Hòa Bình: Kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI)

Thứ Ba, 20/11/2018, 11:04 [GMT+7]
    5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU về việc triển khai, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW. Tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW đến các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy  một cách nghiêm túc, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
 
Hội thi Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp xã giỏi tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất, năm 2018
Hội thi Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp xã giỏi tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất, năm 2018
    Các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo việc giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của tỉnh, địa phương, đơn vị, nhất là những vấn đề nhân dân quan tâm, còn nhiều tồn tại, bức xúc; xác định đó là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. 
 
    Các cấp chính quyền chỉ đạo thực hiện việc rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định có liên quan, bảo đảm các điều kiện tổ chức thực hiện tốt Quy chế, Quy định; chỉ đạo thực hiện việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, phản biện; tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết kịp thời, đúng quy định những nội dung kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
 
    Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống tổ chức, đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành lựa chọn nội dung và tổ chức giám sát, phản biện xã hội theo chức năng, nhiệm vụ. 
 
    Trong 05 năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã giám sát 1.704 cuộc trên các lĩnh vực thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2013-2014; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thực hiện Quy chế dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia cùng với nguồn lực của Nhà nước xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất của tỉnh theo Quyết định số 662/QĐ-UBND ngày 26-5-2014 của UBND tỉnh; việc đánh giá sự hài lòng của người dân với chính quyền cơ sở; các khoản đóng góp của người dân ngoài quy định của Nhà nước đối với các trường công lập; việc thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; công tác lập hồ sơ quản lý và đưa người nghiện ma túy vào các trung tâm giáo dục, chữa bệnh và lao động xã hội; việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
 
    Liên đoàn lao động các cấp tổ chức 545 cuộc giám sát; Hội Nông dân chủ trì tổ chức 21 cuộc giám sát đối với các cơ quan quản lý Nhà nước; Tỉnh Đoàn tổ chức 10 cuộc giám sát; các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ chủ trì tổ chức 64 cuộc giám sát; Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức giám sát 19 cuộc…
 
    Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cũng phối hợp tuyên truyền phổ biến được trên 145 lượt điển hình tiên tiến trong công tác giám sát, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các phong trào thi đua.
 
    Cấp ủy, chính quyền các cấp đã giải quyết 2.274 kiến nghị sau giám sát, đạt 92%. Lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành đã tổ chức 240 cuộc tiếp xúc, đối thoại theo chuyên đề với nhân dân, người lao động, chủ doanh nghiệp, thanh niên, phụ nữ… Qua đó, nhiều vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc, những bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được các đồng chí lãnh đạo nghiêm túc giải trình, tiếp thu, chỉ đạo rà soát nội dung kiến nghị, đề xuất, phản ánh và tập trung giải quyết, không để kéo dài.
 
    Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng thực hiện nghiêm túc,  việc đóp góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã chủ động, tích cực, tổ chức góp ý định kỳ, góp ý thường xuyên và góp ý đột xuất được 3.665 cuộc góp ý đối với tổ chức đảng và đảng viên với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu trên 167.500 lượt ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân vào các dự thảo văn bản và đạo đức, lối sống, trách nhiệm thực thi công vụ của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
 
    Bên cạnh kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW còn những hạn chế như: Công tác tuyên truyền, quán triệt chưa thường xuyên, sâu rộng; thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, sơ kết. Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương, đơn vị chưa lựa chọn được nội dung giám sát mang tính thời sự được nhân dân quan tâm. Một số cuộc giám sát còn hình thức, chủ yếu dựa nhiều vào báo cáo, chưa đầu tư thời gian nghiên cứu thực tế; chưa phát huy trách nhiệm của các thành viên tham gia đoàn giám sát.
 
    Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh Hòa Bình tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân các quy định của Đảng và Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp, thống nhất hành động giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội với chính quyền các cấp, các ngành nhằm tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; định kỳ nghe và góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát; Thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; chủ động đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phản biện các dự thảo nghị quyết quan trọng của cấp ủy. Định kỳ sơ kết, tổng kết nhằm nhân rộng cách làm hay, có hiệu quả để rút kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo; hằng năm, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp giám sát, phản biện phù hợp. Công khai kết quả giám sát và phản biện xã hội. Phối hợp chặt chẽ với báo, đài, cơ quan truyền thông tuyên truyền và giám sát thực hiện kiến nghị, tổng hợp thông tin, báo cáo tham mưu đề xuất kịp thời.
Bình Minh
.