Bình Định ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Thứ Hai, 23/12/2013, 11:11 [GMT+7]
Ban Thường vụ tỉnh ủy Bình Định vừa ban hành Kế hoạch số 70-KH/TU nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Nội dung Kế hoạch thể hiện sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) của Tỉnh ủy
Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ ba
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) của Tỉnh ủy
Kế hoạch xây dựng gồm 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung chủ yếu vào các giải pháp như:
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong các cuộc họp thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng phải có nội dung về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật… Ban hành quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Điểm nổi bật trong kế hoạc đó là việc thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ ở cấp huyện không phải là người địa phương.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức giám định tư pháp, nhất là các tổ chức giám định tài chính, giám định chất lượng công trình. Có biện pháp để hạn chế khả năng đối phó của các đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí khi bị thanh tra, kiểm tra hoặc cố tình gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan chức năng. Trong thời gian tới tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên các lĩnh vực như: chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm; tích cực kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như quản lý sử dụng ngân sách, mua sắm công, thực hiện chính sách xã hội, tín dụng ngân hàng, công tác tổ chức cán bộ…; kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Củng cố, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường lĩnh hội, thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong việc phòng ngừa, phát hiện các vụ việc tham nhũng, nhất là những vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương.
Các cơ quan, tổ chức làm công tác phòng chống tham nhũng nhanh chóng tổ chức rà soát, đánh giá và có giải pháp tích cực trong việc đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Các cấp ủy, chính quyền quan tâm củng cố, kiện toàn các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong năm 2014 và những năm tiếp theo, Ban Nội chính tỉnh ủy được giao chủ trì xây dựng các quy chế phối hợp, trước mắt xây dựng quy chế phối hợp với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh. Hàng năm xây dựng kế hoạch đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng… Hướng dẫn, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh thực hiện việc báo cáo tình hình công tác phòng, chống tham nhũng theo định kỳ; có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo tình hình công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh trình Tỉnh ủy để Tỉnh ủy báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương. Đồng thời, Ban Nội chính tỉnh ủy được giao chủ trì phối hợp Văn phòng tỉnh ủy và các cơ quan chức năng kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch.
Phùng Thanh Hiếu
;
.