Một số vấn đề lý luận – thực tiễn cốt yếu về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thứ Hai, 10/03/2014, 11:50 [GMT+7]
Ngày 8-3, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới phối hợp với Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn cốt yếu về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” trong bối cảnh 30 năm đổi mới của nền kinh tế đất nước, nhất là gần 10 năm Việt Nam trở thành thành viên của WTO. 
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng hơn 70 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu trên cả nước quan tâm đến lĩnh vực này.
Hội thảo đã nhận được 30 tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, khoa học, cụ thể và đưa ra những đánh giá, giải pháp đột phá. 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Sau gần 30 năm đổi mới, các yếu tố cấu thành cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã đi vào hoạt động và đang từng bước hoàn thiện. Những thành tựu đổi mới về kinh tế cùng với đổi mới về chính trị đã tạo nên bầu không khí dân chủ mới trong xã hội, tạo động lực mới, đưa đất nước không chỉ thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế mà còn vươn lên nhóm nước có mức thu nhập trung bình. Chúng ta đã đạt được những thành tựu nổi bật về xóa đói giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên rõ rệt so với thời kỳ trước đổi mới.
Tuy nhiên, so với nền kinh tế thị trường thế giới đã có lịch sử mấy trăm năm, nhưng ở Việt Nam, thời gian phát triển chưa đầy 30 năm. Vì thế đã gặp không ít trở ngại, khó khăn và cả thiếu sót. Nền kinh tế tăng trưởng nhưng chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, các cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc, hệ thống tài chính non yếu và đang bộc lộ nhiều bất cập. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải tập trung cao độ trí tuệ để làm rõ những căn cứ lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và phù hợp với nguyên tắc chung của kinh tế thị trường trên thế giới ngày nay. Phương hướng cơ bản là phải dựa trên cơ sở nền tảng khoa học và bắt kịp những xu thế phát triển khách quan của thời đại để giải quyết những bức xúc trước mắt cũng như định ra đường hướng phát triển kinh tế dài hạn cho đất nước.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu thẳng thắn tập trung trao đổi, làm rõ một số vấn đề như mô hình tổng quát phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay của Việt Nam cần làm sâu sắc và mới ở những luận điểm, luận cứ, luận chứng nào khi chúng ta hội nhập đầy đủ vào kinh tế toàn cầu vào năm 2018; Việt Nam học tập được những gì từ các mô hình kinh tế thị trường của thế giới; các vấn đề cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay như vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những yếu tố cốt lõi bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta...
                                                                             Ngọc Hiên
                                                                          (Báo Nhân dân)
;
.