Chìa khóa bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Thứ Năm, 02/02/2017, 19:41 [GMT+7]
    Bảo vệ người tố cáo khỏi sự trả thù
 
    Mặc dù người tố cáo được thừa nhận là nguồn thông tin quan trọng tiết lộ tham nhũng và các hành vi sai trái khác, nhưng chính họ phải trả giá đắt nhất. Nếu không được pháp luật bảo vệ đầy đủ, người tố cáo tham nhũng chắc chắn đối mặt với việc bị sa thải, giáng chức hoặc bị quấy nhiễu, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Hơn ai hết, họ cần được bảo vệ.
 
    Một nghiên cứu của Eurobarometer năm 2014 cho thấy: Chỉ có 4 trong số 27 nước thành viên EU có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh bảo vệ người tố cáo, đó là Luxembourg, Romania, Slovenia và Anh. Trong số 23 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, 16 quốc gia bảo vệ hợp pháp một phần cho nhân viên dám đứng lên báo cáo việc làm sai trái. Bảy nước còn lại hoặc có rất ít hoặc không có các khuôn khổ pháp lý bảo vệ người tố cáo.
 
    Để tháo dỡ những rào cản và khuyến khích công dân lên tiếng báo cáo tham nhũng, Tổ chức Minh bạch quốc tế đã xây dựng các trung tâm tư vấn chống tham nhũng ở 62 quốc gia trên toàn thế giới. Mô hình thí điểm đầu tiên ở các nước Nam Đông Âu cách đây hơn 10 năm. Các trung tâm này có trách nhiệm hỗ trợ các nhân chứng và nạn nhân tham nhũng. Một trong những lần họ bảo vệ thành công người tố cáo là trường hợp trung sĩ Maurice McCabe và John Wilson báo cáo phát hiện những vi phạm liên quan đến hàng nghìn hồ sơ của cảnh sát giao thông ở Ireland. Họ cáo buộc các sĩ quan cấp trên đã làm giả các hồ sơ để xóa bỏ hình phạt và mức phạt đối với những người lái xe mô tô vi phạm tốc độ và các quy định giao thông đường bộ khác. Người ta tin rằng, trong số những người bị hủy hồ sơ có các sĩ quan cảnh sát, quan tòa và những người nổi tiếng. Nhiều lý do không hợp lý thường được ghi vào hồ sơ để biện minh cho việc hủy bỏ tiền phạt, ví dụ như “muộn giờ học bơi” hoặc vì “việc nhà khẩn cấp”... Số tiền nộp phạt bị thất thoát ước tính khoảng 1,5 triệu bảng mỗi năm.
 
    Trái ngược với những gì mọi người mong đợi, McCabe và Wilson không được biểu dương và khen thưởng cho nỗ lực ngăn chặn hành vi xấu. Hai cảnh sát thấy mình bị phớt lờ, cô lập và chế nhạo, một chiến dịch truyền thông được tiến hành nhằm hủy hoại uy tín của họ. Họ còn bị rút quyền sử dụng cơ sở dữ liệu của cảnh sát. McCabe báo cáo ông bị đe dọa kỷ luật. Ủy viên hội đồng lúc đó là ông Martin Callinan, công khai mô tả hành động của hai cảnh sát là “kinh tởm” và rằng họ đã chia sẻ thông tin với công chúng một cách không thích hợp. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã buộc tội sai trái đối với McCabe và Wilson vì lý do không hợp tác với cuộc điều tra, sau này ông bộ trưởng đã phải xin lỗi vì điều này. Tổ chức Minh bạch quốc tế Ireland hỗ trợ hai người tố cáo bằng cách đưa ra những lời khuyên thiết thực về cách đối phó với sự trả đũa, đôi khi tổ chức này đóng vai trò là người phát ngôn của hai cảnh sát. Họ cũng tìm cách thu hút sự chú ý của công chúng vào sự thất bại của quan chức chính quyền trong việc bảo vệ những người tố cáo bị ngược đãi.
 
