Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019

Thứ Năm, 31/05/2018, 14:51 [GMT+7]
    Ngày 30-5, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. 
 
    QH đã thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (XDL, PL) năm 2018; nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. Buổi chiều, QH thảo luận tổ về dự án Luật giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.
 
Ðại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường
Ðại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường
    QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Ðịnh trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình XDL, PL năm 2019, điều chỉnh Chương trình XDL, PL năm 2018. Theo báo cáo, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp được cải tiến trong tất cả các khâu. Công tác XDL, PL được Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan quan tâm, tích cực và chủ động hơn. Công tác soạn thảo, thẩm định được coi trọng và dành nhiều thời gian, công sức thực hiện. Chính phủ bố trí nhiều thời gian hơn và tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thảo luận, cho ý kiến về các dự án. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra các dự án, tích cực thực hiện việc tiếp thu, chỉnh lý dự án sau khi được QH cho ý kiến.
 
    Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo nêu rõ, việc lập và triển khai Chương trình XDL, PL vẫn còn những hạn chế: Hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên: Năm 2017, bổ sung sáu dự án, lùi thời gian trình năm dự án, rút khỏi Chương trình ba dự án, hai dự án được thông qua theo quy trình ba kỳ họp; năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình ba dự án, bổ sung 10 dự án... Thảo luận về nội dung nêu trên, nhiều đại biểu QH băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức đối với nhiều dự án còn hình thức...
 
    Trước đó, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (GDÐH), Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Luật GDÐH năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, tổ chức và hoạt động GDÐH. Nội dung sửa đổi, bổ sung luật lần này tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Ðảng; mở rộng và nâng cao quyền tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế.
 
    Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học và mục tiêu, quan điểm sửa đổi, bổ sung luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp năng lực của cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình; đồng thời, quy định trong dự thảo luật nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, nhất là về công tác tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản.
 
    Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu có chung quan điểm rằng, sự đổi mới nhất trong những nội dung quan trọng của dự án luật lần này là việc không miễn học phí đối với học sinh, sinh viên ngành sư phạm và thay thế bằng chính sách vay tín dụng sư phạm. Một số đại biểu khẳng định, sự thay đổi này sẽ giải quyết vấn đề tư duy sai lầm của nhiều thanh niên về việc đăng ký, thi tuyển vào ngành sư phạm để học... không mất tiền. Ðây không những là tư tưởng gây lãng phí thời gian, tiền bạc, tuổi trẻ của một bộ phận người dân, mà còn góp phần làm phức tạp hơn tình trạng thừa giáo viên vốn nhức nhối lâu nay.
                                                                                         Tiến Dũng
;
.