Bình Dương: Chương trình hành động thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2020

Thứ Sáu, 20/01/2017, 14:20 [GMT+7]
    Để thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị giai đoạn 2016-2020. Nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2020, là:
 
    Triển khai thi hành các Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản luật, văn bản dưới luật khác có liên quan đến hoạt động tư pháp. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đóng góp ý kiến vào các đề án, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. 
 
    Quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và các quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức, bộ máy của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án hình sự, Cơ quan thi hành án dân sự. Thực hiện tốt sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong quá trình tiến hành hoạt động tư pháp. 
 
    Hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp: tăng cường vai trò quản lý nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức, hoạt động luật sư; tiếp tục phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng và chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra; khuyến khích luật sư tham gia trợ giúp pháp lý; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp, công chứng, thừa phát lại, bán đấu giá tài sản, quản tài viên. 
 
    Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh, công khai, khách quan các vi phạm pháp luật; có giải pháp thiết thực và phát huy mọi nguồn lực của cán bộ, công chức, luật sư, luật gia và Nhân dân vào công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, cải cách hành chính… nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng của công tác quản lý nhà nước và phát huy dân chủ, góp phần hạn chế những vụ khiếu kiện trong lĩnh vực hành chính.
 
    Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức, tăng cường đội ngũ cán bộ pháp chế, bố trí cán bộ công chức có trình độ, năng lực làm công tác pháp chế trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
 
    Triển khai thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp; tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan và người đứng đầu các cơ quan tư pháp; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tập trung làm tốt công tác động viên Nhân dân phát hiện những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động tư pháp, qua đó kiến nghị với các cơ quan tư pháp khắc phục, sửa chữa. 
 
    Tăng cường sự phối hợp chung trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có yếu tố quốc tế và khủng bố quốc tế; đề cao tinh thần cảnh giác phòng, chống âm mưu diễn biến hòa bình.
 
    Bảo đảm cơ sở vật chất trong hoạt động tư pháp; ưu tiên trang bị phương tiện kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với yêu cầu sử dụng phục vụ công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác xét xử, thi hành án và công tác giám định tư pháp; đầu tư áp dụng công nghệ thông tin, truyền hình đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. 
 
    Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15-CT/TW và Hướng dẫn số 01-HD/TW của Bộ Chính trị “Về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng” và các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến công tác cải cách cách tư pháp, hoạt động tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp.
 
    Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp; các quy định, chính sách mới trong các luật, bộ luật được Quốc hội thông qua. Tăng cường đưa tin, tuyên truyền các phiên tòa mẫu về tranh tụng, phiên tòa lưu động; tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đưa tin các tấm gương có thành tích nổi bật và các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp. Việc thông tin, tuyên truyền cần thường xuyên, kịp thời, chính xác, khách quan.
 
    Khuyến khích tạo điều kiện nghiên cứu các đề tài khoa học cũng như tổ chức các hội thảo chuyên đề về công tác cải cách tư pháp.
Phạm Hồng Lộc
;
.