    Các sĩ quan cảnh sát Ireland McCabe và Wilson đã được minh oan sau một loạt các báo cáo chính thức vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Người ta ước tính có khoảng 9.000 trường hợp đã bị hủy bỏ xử phạt trong những hoàn cảnh đáng ngờ chỉ trong thời gian ngắn từ năm 2011 đến năm 2012. Một Ủy ban điều tra được thành lập, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Ủy viên hội đồng phải từ chức và nghỉ hưu sớm vì cách họ xử lý đối với vụ này. Chính phủ cuối cùng đã xin lỗi về cách thức đối xử với McCabe và Wilson. Một số cải cách quan trọng được thực hiện nhằm bảo đảm kênh báo cáo các hành vi sai trái hiệu quả hơn. Những người tố cáo cuối cùng được đài truyền hình nhà nước gọi là “Nhân vật của năm”.
 
     Để ngăn chặn tình trạng trù dập người tố cáo tham nhũng, Hà Lan chấp thuận các quy định bảo vệ công chức vào năm 2001, xây dựng đạo đức công vụ và cơ quan liêm chính năm 2006, mở rộng Văn phòng Thanh tra Nhà nước năm 2011 và khai trương Trung tâm Tư vấn tố cáo vào năm 2012.
 
    Năm 2004, Romania đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông qua một đạo luật riêng bảo vệ người tố cáo khỏi sự trả thù. Đối tượng của Đạo luật bảo vệ người tố cáo là các nhân viên chính phủ. Luật này cũng bảo vệ những thông tin được gửi đến các nhà báo, nhà hoạt động và các tổ chức khác ngoài nơi làm việc, có nghĩa là, người tố cáo có thể bỏ qua chủ sử dụng lao động của họ mà không bị trừng phạt.
 
    Ngay từ năm 1766, Thụy Điển đã có những quy định được coi như luật tự do thông tin đầu tiên trên thế giới. Mặc dù Thụy Điển không có luật riêng về tố cáo nhưng tài liệu lịch sử này hình thành cơ sở cho một khuôn khổ pháp lý phức tạp bảo vệ những người tiếp xúc với hành vi sai trái. Tất cả người dân Thụy Điển được tự do chuyển thông tin đến các phương tiện truyền thông, ngoại trừ bí mật y tế và thông tin an ninh quốc gia. Nhân viên công ty có thể báo cáo việc làm sai trái với người ngoài nếu có nguy cơ bị chủ sa thải.
 
    Nước Anh đã thông qua Luật công khai lợi ích công cộng (PIDA), một bộ luật toàn diện về tố cáo và bảo vệ người tố cáo. Sau một loạt các thảm họa gây tử vong và các vụ bê bối chính trị, kinh doanh ở cấp cao, nước Anh thông qua PIDA vào năm 1998, bao trùm hầu hết nhân viên chính phủ, khu vực tư nhân và phi lợi nhuận. Luật được mở rộng đến các đối tượng như nhà thầu, học viên và người lao động Anh ở nước ngoài. PIDA yêu cầu những người chủ phải chứng minh rằng họ không thực hiện bất cứ hành động nào để chống nhân viên hoặc công nhân tố cáo. Việc chứng minh ngược này đã trở thành một tiêu chuẩn quốc tế quan trọng. Ngoài thiệt hại tài chính thực tế, nhân viên bị trả thù vì tố cáo cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổn thương tinh thần. Khoản bồi thường cao nhất đến nay là 5 triệu bảng. PIDA sử dụng một hệ thống “bậc thang” độc đáo để người tố cáo có thể tiết lộ thông tin mà không sợ bị trả thù. Nhân viên có thể tiết lộ thông tin cho người chủ của họ, cơ quan quản lý, người “bên ngoài” như các thành viên của Nghị viện hoặc trực tiếp cho các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, tùy vào sự chính xác và tính cấp bách của thông tin, tương ứng với mỗi bậc, người tố cáo được pháp luật bảo vệ theo các cấp độ khác nhau. PIDA được cập nhật vào tháng 4-2013 để điều chỉnh thử nghiệm “lợi ích công cộng”. Có nghĩa là các nhân viên chỉ được pháp luật bảo vệ khỏi sự trả thù nếu như họ tiết lộ vì lợi ích công cộng chứ không vì tư thù cá nhân.
 
    Tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ đều có luật bảo vệ nhân viên nhà nước khỏi bị trả đũa. Hầu hết các tiểu bang có luật bảo vệ nhân viên ở khu vực tư nhân. Nhiều bang đã ban hành các điều khoản chống trả đũa đối với các khiếu nại hoặc đối với từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, Bang Rhode Island có điều khoản chống trả đũa theo luật lệ liên quan đến trò chơi, nhà điều dưỡng, cơ sở y tế, bệnh viện phi lợi nhuận, gian lận bảo hiểm, tổ chức duy trì sức khỏe và giảm amiăng (một loại chất độc gây ung thư phổi, được dùng để sản xuất tấm lợp, hiện bị WHO cấm sử dụng). Điều khoản chống trả đũa được thiết kế để bảo vệ nhân viên nhà nước và tư nhân làm việc trong các trường hợp cụ thể. 
 
Cung điện Luxembourg.
Cung điện Luxembourg.
    Nỗi sợ hãi vẫn lớn hơn dũng khí
 
    Năm 2013, Tổ chức Minh bạch quốc tế (IT) tiến hành cuộc khảo sát ý kiến công chúng trên toàn thế giới về tham nhũng. 114.000 người ở 107 quốc gia được hỏi về quan điểm của họ cũng như những việc họ đã từng trải qua liên quan đến tham nhũng. Hầu hết những người được hỏi khẳng định rằng, con người đang bị xúc phạm bởi nạn tham nhũng và thiếu trách nhiệm, thiếu minh bạch và liêm chính trong hoạt động của các chính trị gia, công chức và lãnh đạo doanh nghiệp. Tất cả mọi người muốn thay đổi tình trạng này ngay lập tức.
 
    Về vai trò cá nhân, có 67% số người được hỏi tin rằng những công dân bình thường cũng có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng ở đất nước họ và hơn 69% nói rằng họ sẽ báo cáo về các vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, trong thực tế số người báo cáo tham nhũng thấp hơn nhiều. Tại châu Âu, 74% những người đã từng trải qua hoặc đã chứng kiến tham nhũng nói rằng họ không báo cáo sự việc.
 
    Nghiên cứu của IT cũng nêu lên những lý do người dân không báo cáo tham nhũng, trong đó: 47% khó chứng minh một vụ việc; 33% báo cáo việc đó là vô nghĩa bởi vì những người có trách nhiệm sẽ không bị trừng phạt; 31% người báo cáo không được bảo vệ; 21% không biết báo cáo với ai; 20% những người báo cáo vụ việc tham nhũng gặp rắc rối với cảnh sát hoặc cơ quan khác; 20% số người đều biết về những việc đó và không có ai báo cáo; 16% không muốn phản bội bất cứ ai; 16% cho rằng không đáng bỏ công báo cáo.
 
    Số liệu khảo sát cho thấy, có sự suy giảm niềm tin rất lớn đối với hiệu quả, năng lực của các tổ chức nhà nước trong đấu tranh PCTN. Eurobarometer chỉ ra rằng, một phần ba người châu Âu giữ im lặng bởi vì họ tin rằng không có ai bị trừng phạt vì tội tham nhũng. Tại Cộng hòa Séc, 39% công dân được hỏi lo ngại rằng, việc báo cáo tham nhũng sẽ đưa đến những rắc rối với cảnh sát hoặc các nhà chức trách. Ở Luxembourg, các cơ quan công cộng có thể không hành động khi nhận được đơn tố cáo nặc danh. 62% người dân Lithuania không tin là họ có thể làm được điều gì đó khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng.
 
    Cuộc đời của những người tố cáo nổi tiếng đều rất sóng gió. Tháng 4-2016, ông Antoine Deltour, cựu nhân viên của Công ty PricewaterhouseCoopers, đã phải ra trước Tòa án Luxembourg và bị buộc tội trộm cắp, vi phạm luật bí mật nghề nghiệp. Ông này đã giúp phơi bày các thủ đoạn trốn thuế, giảm thuế tinh vi của các cơ quan thuế, các tập đoàn đa quốc gia. Trước đó, vào năm 2008, một cựu nhân viên của Chi nhánh Ngân hàng HSBC tại Thụy Sĩ là Hervé Falciani cũng tiết lộ thông tin liên quan đến trốn thuế của các khách hàng uy tín của HSBC. Ông này đã bị bắt giữ, thẩm vấn, bị bỏ tù và xa lánh.
 
