Thừa Thiên Huế: Chỉ đạo giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Thứ Năm, 08/11/2018, 09:57 [GMT+7]
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quy định về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 
    Theo đó, thông tin phản ánh về tập thể, cá nhân thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của chi bộ, đảng bộ nào thì cấp ủy nơi đó chịu trách nhiệm chỉ đạo xem xét, xử lý. Người đứng đầu đơn vị có vụ việc phản ánh có trách nhiệm báo cáo cấp ủy cùng cấp về xử lý của mình. Trường hợp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành thì ban thường vụ cấp ủy cấp trên của địa phương, đơn vị đó có trách nhiệm chỉ đạo xem xét, xử lý. Việc tiếp nhận, xử lý các nguồn thông tin và đề xuất xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân do người đứng đầu đơn vị chỉ đạo và phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xử lý trách nhiệm phải đồng bộ, kịp thời về Đảng, chính quyền, đoàn thể. 
 
Ban Nội chính Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế sơ kết 6 tháng đầu năm 2018
Ban Nội chính Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế sơ kết 6 tháng đầu năm 2018
    Về đầu mối tổng hợp, báo cáo đề xuất xử lý các nguồn thông tin cụ thể như sau: 1) Đối với thông tin phản ánh đến Tỉnh ủy: Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết. Đối với thông tin được phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết. 2) Các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, cấp ủy xã và tương đương: Đối với thông tin phản ánh đến cấp ủy thì Văn phòng cấp ủy cùng cấp tham mưu ban thường vụ cấp ủy chỉ đạo giải quyết. Đối với thông tin được phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy thì ủy ban kiểm tra cấp ủy phối hợp với văn phòng cấp ủy cùng cấp tham mưu ban thường vụ cấp ủy chỉ đạo giải quyết.
 
    Đối với ý kiến của cử tri: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo từng cấp tổng hợp, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp và đề xuất các đơn vị liên quan xử lý.
 
    Thông tin qua hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử: 1) Cấp tỉnh: Đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh thì Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp, báo cáo Bí thư Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đề xuất các đơn vị liên quan xử lý. Đối với hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, báo cáo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và gửi về Ban Nội chính Tỉnh ủy để tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết. 2) Cấp huyện, xã và tương đương: Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã và tương đương tổng hợp, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp và đề xuất các đơn vị liên quan xử lý.
 
    Thông tin phản ánh của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp: 1) Thông tin liên quan đến tổ chức chính trị xã hội nào thì cơ quan, đơn vị đó tổng hợp, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp và chịu trách nhiệm xử lý, báo cáo cấp ủy cùng cấp. 2) Thông tin do ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp nhận và qua hoạt động giám sát của mình: Thông tin được phát hiện ở cấp nào thì ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp đó tổng hợp, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp và đề nghị đơn vị liên quan xử lý.
 
    Thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí, truyền thông và dư luận xã hội: 1) Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị nào thì người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp và cấp trên. 2) Ban Nội chính Tỉnh ủy (đối với cấp tỉnh), văn phòng cấp ủy nơi có vụ việc được phản ánh (đối với cấp huyện) tổng hợp, báo cáo, đề xuất thường trực cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo xử lý. 3) Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp tham mưu, đề xuất thường trực cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tư tưởng chính trị, bức xúc trong dư luận xã hội của tỉnh, địa phương, đơn vị.
 
    Các trường hợp phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương (đối với vụ việc liên quan đến tập thể, cá nhân thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của cấp xã, huyện và tương đương) chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy (đối với cấp tỉnh), văn phòng cấp ủy nơi có vụ việc được phản ánh, phát hiện (đối với cấp huyện) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý và phối hợp với ủy ban kiểm tra cấp ủy đề xuất ban thường vụ, thường trực cấp ủy cùng cấp xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy định này. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, bổ sung Quy định khi có chỉ đạo của Trung ương hoặc có nhu cầu.
Bình Minh

 

.