố giác tội phạm, qua đó đã góp phần hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm và trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, qua giám sát ở một số địa phương cho thấy, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng; xác minh đơn thư khiếu nại, tố cáo, tin báo, tố giác tội phạm; khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ còn chưa thường xuyên và trong nhiều trường hợp việc phối hợp chưa tốt. Nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển từ Cơ quan thanh tra sang Cơ quan điều tra còn chậm trễ gây khó khăn cho công tác điều tra, nhất là thu thập chứng cứ. Việc thông báo lại kết quả xử lý đối với các vụ việc do Cơ quan thanh tra chuyển cho Cơ quan điều tra thường chậm, có địa phương Cơ quan điều tra không thụ lý vụ việc do Cơ quan thanh tra chuyển sang vì cho rằng “hồ sơ chứng cứ chưa đầy đủ” hoặc sau khi giải quyết xong cũng không thông báo kết quả giải quyết cho Cơ quan thanh tra biết. Cơ chế phối hợp trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và do đó có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm về tham nhũng, chức vụ. Việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương hiệu quả chưa cao, thể hiện tỷ lệ các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa Tòa án và Viện kiểm sát, giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra còn cao, một số vụ trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần; chưa có sự phối hợp trong phân tích đánh giá về tình hình tham nhũng; nguyên nhân phát sinh tội phạm tham nhũng, chức vụ, nhất là những nguyên nhân chủ quan trong việc hoạch định chính sách cũng như trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Ngoài ra, Bộ luật hình sự có hiệu lực thi hành đã nhiều năm, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật đối với một số điều của Bộ luật hình sự (phần liên quan đến tội phạm về chức vụ, tham nhũng). Do đó, trong một số vụ án, quan điểm của Tòa án và Viện kiểm sát về xác định tội danh, hình phạt, đường lối xử lý còn rất khác nhau dẫn đến phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, làm kéo dài thời hạn giải quyết.
6. Đánh giá chung về chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ và một số kiến nghị
Nhìn chung, công tác phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ đã được các cơ quan có thẩm quyền triển khai khá đồng bộ, bước đầu có hiệu quả trong việc kiềm chế tham nhũng đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay. Việc phát hiện và xử lý trong các năm gần đây đã được tăng cường và đạt được kết quả tốt hơn; năm 2012 và 2013 việc phát hiện và xử lý tăng cả về số vụ và số bị can.
Tuy nhiên, qua giám sát tại các địa phương cho thấy, việc đánh giá tình hình tham nhũng vẫn còn rất lúng túng, mới chủ yếu dựa vào cảm tính của người đánh giá hoặc căn cứ vào kết quả phát hiện tham nhũng mà chưa đưa ra được những tiêu chí, số liệu thuyết phục để làm cơ sở đánh giá như tiêu chí về điều tra xã hội học để xác định mức độ hài lòng của người dân đối với bộ máy Nhà nước, người dân nhìn nhận về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng của Nhà nước, tiêu chí về việc phát hiện và xử lý tham nhũng,… Nhìn chung, khi được hỏi thì nhiều địa phương cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm, có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng và lan rộng sang cả lĩnh vực hỗ trợ dạy nghề ở nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… gây bức xúc, bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng tham nhũng thường là lợi dụng sơ hở, bất cập trong cơ chế chính sách, công tác quản lý của Nhà nước để trục lợi; thông đồng, câu kết với nhau và với các doanh nghiệp tư nhân, cá nhân ngoài xã hội thực hiện hành vi tham nhũng như tình trạng lập khống hồ sơ khối lượng thi công, nâng khống giá trị khi mua tài sản công để tham ô; thông qua thẩm định bồi thường để thông đồng với các hộ dân, tạo lập khống các hồ sơ kê khai tài sản để chiếm đoạt tiền đền bù; nhận hối lộ để cho vay trái nguyên tắc, vượt hạn mức, lập hồ sơ khống tài sản thế chấp để cho vay tiền gây thất thoát cho Nhà nước nhiều tỷ đồng…
Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện và có nhiều cố gắng nhưng cho đến nay vẫn chưa phúc đáp được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Công tác phát hiện còn nhiều hạn chế; việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cả Trung ương và các địa phương qua công tác quản lý cán bộ, kiểm tra, thanh tra, phê bình, tự phê bình hầu như không được thực hiện; phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý tin báo tố giác tội phạm, điều tra, kiểm sát hoạt động tư pháp hiệu quả chưa cao.
Qua giám sát cho thấy, việc xử lý kỷ luật hành chính không đúng dẫn đến bỏ lọt tội phạm; có những vụ đủ căn cứ để xử lý hình sự nhưng vẫn xử lý kỷ luật hành chính. Việc xử lý hình sự đối với nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ thường bị kéo dài, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về xác định tội danh, đường lối xử lý dẫn đến kết quả là thường được chuyển sang tội danh khác có hình phạt nhẹ hơn. Không ít bị can, bị cáo phạm tội tham nhũng, chức vụ, khi vận dụng tình tiết giảm nhẹ để áp dụng hình phạt dưới khung luật định, cho hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ không đúng pháp luật. Việc đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25 Bộ luật hình sự đối với một số vụ án là chưa chính xác; chưa đúng với tinh thần và nội dung của điều luật. Số tài sản thất thoát do tham nhũng được thu hồi cho Nhà nước là rất ít. Việc xử lý trách nhiệm của người đúng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn lúng túng, chưa nghiêm minh; đa số các trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm là do có liên quan trực tiếp hoặc đồng phạm với tội phạm về tham nhũng, chức vụ mà chưa xử lý đối với trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu hoặc có hành vi bao che. Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc xử lý trên đây chưa phúc đáp được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đề ra là phải xử lý thật nghiêm minh đối với vi phạm và tội phạm về tham nhũng, gây hoài nghi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; chưa góp phần tích cực vào việc củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng. Thực trạng này cũng đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ cần làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong công tác phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ.
Có nhiều nguyên nhân của thực trạng phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ chưa đạt yêu cầu. Ngoài những nguyên nhân khách quan đã được các cơ quan hữu quan ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá như bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật, tính chất của tội phạm tham nhũng… thì còn có những nguyên nhân chủ quan cần được quan tâm khắc phục, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền còn chưa quyết liệt, thiếu sát sao; cơ cấu tổ chức và hoạt động của một số đơn vị chống tham nhũng chưa rõ ràng; việc khen thưởng, kỷ luật chưa tương xứng với hành vi thực tế; cơ chế để quy trách nhiệm khi có vi phạm, tham nhũng xảy ra chưa được củng cố và tăng cường; cơ chế xin - cho là kẽ hở để tham nhũng phát sinh chậm được khắc phục; một bộ phận không nhỏ cán bộ làm công tác chống tham nhũng còn yếu về nghiệp vụ, kinh nghiệm, bản lĩnh, có trường hợp còn vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng…
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Một là, sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan nhằm tạo cơ chế kiểm sát, giám sát chặt chẽ việc xử lý kỷ luật, xử lý hành chính đối với hành vi tham nhũng để chống bỏ lọt tội phạm và tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính. Chú trọng hướng dẫn các điều về các tội danh có hành vi gần giống nhau, định lượng cụ thể về “gây hậu quả nghiêm trọng”, “tài sản có giá trị lớn”, “đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn”…; xử lý nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng, chức vụ; quy định đầy đủ hơn thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm…
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục ngay những tồn tại nêu trong báo cáo giám sát; xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt trách nhiệm của mình trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
Ba là, tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, hạn chế tối đa việc miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, áp dụng dưới khung hình phạt luật định để cho hưởng án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ không đúng pháp luật; xử lý thật nghiêm minh đối với các hành vi tham nhũng.
 

Thảo Linh


 

;
.