Nỗ lực quản lý tốt tài sản nhà nước và quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp

Thứ Ba, 29/05/2018, 14:17 [GMT+7]
    Ngày 28-5, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIV dành cả ngày làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) giai đoạn 2011-2016. Sau đó, QH đã thảo luận về nội dung này.
 
    Về kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Báo cáo của Đoàn giám sát của QH cho biết: Đến hết năm 2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và bị tác động mạnh do biến động lớn về tình hình thị trường, giá cả, về rủi ro tài chính khi xảy ra khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2012, nhất là xu hướng giảm khá mạnh của ngành khai khoáng vốn là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng GDP lớn, nhưng hoạt động của các DNNN vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DNNN còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ 1.292.400 lên 1.628.649 tỷ đồng); chưa phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế. Tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp; tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ, nặng tính bao cấp cho nên việc hạch toán và theo dõi tài sản không kịp thời và đầy đủ…
 
Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp
    Về CPH DNNN, Báo cáo cho biết, giai đoạn 2011-2016 cả nước đã cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Công tác CPH trong giai đoạn này đã đạt được những kết quả tích cực, như: Các cơ quan, đơn vị về cơ bản đã thực hiện trình tự, thủ tục CPH theo đúng quy định pháp luật, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, hài hòa quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ CPH theo kế hoạch đề ra; tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, trong đó có các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không cần chi phối... Sau CPH còn phát sinh nhiều vấn đề cần phải tiếp tục xử lý như giải quyết tranh chấp về tài sản, đất đai; các vấn đề về lao động, trợ cấp; về công nợ giữa người lao động với công ty cổ phần và giữa DNNN với công ty cổ phần; ràng buộc pháp lý để triển khai thực hiện phương án sản xuất kinh doanh thể hiện trong phương án CPH…
 
    Phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu QH đánh giá cao và thống nhất với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát của QH. Theo đó, Báo cáo được chuẩn bị công phu, khoa học, khách quan, đã nêu được những thành tựu trong quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại DN và quá trình CPH DNNN thời gian qua, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
 
    Thảo luận về công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các DN, các đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Phú Thọ), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và nhiều đại biểu QH băn khoăn, lo lắng khi còn rất nhiều hạn chế, khó khăn trong lĩnh vực này. Một số ý kiến khẳng định, chúng ta chưa tách bạch được chức năng chủ đại diện sở hữu nhà nước, quản trị doanh nghiệp và chức năng quản lý của Nhà nước, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thất thoát vốn mà không có người chịu trách nhiệm. Một trong những nguyên nhân chính được đề cập là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chưa hiệu quả, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao. Nhiều đoàn thanh tra đến làm việc, tiến hành kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm kịp thời cho nên dẫn đến thực trạng sai phạm khi bị phanh phui đã để lại hậu quả rất nặng nề, gây thất thoát lớn cho Nhà nước. Công tác kiểm soát nội bộ DN được triển khai nhưng chưa độc lập, trình độ, nghiệp vụ của kiểm soát viên chưa cao, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế, còn phụ thuộc vào hội đồng quản trị, ban điều hành DN, cho nên chức năng cảnh báo sớm những nguy cơ chưa được phát huy...
 
    Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu ý kiến giải trình thêm một số nội dung được các đại biểu QH quan tâm. Trong đó, nhấn mạnh thực trạng chồng chéo giữa vai trò quản lý nhà nước của các bộ, ngành với vai trò quản trị và chủ quản của các DNNN. Hiện tượng này dẫn đến tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, có những dự án quy mô lớn nhưng chất lượng không cao, trong quá trình thực hiện đã bị thất thoát vốn. Thậm chí đã xuất hiện những vụ việc cán bộ quản lý DN, cán bộ cơ quan quản lý nhà nước cố tình làm sai để trục lợi, tham ô. Trong thời gian tới, cần hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý và nguyên tắc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; đề ra những nguyên tắc cơ bản để bảo đảm khai thác và quản lý vốn nhà nước có hiệu quả…
 
    Liên quan công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, giai đoạn 2011-2016, Thanh tra Chính phủ tổ chức 19 cuộc thanh tra tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Qua đó, kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi quyết toán và đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý hơn 344 nghìn tỷ đồng. Kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân, chuyển sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 16 vụ, gồm 17 đối tượng và khởi tố bảy vụ, gồm 24 đối tượng; đồng thời, xử lý hành chính 43 tổ chức, 45 cá nhân, kiến nghị hoàn thiện 36 văn bản quy phạm pháp luật nhằm bịt kẽ hở tiêu cực trong công tác cổ phần hóa…
 
