Quy định về Ủy ban Kiểm sát của một số nước trên thế giới

Thứ Tư, 07/05/2014, 14:35 [GMT+7]
    Quy định về Ủy ban Kiểm sát là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), dự kiến được đưa ra trình Quốc hội xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII (tháng 5/2014). Không có nhiều quốc gia trên thế giới quy định về cơ quan/tổ chức này trong dự thảo Luật. Qua tham khảo kinh nghiệm một số nước cho thấy, có một số nước có quy định trực tiếp về Ủy ban kiểm sát trong Luật tổ chức Viện kiểm sát (Trung Quốc, Liên Bang Nga và Ucraina); một số nước tuy không quy định về Ủy ban kiểm sát nhưng lại có cơ cấu tổ chức khác làm việc theo nguyên tắc tập thể gần như Ủy ban kiểm sát (Pháp, Hungary).
    - Trung Quốc: Luật tổ chức Viện kiểm sát Trung Quốc quy định Ủy ban kiểm sát được thành lập ở Viện kiểm sát tối cao và ở Viện kiểm sát các cấp địa phương. Tại Điều 3 Luật này quy định: Uỷ ban kiểm sát thực hiện chế độ làm việc tập thể, tiến hành thảo luận các vụ án quan trọng và các vấn đề quan trọng khác, dưới sự chủ trì của Viện trưởng. Uỷ ban kiểm sát quyết định theo đa số. Nếu ý kiến của Viện trưởng khác với ý kiến của đa số về các vấn đề quan trọng có thể báo cáo Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp quyết định. 
Quy định này cho thấy, chức năng của Ủy ban kiểm sát ở Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc xem xét, cho ý kiến đối với các vụ án cụ thể, mà còn có vai trò quan trọng trong quyết định các vụ án quan trọng hay các vấn đề quan trọng khác. Ý kiến của Viện trưởng không phải là ý kiến cuối cùng nếu ý kiến đó nằm trong thiểu số. Điều này cho thấy, Trung Quốc đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, Luật cũng không quy định cụ thể về thành phần Ủy ban kiểm sát.
    - Liên bang Nga: Luật tổ chức Viện kiểm sát Liên bang Nga 2011 quy định Ủy ban kiểm sát được thành lập ở hai cấp Viện kiểm sát là Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga và Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương (các Viện kiểm sát quân sự và các Viện kiểm sát chuyên môn khác ngang cấp với chúng). Thành phần Ủy ban kiểm sát ở Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga gồm có Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga (Chủ tịch), Phó Tổng kiểm sát trưởng thứ nhất, các Phó Tổng kiểm sát trưởng khác và các kiểm sát viên (các cán bộ kiểm sát khác) do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga chỉ định. Ở Viện kiểm sát chủ thể liên bang Nga, Viện kiểm sát quân sự, Viện kiểm sát chuyên môn khác, Ủy ban kiểm sát gồm Kiểm sát trưởng chủ thể liên bang, cấp phó của họ, Kiểm sát viên (cán bộ kiểm sát khác) do Kiểm sát trưởng chủ thể Liên bang Nga chỉ định. Uỷ ban kiểm sát có vai trò là cơ quan tư vấn. Trên cơ sở các nghị quyết của Uỷ ban kiểm sát, các Kiểm sát trưởng sẽ ban bố các mệnh lệnh của mình.
    - Ucraina: Luật tổ chức Viện kiểm sát Ucraina quy định Uỷ ban kiểm sát được thành lập ở hai cấp Viện kiểm sát: Tổng Viện kiểm sát Ucraina và Viện kiểm sát nước Cộng hoà tự trị Crưm, các Viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện kiểm sát thành phố Kiev, Sevactopol và các Viện kiểm sát khác (tương đương cấp tỉnh). Thành phần Ủy ban kiểm sát Tổng Viện kiểm sát Ucraina do Viện trưởng Tổng Viện kiểm sát Ucraina quyết định. Ở cấp trung ương, gồm: Viện trưởng Tổng Viện kiểm sát Ucraina (Chủ tịch), Phó Viện trưởng thứ nhất, các Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện kiểm sát nước Cộng hoà tự trị Crưm, các cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Viện kiểm sát.  Ở cấp tỉnh, Uỷ ban kiểm sát gồm Viện trưởng (Chủ tịch), các Phó Viện trưởng, các cán bộ lãnh đạo các đơn vị. 
