Thực hiện hiệu quả Quy định số 214-QĐ/TW về đánh giá cán bộ

Thứ Ba, 17/03/2020, 07:37 [GMT+7]
    Trong bối cảnh chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 02/01/2020, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 214-QĐ/TW về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” để thay thế Quy định số 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017 về Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định số 214-QĐ/TW thể hiện tính kế thừa, đổi mới, sáng tạo và phát triển của các nghị quyết và các văn bản khác về công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ trước đó. Đây là văn bản pháp lý quan trọng của Đảng làm cơ sở, căn cứ để nhận xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử chính xác và khách quan.
 
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII
    So với Quy định số 90-QĐ/TW, tên của Quy định số 214-QĐ/TW được bổ sung từ “khung” trước “tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” để Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan căn cứ vào tiêu chuẩn chung và các quy định có liên quan của Đảng, Nhà nước hướng dẫn tiêu chuẩn các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý chưa có trong Quy định này. Mặt khác, để các cơ quan Trung ương và các địa phương có căn cứ để xây dựng quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ do cấp mình quản lý; đồng thời, để khi triển khai tùy theo điều kiện, hoàn cảnh có những trường hợp cụ thể xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn thì sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định. Quy định số 214-QĐ/TW mang tính bao quát, toàn diện, đầy đủ khi bổ sung xây dựng thành hệ thống chức danh lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh, thành phố. Đồng thời, Quy định nêu ra tiêu chuẩn, tiêu chí không chỉ đối với các cấp trưởng và bổ sung cả cấp phó thuộc diện Trung ương quản lý.
 
    Về “tiêu chuẩn chung” trong Quy định số 214-QĐ/TW đã bổ sung một số phẩm chất trong mục “về năng lực và uy tín” là: “... Có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử cụ thể, có tư duy đổi mới...; kịp thời nắm bắt những thời cơ, vận hội; hành động quyết liệt...; có thành tích nổi trội, có kết quả và “sản phẩm” cụ thể góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị”; việc bổ sung những tiêu chuẩn này là rất quan trọng và phù hợp tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay vì người lãnh đạo trong giai đoạn mới phải có những phẩm chất này để không trì trệ, phải có “hành động quyết liệt” để thể hiện quyết tâm chính trị cao, là thước đo sự xả thân vì công việc chung và phải có thành tích cụ thể theo tinh thần “lấy hiệu quả làm thước đo”. Một điểm mới nữa đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý là “hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” thay cho “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” để phù hợp với tình hình chung và làm cho công tác thi đua - khen thưởng có thực chất, tránh bệnh “cả nể”, “hình thức”...
 
    Một nội dung mới liên quan đến việc điều động, luân chuyển cán bộ thể hiện ở mục 3 trong Quy định số 214-QĐ/TW về “Một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” giúp cho việc triển khai công tác cán bộ phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay.
 
    Về khung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó bao gồm: (1) Nhóm tiêu chí về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật. (2) Nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong đó có tiêu chí chung và tiêu chí đặc thù theo từng nhóm chức danh cán bộ. Có thể nói lần đầu Đảng ta xây dựng khung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý một cách khoa học, bài bản, căn cơ, bám sát tình hình phát triển của Đảng và của đất nước trong giai đoạn mới. Quy định lần này có một điểm bổ sung vô cùng quan trọng về đạo đức, lối sống là “không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” trong khi Quy định số 90-QĐ/TW chỉ nêu: “không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”; việc bổ sung tiêu chí “không trục lợi” của bản thân cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý là cần thiết, thể hiện tinh thần liêm, chính và nêu gương của cán bộ cấp chiến lược. Trong điều kiện lịch sử mới, mở cửa và phát triển kinh tế thị trường, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, luôn đứng trước những cám dỗ, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo luôn phải rèn luyện, trau dồi đạo đức; phải cảnh giác như “đi trên băng mỏng”, như “đứng trước vực sâu” mới có thể vượt qua sự trói buộc của công danh, lợi lộc, để không hành động vì quyền lực, không bị ham muốn dụ dỗ và không bị vật chất đánh bại.
 
    Để thực hiện có hiệu quả Quy định số 214-QĐ/TW thì trong quá trình triển khai cần gắn Quy định này với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ.
 
    Chúng ta tin tưởng rằng, việc thực hiện triển khai có hiệu quả Quy định số 214-QĐ/TW sẽ góp phần quyết định vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng cũng như hoàn thành sứ mệnh cao cả của Đảng ta lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
                                                                     TS Bùi Thế Đức
                                    ( Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW)
.