Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được các địa phương trên toàn quốc tích cực triển khai, thực hiện

Thứ Bảy, 25/04/2020, 08:03 [GMT+7]
    Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ tại Báo cáo Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh 2018 (PACA INDEX), công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được các địa phương trên toàn quốc tích cực triển khai, thực hiện; các hoạt động quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng được triển khai đồng bộ ở hầu hết các lĩnh vực quản lý Nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ.
 
    Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng ở chính quyền cấp tỉnh đã được thực hiện tương đối đồng đều và toàn diện. Các địa phương đã triển khai đồng bộ và kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ, có kế hoạch và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện tốt.
 
Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến Chống tham nhũng cuộc họp Ban điều hành sáng kiến lần thứ 23
Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến Chống tham nhũng cuộc họp Ban điều hành sáng kiến lần thứ 23
    Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa đã được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ những giải pháp công khai, minh bạch; cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu. Các biện pháp phát hiện, xử lý tham nhũng đã được triển khai, các biện pháp phát hiện tham nhũng được triển khai đồng bộ, nhiều hành vi tham nhũng đã được phát hiện, xử lý, việc thu hồi tài sản tham nhũng và xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được chú ý trong xử lý tham nhũng.
 
    Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2018 còn một số điểm cần lưu ý sau:
 
    Kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh còn chưa đạt yêu cầu, khoảng cách giữa các địa phương chưa đồng đều, còn khoảng cách xa nhau; tình trạng này phản ánh thực chất về nhận thức và biện pháp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng giữa các địa phương có sự khác biệt; nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng ở các địa phương có sự khác biệt lớn.
 
    Về công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh được triển khai tương đối đồng đều, mức độ đáp ứng yêu cầu khá cao nhưng không phải không có sự khác biệt giữa các địa phương và cũng bộc lộ những vấn đề cần phải giải quyết. Lãnh đạo, chỉ đạo của cấp tỉnh mới triển khai thực hiện các chỉ đạo từ Trung ương, những chỉ đạo xuất phát từ thực tiễn của địa phương chưa rõ nét; cho thấy sự chủ động nắm bắt tình hình và chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương còn hạn chế: Thiếu chương trình, kế hoạch phối hợp hành động đồng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa có sự sáng tạo, các đánh giá hiệu quả tác động của hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về phòng, chống tham nhũng chưa cao.
 
    Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai đầy đủ tuy nhiên mức độ thực hiện ở các địa phương còn khác nhau; hiệu quả thực hiện giữa các giải pháp còn khoảng cách; việc thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong một số lĩnh vực vẫn chưa bảo đảm yêu cầu; vẫn còn nhiều nội dung định mức, tiêu chuẩn, chế độ chưa phù hợp với thực tế, việc thanh tra, kiểm tra thực hiện chưa thường xuyên; mục tiêu của việc kê khai tài sản chưa đạt được yêu cầu do công tác xác minh chưa được quan tâm; việc chuyển đổi vị trí công tác chưa được chú trọng.
 
    Phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn là khâu yếu trong công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương, giữa các địa phương cũng có khoảng cách lớn, thậm chí có một số địa phương đạt 0 điểm ở nội dung này; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng thông qua giải quyết tố cáo hiệu quả thấp, nhìn chung việc phát hiện tham nhũng ở các địa phương chủ yếu qua công tác thanh tra, điều tra, truy tố xét xử cũng như qua phát hiện của báo chí, qua dư luận xã hội.
 
    Qua báo cáo, Thanh tra Chính phủ đã đưa ra một loạt kiến nghị, đề xuất với địa phương, cụ thể:
 
    - Về công tác phòng, chống tham nhũng: 
 
    Căn cứ vào kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng 2018, Thanh tra Chính phủ đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu chính quyền các cấp, tổ chức, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ “về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020” với các nội dung như nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu chính quyền các cấp; tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định công tác tổ chức, cán bộ; kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội; kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; nội luật hóa các quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, các nội dung này tập trung vào một số vấn đề như sau:
 
    - Trong việc quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng:
 
    Năm 2019, các địa phương cần cụ thể hóa các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương bằng những chương trình, hành động cụ thể ở địa phương nhằm thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo UBND cấp tỉnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Trung ương, quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là việc cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
 
    Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng thông qua các cơ quan thông tin, truyền thông; các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức cho công dân và người có chức vụ, quyền hạn; các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống nhằm phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
 
    Tích cực phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức đoàn thể trong việc phát hiện tham nhũng; đẩy mạnh thực hiện tốt công tác phát hiện tham nhũng thông qua việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, giám sát hàng năm của HĐND, thường trực HĐND, ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương. Cần có sự tổng kết, đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng cũng như các chế độ chính sách còn tạo “kẽ hở” cho tham nhũng.
 
    - Trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa:
 
    UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện 06 giải pháp phòng ngừa theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm: Thực hiện tốt việc công khai minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức đơn vị; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
 
    Trong đó, nhiều giải pháp đã được các địa phương triển khai thực hiện tốt trong thời gian qua, nay tiếp tục phát huy và tập trung thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính ở địa phương theo hướng cụ thể, hiện đại và hiệu quả bằng việc ban hành, công bố thủ tục hành chính đặc thù, thủ tục hành chính liên thông thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa thủ tục hành chính; chấn chỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực; kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2019 nhằm hướng tới nền công vụ sẵn sang định hướng tới người dân, doanh nghiệp.
 
    Người đứng đầu các cấp chính quyền cần chú ý giái dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; trước hết là phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí. 
 
    Từng bước thực hiện tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thông qua việc kê khai, minh bạch tài sản hàng năm cũng như chủ động hơn nữa trong việc thực hiện xác minh tài sản thu nhập của cán bộ, công chức trên địa bàn khi có biến động bất thường theo hướng tăng cường tính tự giác, chủ động và có những chế tài nghiêm khắc khi để xảy ra sai phạm.
 
    - Trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng:
 
    Các địa phương cần thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư tố cáo: Ít nhất chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp công dân 1 lần/tháng qua đó để giải quyết những tâm tư nguyện vòng của người dân, nắm được thông tin quan trọng trong phát hiện tham nhũng; việc tự kiểm tra để phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức đơn vị hầu như không có, chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra mới phát hiện.
 
    Một số địa phương đạt điểm phát hiện tham nhũng dưới 20% so với yêu cầu chung cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, nâng cao chất lượng của cuộc chiến chống tham nhũng tại địa phương.
 
    Người đứng đầu các cấp tại địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần quan tâm tổ chức triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; thường xuyên chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và cán bộ, công chức, viên chức khác do mình quản lý, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng; đồng thời thường xuyên đôn đốc người đứng đầu đơn vị trực thuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý; việc thực hiện nghiêm đạo đức công vụ gắn với công tác kiểm tra, giám sát công vụ là một trong những biện pháp tốt trong việc phát hiện nhằm xử lý các hành vi tham nhũng tuy là nhỏ nhưng gây bức xúc lớn trong địa bàn.
 
    Chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng nể nang, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị để khuyến khích mọi người tham gia phát hiện hành vi tham nhũng; bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo điều kiện để mọi người tham gia phát hiện hành vi tham nhũng;
 
    UBND tỉnh chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc động viên nhân dân tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin cần bảo đảm tính chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa.
 
    Chỉ đạo các đơn vị chức năng để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; xác định rõ ràng trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan; tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án lớn thua lỗ, kéo dài, dư luận trên địa bàn quan tâm; xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
 
    Tăng cường thông tin rộng rãi về việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại các đơn vị, địa phương.
 
    - Trong việc thu hồi tài sản tham nhũng:
 
    Qua báo cáo cho thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản bị thiệt hại, thất thoát trong các vụ án tham nhũng vẫn đạt thấp. UBND cấp tỉnh cần công khai các khoản cơ quan chức năng đã thu hồi được ở mỗi vụ án để nhân dân biết và giám sát.
 
    Việc lãng phí trong khu vực công là rất lớn, bởi vậy cần rà soát và phải có chế tài nghiêm khắc buộc người thực hiện tham nhũng, lãng phí phải bồi hoàn lại cho Nhà nước.
 
    Thực hiện tốt cơ chế giám sát, xử lý sau thanh tra của cơ quan Nhà nước gắn liền với hoạt động giám sát của HĐND, mặt trận tổ quốc trong việc thu hồi tài sản tại các vụ án tham nhũng bị phát hiện.
                                                                                                Báo Thanh tra
.