Sự lo xa của Bác và cách giải quyết vấn đề trong đảng, nhà nước ta hiện nay

Thứ Bảy, 21/09/2013, 13:29 [GMT+7]

    Mỗi dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và toàn Đảng, toàn dân ta có dịp ôn lại những bài học lịch sử của cách mạng, khó khăn, gian khổ với tình huống “nghìn cân treo sợi tóc” của những ngày đầu xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu - Người đã hy sinh, cống hiến suốt cả cuộc đời cho dân, cho nước. Đọc lại Bản Di chúc lịch sử, đối chiếu với những gì đất nước có được như hôm nay, bên cạnh niềm tự hào vui sướng về những thành tựu đã đạt được, những người có lương tâm, trách nhiệm không khỏi băn khoăn, day dứt về những điều Bác Hồ đã căn dặn trước lúc đi xa mà đến nay chúng ta chưa làm trọn vẹn. Một trong những vấn đề đó là về Đảng: “Đảng ta là đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Đối chiếu với những gì Đảng ta đánh giá trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó nổi lên tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thì thật sự chúng ta cảm thấy có lỗi với Bác. Trong sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thì tệ nạn tham nhũng, lãng phí vẫn là nỗi lo bức xúc và lâu dài của Đảng, Nhà nước ta. Công cuộc PCTN, được Đảng ta coi đó là quốc nạn hiện nay, còn rất cam go, phức tạp, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đảng, Nhà nước ta đã có khá nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm hạn chế, ngăn chặn, đầy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, tuy nhiên kết quả đạt được chưa như mong muốn; tệ nạn này “vẫn diễn ra tinh vi, phức tạp”. Và như là quy luật, việc tham nhũng, lãng phí thường xảy ra ở những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Trong khi đó, những năm qua, trong tất cả các cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân không ngừng đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

    Như vậy có thể thấy rằng, việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở không ít cán bộ, đảng viên còn rất hình thức, chưa có chuyển biến về tư tưởng, hành động. “Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn”. Với quan điểm đó, cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền cần tiếp tục học tập, quán triệt sâu sắc hơn nữa và làm theo tấm gương đạo đức của Người về PCTN, lãng phí. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người nhìn xa, trông rộng về nhiều vấn đề của cách mạng, trong đó có sự suy thoái của cán bộ, đảng viên khi đã có chính quyền trong tay. Do vậy, ngay trong những bài giảng đầu tiên cho các lớp cán bộ trước khi Đảng ta ra đời, trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” (1927) tại Quảng Châu, Trung Quốc, trong 14 điều “tự mình phải”, Người đã dành 2 điều nói về phòng, chống tư lợi, dục vọng cá nhân là “phải vi công vô tư” và “không có lòng ham muốn về vật chất”. Sau này, khi giành được chính quyền cũng như hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ đã có nhiều bài nói, bài viết về PCTN, lãng phí. Các bài nói, bài viết, Bác đã phân tích căn nguyên quá trình dẫn đến tham ô, lãng phí:
    - Khi còn hoạt động bí mật và chưa có chính quyền, tức là chưa có địa vị xã hội thì tham nhũng chưa có nguy cơ trực tiếp đối với cán bộ, đảng viên cho nên phương pháp chính là tu luyện và đề phòng là chính.
    - Khi đã có chính quyền trong tay, tức là khi đã có quyền lực, quyền lợi, tuy còn hạn chế, cán bộ, đảng viên đã bắt đầu có những biểu hiện lợi dụng chức quyền để tư lợi từ việc nhỏ đến việc lớn cho cá nhân mình và cho gia đình mình. Chính vì vậy, từ những ngày đầu khi vừa giành được độc lập, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” Bác Hồ đã chỉ ra cần đề phòng cán bộ “hủ hóa”; “lên mặt làm quan cách mạng hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư”. Sau đó, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” Hồ Chí Minh đã chỉ ra 6 lỗi lầm chính của cán bộ là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Bác Hồ đã chỉ rõ những biểu hiện xa lạ của một số cán bộ có chức, trong khi nước nhà còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đó là: “ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, tự hỏi tiền bạc ở đâu mà ra? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?”.
    - Khi miền Bắc đã hòa bình, bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, quyền hành của cán bộ, của cải xã hội nhiều hơn trước, vào tháng 12-1958, Bác Hồ viết bài “Đạo đức cách mạng”. Bác Hồ coi chủ nghĩa cá nhân trong đó có tư lợi, tham ô, lãng phí) là “một trong 3 kẻ địch nguy hiểm của cách mạng (chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc; thói quen và truyền thống lạc hậu; chủ nghĩa cá nhân).

    Tiếp đó, trong Bài nói chuyện tại Đại hội III Đoàn Thanh niên Việt Nam, ngày 24-3-1961, Bác Hồ nhắc lại: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung  của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”. Như vậy, chủ nghĩa cá nhân phát triển từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao. Từ chỗ chỉ là tư lợi, tham ô là nguy cơ cần ngăn chặn, là lỗi lầm cần nghiêm trị đến khi phát triển thành tham nhũng một cách tinh vi, có tổ chức (ngày nay là lợi ích nhóm) thì như Bác Hồ đã chỉ ra từ lâu rằng “tham ô là nguy cơ cần ngăn chặn, là tội cần nghiêm trị”; “những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phú và của nhân dân”.

    Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường, mặc dù đất nước ta đã đạt được những thành tựu mang tính lịch sử, nhưng đi theo đó, tình trạng tham nhũng cũng ngày càng tinh vi. Dường như ở đâu càng đầu tư nhiều tiền của thì ở đó tham nhũng càng lớn? Nhiều lĩnh vực tham nhũng nổi cộm, bức xúc như: tài chính - ngân hàng; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai; doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước; lĩnh vực giao thông - vận tải; tổ chức - cán bộ; tư pháp v.v… Tham nhũng, lãng phí bây giờ không phải vài triệu, vài trăm nghìn đồng mà hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Vậy nên gọi tội đó là tội gì, trong khi đó các bản án xử tội này còn quá “mưa phùn, gió nhẹ”, chủ yếu là kỷ luật hành chính, án treo, “kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm sâu sắc!”. Có nhiều cách thức để PCTN, lãng phí. Một trong những cách thức rất quan trọng là cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, những người đứng đầu phải nghiêm túc, gương mẫu học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về PCTN, lãng phí. Điều này, cần được thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể sau đây:

    Thứ nhất, đã là cán bộ, đảng viên thì dứt khoát không được có những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, đồng thời gương mẫu, tích cực trong đấu tranh PCTN, lãng phí. Bác Hồ đã từng cảnh báo, nhắc nhở rằng “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài”. Cho nên, cán bộ, đảng viên nào có chức, có quyền mà giàu lên một cách nhanh chóng, không chứng minh được sự giàu có đó thì cần phải xem xét, xử lý nghiêm hơn những cán bộ, đảng viên bình thường khác. Để thực hiện được điều này thì tiền đề, cơ sở ban đầu là phải công khai, minh bạch tài sản của cá nhân, gia đình, vợ, chồng, con cán bộ, đảng viên để  quần chúng, nhân dân biết và giám sát.
    Thứ hai, thực hiện lời dạy của Bác “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì làm hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Đảng ta không có lợi ích riêng nào ngoài lợi ích của đất nước và của nhân dân. Lợi ích của cán bộ, đảng viên phải ở trong chứ không ở ngoài lợi ích của Đảng, của đất nước và nhân dân. Chừng nào người dân còn đói, còn rét, còn không có công ăn việc làm, không có nhà ở, không được chăm sóc sức khỏe, không được học hành... thì cán bộ, đảng viên không được kêu khó, kêu khổ. Đã đến lúc cần lấy hiệu quả phục vụ lợi ích của nhân dân, hiệu quả đấu tranh PCTN, lãng phí làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên.
    Thứ ba, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nhà nước phải coi công tác PCTN, lãng phí như chống giặc nội xâm. Có một nghịch lý là, ở không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị được coi là có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, ấy vậy mà khi xét các danh hiệu thi đua về Đảng và chính quyền thì tỷ lệ tổ chức, đơn vị xuất sắc, trong sạch vững mạnh, đảng viên đủ tư cách, chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến... đều rất  cao, thậm chí có cán bộ, đảng viên, người đứng đầu tham nhũng, lãng phí nhưng vẫn được xét thi đua ở những danh hiệu cao. Như vậy, rõ ràng, các danh hiệu không thực chất này vô tình hay cố ý làm vỏ  bọc che chở, bảo vệ cho “giặc nội xâm”; đã đóng dấu OTK về chất lượng cho sản phẩm bỏ đi. Ở đây những người đứng đầu phải noi gương học tập Bác Hồ: khi Quốc hội khóa II định trao tặng Bác Huân chương cao quý. Biết việc này, Bác Hồ từ chối mà rằng “vì xét thấy Bác chưa có công xứng đáng”. Với một người suốt đời hy sinh, phấn đấu, đem lại độc lập - tự do cho Tổ quốc, tự do - hạnh phúc cho nhân dân mà khi ra đi trên ngực Bác không một tấm huân chương, “một đời thanh bạch chẳng vàng son” thì liệu những cán bộ, tham nhũng, lãng phí có đáng nhận huân, huy chương hay danh hiệu này, danh hiệu khác hay không?
    Thứ tư, giữ nghiêm phép nước trong xử lý tội tham nhũng, lãng phí. Không ít cán bộ lãnh đạo bị tha hóa, tham nhũng, lãng phí, nhưng khi xét xử vẫn rơi vào tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”, thành thử hiện tượng “nhờn pháp luật” hiện nay là rất phổ biến. Nhiều cán bộ, đảng viên sẵn sàng vi phạm pháp luật bằng cách “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý khi mắc tội tham nhũng, lãng phí nhưng luôn luôn hy vọng sự “khoan hồng” hoặc nhờ cấp này, cấp khác, người này, người khác can thiệp để nhẹ tội. Có những tổ chức, cá nhân kháng án, đề nghị khoan hồng vì đã có công này, công khác. Ở khía cạnh này, Bác Hồ đã từng nói: “Tính xấu của một con người thường chỉ có hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”. Pháp luật nghiêm minh và trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng, lãng phí cũng là một biện pháp ngăn ngừa, giáo dục và răn đe hiệu quả. Với mỗi tổ chức đảng thì để đảng viên khỏi bị pháp luật trừng trị thì vũ khí tự phê bình và phê bình vẫn là cách làm chủ yếu và hiệu quả nhất. Có lẽ với tầm nhìn xa trông rộng, sự tiên đoán về sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, cho nên trước lúc “đi xa” Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Vũ Ngọc Lân
(Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân vận)
 

;
.