    Một trong những vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu QH quan tâm phát biểu ý kiến là vấn đề định giá DN trong quá trình CPH. Theo đó, trong thời gian qua, công việc quan trọng này còn nhiều hạn chế, khó khăn và yếu kém. Nhiều DN bị định giá thấp hơn thực tế, không sát với thị trường. Vấn đề đáng quan tâm là có hiện tượng tài sản mà Nhà nước mua vào được định giá rất cao, còn tài sản Nhà nước bán ra thì bị định giá thấp, gây thất thoát rất lớn đối với ngân sách nhà nước và suy giảm lòng tin của nhân dân. Quản lý, sử dụng đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp CPH đang là vấn đề được quan tâm và cũng xuất hiện nhiều bất cập, sai phạm… cần được các cơ quan chức năng quan tâm cụ thể, thấu đáo, nếu không kiểm soát tốt sẽ tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích trục lợi. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số đại biểu cho rằng, việc đánh giá giá trị tài sản, bao gồm tài sản hữu hình (các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, hàng tồn kho, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán...) và tài sản vô hình (giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, bản quyền…), là khâu rất hạn chế trong quá trình CPH. Chính sai sót trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, cũng như chưa thực hiện đúng nguyên tắc thị trường... dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để CPH, nhất là việc định giá doanh nghiệp thấp hơn giá trị thực tế, nguy cơ cao thất thoát tài sản nhà nước.
 
    Từ thực tế nêu trên, các đại biểu QH đề nghị: Việc định giá DN cần được chấn chỉnh kịp thời, cần công khai, minh bạch, áp dụng những phương pháp định giá tiên tiến; việc tổ chức đấu giá cổ phần phải được giám sát chặt chẽ. Đề cao trách nhiệm của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc CPH bởi trong thực tế thời gian qua, công tác này không phát huy được hiệu quả, nhiều sai phạm bị phát hiện ngay cả khi đã trải qua nhiều lần thanh tra, giám sát trước đó. Liên quan vấn đề này, đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) phát biểu ý kiến tranh luận tại hội trường. Theo đại biểu, việc định giá doanh nghiệp là công việc khó, bởi dựa chủ yếu vào giá trị đất và giá trị thương hiệu của DN. Trong khi đây là hai yếu tố rất khó định lượng và định tính. Vấn đề quan trọng nhất khi tiến hành CPH chính là quy trình tổ chức đấu giá. Đề nghị Báo cáo của Chính phủ, QH cần làm rõ hơn nội dung giám sát về vấn đề này bởi đây là nhân tố quyết định ảnh hưởng trực tiếp giá trị DN được CPH.
 
    Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã phát biểu ý kiến giải trình, trao đổi những vấn đề mà các đại biểu QH nêu ra, trong đó khẳng định vấn đề quản lý, sử dụng đất đai của DN trong và sau khi CPH còn nhiều bất cập. Trước thực trạng đó, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 01 từ đầu năm 2017 nhằm khắc phục, xử lý thực trạng nêu trên, trong đó có thể thu hồi quỹ đất mà các DN CPH sử dụng không hiệu quả hoặc quản lý lỏng lẻo. Bên cạnh đó, việc định giá đất được quy định chặt chẽ hơn, công khai và minh bạch hơn để có được giá hợp lý, không thất thoát tài sản nhà nước. Hiện nay, các bộ, ngành đang tiến hành thanh tra các dự án có “đất vàng” để xem xét, nếu phát hiện vi phạm sẽ có hình thức xử lý thích hợp.
 
    Bộ trưởng cho biết, trước mắt các cơ quan chức năng sẽ tập trung quản lý, xử lý bất cập đất đai tại các nông, lâm trường, bởi đất đai của Nhà nước tại khu vực này được sử dụng chưa hiệu quả, quản lý lỏng lẻo.
 
    Phát biểu ý kiến giải trình về việc CPH DNNN thuộc ngành giao thông, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 2011-2016, có 137 doanh nghiệp ngành giao thông được cổ phần hóa, vượt 67 đơn vị so với chỉ tiêu; 18 tổng công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần, ghi nhận doanh thu tăng 15%, lãi sau thuế tăng 194% (trung bình mỗi năm tăng hơn 40%), thu nhập người lao động tăng 32% trong bốn năm. Các doanh nghiệp này khi niêm yết và bán cổ phần lần đầu ra công chúng đều được giá cao, thu về hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với định giá ban đầu. Tranh luận về thông tin do Bộ trưởng cung cấp, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ví dụ việc cổ phần hóa một tổng công ty của ngành giao thông, tuy gồm nhiều đơn vị thành viên cũng như nắm giữ tài sản nhà nước khá lớn, nhưng chỉ được định giá 327 tỷ đồng. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo thanh tra, kiểm tra toàn diện việc cổ phần hóa tại tổng công ty này, không để thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước nếu có.
 
    Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu ý kiến giải trình về một số nội dung được đại biểu QH quan tâm trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực CPH DNNN, việc định giá DN, xác định giá trị quyền sử dụng đất cũng như quản lý tài sản, sử dụng vốn tại DNNN…
                                                                                   Vũ Khuyên
 
;
.