    Tháng 11-2013, tổ chức Public Concern at Work (PCAW) có trụ sở tại Anh đã phỏng vấn 1.000 người tố cáo và phát hiện thấy 15% trong số họ bị sa thải sau khi họ báo cáo việc làm sai trái trong tổ chức của mình. Nhân viên càng ở vị trí quan trọng càng dễ bị sa thải. Cứ năm người thì có một người phải nhận kỷ luật hoặc cách chức sau khi nêu lên mối lo ngại của họ ở nơi làm việc. 74% số người tố cáo nói rằng, tổ chức của họ không có hành động nào sau khi nghe nhân viên nêu lên các vấn đề quan ngại ở nơi làm việc và 60% không nhận được phản ứng nào từ người quản lý. Nhiều thông tin tố cáo của nhân viên cấp thấp bị phớt lờ. Những người tố cáo không gặp thuận lợi khi phải ra tòa chứng minh phát hiện sai phạm, chỉ có 22% thắng kiện. Trong số này, 02% được phục hồi trở lại công việc cũ và 08% được bồi thường thiệt hại.
 
    Bà Cathy James, Giám đốc điều hành của PCAW cho biết: Quá nhiều người lao động vẫn phải chịu đựng sự trả thù và điều đó không chỉ tác động tiêu cực đến người tố cáo, mà còn làm cho những người khác không dám lên tiếng và để cho văn hóa im lặng chiếm lĩnh. Chúng ta phải học từ những sai lầm trong quá khứ và khẳng định rằng chính việc tố cáo giúp bảo vệ các cá nhân, tổ chức và xã hội nói chung.
 
    Người tố cáo cần được tôn trọng và bảo vệ
 
    Người tố cáo rất quan trọng trong việc đem các vụ việc tham nhũng ra ánh sáng, vì họ có điều kiện tiếp cận nguồn thông tin. Nhiều vụ tai tiếng trên thế giới có thể giảm nhẹ hậu quả hoặc có thể được ngăn chặn nếu người tố cáo nói lên sự thật với người chịu trách nhiệm hoặc các phương tiện truyền thông. Trong nhiều trường hợp, nhân viên hoặc quản lý biết những hành vi sai trái, tuy nhiên vì nhiều lý do mà những vụ việc vẫn xảy ra. Trong vụ tràn chất thải nhôm độc hại ở Hungary năm 2010, một số người trong cuộc biết trước là có vấn đề với các hồ chứa, nhưng họ không báo cáo. Sự cố tràn chất thải đã làm chết 10 người, 15 người bị thương và tàn phá một khu vực rộng lớn đất đai.
 
    Luôn có rất nhiều rào cản đối với các cá nhân, ngăn họ lên tiếng. Niềm tin của công chúng vào khả năng đối phó với tham nhũng của các tổ chức nói chung là thấp, báo cáo của các cơ quan nhà nước thường không rõ ràng hoặc không đáng tin cậy. Luật bảo vệ người tố cáo được thực thi kém hoặc không có luật bảo vệ người tố cáo. Dân thường không biết quyền lợi của họ hoặc cách thức thực hiện các quyền của họ khi tố cáo tham nhũng. Ngoài ra, còn những thách thức khác như khó tiếp cận thông tin, việc giám sát của người dân bị cản trở, các kênh thông tin để công dân lên tiếng không rõ ràng, kém hiệu quả.
 
    Nếu thực hiện tốt việc bảo vệ nhân chứng, số người sẵn sàng báo cáo các vụ tham nhũng sẽ tăng. Người dân Hồng Kông luôn sẵn sàng hợp tác với tổ chức ICAC của Hồng Kông vì họ tin tưởng tổ chức này. Người dân cũng mạnh dạn gửi thông tin tố cáo tham nhũng cho tổ chức chống tham nhũng của New Zealand vì thấy thông tin của họ, kể cả thông tin nặc danh, được công khai trên internet.
 