Về vai trò của Ủy ban kiểm sát, Điều 18 Luật tổ chức Viện kiểm sát Ucraina quy định: Uỷ ban kiểm sát trong các cơ quan Viện kiểm sát là cơ quan thảo luận, xem xét các vấn đề có tính chất quan trọng liên quan đến việc chấp hành pháp luật, tình hình trật tự pháp luật, hoạt động của các cơ quan Viện kiểm sát, việc thực hiện lệnh, các chỉ thị của Viện trưởng Tổng Viện kiểm sát Ucraina, vấn đề cán bộ, nghe báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới, của Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ và các cán bộ khác của Viện kiểm sát. Tại phiên họp của Uỷ ban kiểm sát, Ủy ban kiểm sát có thể nghe thông báo và giải trình của Lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động kiểm tra, giám sát của các doanh nghiệp, các công sở và các tổ chức, các liên hiệp, các cán bộ nhà nước về tình hình vi phạm pháp luật. Quyết định của Uỷ ban kiểm sát được thông báo cho cán bộ các cơ quan kiểm sát. Trường hợp có bất đồng quan điểm giữa Viện trưởng và Uỷ ban kiểm sát thì Viện trưởng sẽ cho thi hành quyết định của mình nhưng buộc phải báo cáo lên Viện trưởng Tổng Viện kiểm sát Ucraina. Các thành viên của Uỷ ban kiểm sát có thể báo cáo ý kiến cá nhân của mình với Viện trưởng Tổng Viện kiểm sát Ucraina từ đó có thể làm cơ sở để xem xét những bất đồng nêu trên tại Uỷ ban kiểm sát thuộc Tổng Viện kiểm sát Ucraina.
Như vậy, với quy định trên, Uỷ ban kiểm sát Ucraina có vai trò là cơ quan tư vấn hơn là cơ quan quyết định. Khác với Trung Quốc, Ủy ban kiểm sát của Ucraina chỉ là cơ quan thảo luận, xem xét các vấn đề có tính chất quan trọng. Trường hợp ý kiến của Ủy ban kiểm sát trái với ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát thì quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Viện trưởng.
    - Pháp: Có cơ cấu tổ chức Đại hội đồng Công tố viên tại Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng và tại các Tòa phúc thẩm làm việc theo nguyên tắc tập thể gần như Ủy ban kiểm sát. Đại hội đồng Công tố viên cho ý kiến về: Tổ chức các cơ quan của Viện công tố; mối quan hệ với các cơ quan cảnh sát tư pháp; các điều kiện thực hiện thẩm quyền của Công tố viên; các tiêu chuẩn chung về phân công giải quyết vụ án. Thành phần Đại hội đồng Công tố gồm Viện trưởng Viện Công tố làm chủ tịch và các thành viên là Công tố viên. Cụ thể: Đại hội đồng Công tố viên tại Toà án sơ thẩm thẩm quyền rộng doViện trưởng Viện Công tố cùng cấp với Toà án sơ thẩm thẩm quyền rộng làm chủ tịch. Thành phần Đại hội đồng này bao gồm: Các Công tố viên cạnh Toà án sơ thẩm thẩm quyền rộng; Các Công tố viên được bố trí bên cạnh Viện trưởng Viện Công tố thực hiện chức năng công tố của họ tại Toà án này. Đại hội đồng Công tố viên tại Tòa phúc thẩm do Viện trưởng Viện công tố cùng cấp với Toà án phúc thẩm làm Chủ tịch. Thành phần Đại hội đồng này gồm: Các Công tố viên Viện công tố cùng cấp với Toà án phúc thẩm; Các Công tố viên dưới quyền Viện trưởng Viện công tố thực hiện nhiệm vụ tại Viện công tố cùng cấp với Toà án phúc thẩm. Các Công tố viên tập sự tại Viện công tố cùng cấp với Toà án phúc thẩm tham gia Đại hội đồng Công tố viên. 
    - Hungary: Khi quyết định vấn đề quan trọng liên quan đến công tác tổ chức cán bộ đều phải có ý kiến đánh giá của Ủy ban nhân sự, cũng là cơ chế làm việc tập thể nhưng chỉ giải quyết về vấn đề chính sách cán bộ nhằm đảm bảo việc quyết sách về công tác tổ chức, cán bộ chính xác, khách quan. 
Như vậy, Ủy ban kiểm sát là cơ chế làm việc tập thể được thiết lập trong cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhằm thảo luận những vấn đề quan trọng liên quan đến tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát và đưa ra quyết định hoặc tư vấn cho Viện trưởng để quyết định. Cơ cấu tổ chức này được cho là có hiệu quả và tiếp tục duy trì trong tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các nước Trung Quốc, Liên bang Nga, Ucraina. 
Thực tiễn hoạt động của Ủy ban kiểm sát ở 2 cấp kiểm sát VKSND tối cao và VKSND cấp tỉnh ở nước ta cũng cho thấy vai trò của Ủy ban kiểm sát là rất quan trọng, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đảm bảo những quyết định của Viện kiểm sát được đưa ra chính xác, khách quan. Do đó cần tiếp tục khẳng định vai trò và vị trí của Ủy ban kiểm sát trong cơ cấu tổ chức VKSND như hiện hành (gồm VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh). Ủy ban kiểm sát cần có quyền quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát, bao gồm cả vấn đề bổ nhiệm Kiểm sát viên. Đối với những vụ án, vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, Ủy ban kiểm sát có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến trước khi Viện trưởng quyết định. 
Nguyễn Phương Thảo
;
.