Hà Nam: Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ Năm, 22/02/2018, 13:27 [GMT+7]
    Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.
 
    Theo đó, thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, góp phần phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. 
 
Một Hội nghị tập huấn pháp luật về khiếu nại, tố cáo của UBND tỉnh Hà Nam
Một Hội nghị tập huấn pháp luật về khiếu nại, tố cáo của UBND tỉnh Hà Nam
    Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, công dân thường xuyên đến Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh và gửi đơn nhiều ngành, nhiều cấp. 
 
    Việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo có vụ việc còn chậm. Công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo một số vụ việc quá thời gian quy định, giải quyết chưa dứt điểm, gây bức xúc cho công dân.
 
    Theo số liệu do ngành Thanh tra tỉnh Hà Nam công bố tại lễ tổng kết công tác năm 2017, tại trụ sở tiếp công dân các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 4.178 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Toàn tỉnh tiếp nhận 2.526 đơn thư, có 1.278 đơn đủ điều kiện xử lý. Trong đó, 102 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã giải quyết 91/102 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 89,2%.
 
    Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các chỉ đạo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, các quy định pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
    Đồng thời, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ trực tiếp xem xét giải quyết đối với người dân. 
 
    Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, mọi khiếu nại, tố cáo phải được xem xét, giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật từ cấp cơ sở; lấy kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ.
 
    Các sở, ngành và các địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân đột xuất và định kỳ, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
    Khi xảy ra khiếu nại đông người, phức tạp, cán bộ lãnh đạo phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người dân, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.
 
    Đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài cần chủ động nắm tình hình, xây dựng kế hoạch cụ thể, tích cực phối hợp, giải quyết dứt điểm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
 
    Bên cạnh đó, các đơn vị phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và cải cách hành chính, ứng dựng công nghệ thông tin trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. 
 
    Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát. 
 
    Tập trung giải quyết dứt điểm từ cơ sở các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường…  Tổ chức thi hành triệt để các quyết định, kết luận đã có hiệu lực pháp luật.
 
    Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
                                                                                   Lê Hiếu
                                                                                    (VOV)
;
.