    Để thể hiện sự tôn trọng đối với người tố cáo, ở Mỹ, Tòa án đã ra nhiều quyết định bồi thường thiệt hại cho người tố cáo. Một nhân viên phân tích thuộc Cơ quan nhà ở công cộng bang California báo cáo về một vụ tiết lộ thông tin dự thầu. Người tố cáo bị sa thải nhưng anh này được Tòa án phán quyết bồi thường thiệt hại 1,3 triệu USD. Ở Bang Pennsylvania, một nhân viên dịch vụ nhà báo cáo một trường hợp kinh doanh vụ lợi và nhận được 900.000 nghìn USD thiệt hại do mất việc làm. Các khoản bồi thường lớn cũng được trao cho người tố cáo báo cáo vi phạm về sức khỏe và an toàn công cộng. Một kỹ sư nhà máy xử lý nước ở Connecticut (Mỹ) đã bị mất việc làm sau khi báo cáo lãnh đạo nhà máy rằng nguồn cung cấp nước của thị trấn đã được xử lý không đầy đủ. Tòa án quyết định bồi thường cho viên kỹ sư 127.000 USD cho khoản tiền lương bị mất. Những khoản bồi thường này đã trao cho người tố cáo báo cáo những vi phạm liên quan đến sai phạm trong sử dụng công quỹ hoặc những vi phạm nghiêm trọng các chính sách công. Hàn Quốc cho phép người tố cáo được hưởng đến 20% giá trị của khoản tham nhũng thu hồi được.
 
    Ở Việt Nam, việc khen thưởng cho người tố cáo tham nhũng mới được thí điểm triển khai những năm gần đây. Quy định về bảo vệ người tố cáo của nước ta khá đầy đủ, thể hiện trong Bộ luật hình sự, Luật tố cáo. Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật về chống tham nhũng và bảo vệ người tố cáo gặp rất nhiều trở ngại. Đơn thư tố cáo tham nhũng của công dân có xu hướng tăng. Nhiều trường hợp tố cáo tham nhũng bị trù dập, đe dọa, bị thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần. Các thủ đoạn trả đũa, trù dập, gây khó khăn cho người tố cáo được thực hiện một cách tinh vi. Hiếm có cơ quan, tổ chức nào dám đứng lên bênh vực người tố cáo. Văn hóa “mũ ni che tai”, xu hướng xã hội hùa theo người có chức, có quyền mặc dù biết rõ người đó làm sai đang làm đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng hơn. Theo khảo sát của Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013 về quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam đối với tham nhũng, chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo tham nhũng. 51% người dân sợ rằng tố cáo tham nhũng không thay đổi được gì và 28% sợ gánh chịu hậu quả. Rõ ràng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo, hình thành các kênh để người dân cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng. Chú trọng xây dựng các đường dây nóng và trang web có chức năng tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng. Các cơ quan có nhiệm vụ chống tham nhũng cần chủ động công khai thông tin điều tra chống tham nhũng lên mạng internet, những khó khăn của các cuộc điều tra, nhằm kêu gọi sự giúp đỡ điều tra của người dân. Cách làm này đã được một số nước thực hiện rất thành công. Cơ quan thẩm quyền cần xử lý các thông tin hữu danh cũng như các báo cáo nặc danh. Bên cạnh đó, cần chú trọng bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần cho người tố cáo, khen thưởng, vinh danh người tố cáo vì lợi ích xã hội.
 
    Trong điều kiện Việt Nam, để người tố cáo được bảo vệ, để công dân dám tố cáo tham nhũng, mọi việc phải bắt đầu từ xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách quyết liệt, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, phải chống tham nhũng từ trên xuống, từ trong Đảng rồi mới đến quần chúng, nói phải đi đôi với làm theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, cần kiên trì con đường xây dựng văn hóa minh bạch, xây dựng đạo đức, lối sống trong sáng theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các cơ quan Đảng, Nhà nước cần có biện pháp hiệu quả để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động PCTN. Quyết không để người dân sợ hãi và hùa theo tham nhũng để hưởng lợi, dẫn đến tha hóa xã hội. Mọi việc phải bắt đầu từ sự gương mẫu của những người đứng đầu.
ThS. Hà Hồng Hà
(Báo Nhân Dân)
;
.