Quá trình xây dựng và phát triển Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước

Thứ Hai, 30/11/2015, 16:48 [GMT+7]
    (BNCTW) - Quá trình phát triển của Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước gắn liền với sự hình thành và phát triển của tỉnh Sông Bé trước đây và Bình Phước ngày nay. 
 
    Căn cứ Quyết định số 48/QĐ-TW ngày 17-9-1979 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 138/HD-NC-TW ngày 01-9-1984 của Ban Nội chính Trung ương; ngày 09-6-1985, Tỉnh ủy Sông Bé ban hành Nghị quyết số 69/QĐ-TU “về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy”; có chức năng, nhiệm vụ tham mưu Tỉnh ủy nghiên cứu, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác nội chính ở các ngành trong khối nội chính các cấp gồm: Tư pháp, Công an, Viện kiếm sát, Tòa án, Thanh tra, Trọng tài kinh tế.
 
    Giúp Tỉnh ủy lãnh đạo, vận dụng đường lối xử lý đối với những vụ án quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội; phối hợp với Ban Tô chức Tỉnh ủy nắm, tổng hợp tình hình đội ngũ cán bộ trong các ngành nội chính thuộc diện Tỉnh ủy quản lý; giúp Tỉnh ủy tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân....
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương  cùng Đoàn công tác làm việc với Thường trực tỉnh ủy Bình Phước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2013
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cùng Đoàn công tác làm việc với Thường trực tỉnh ủy Bình Phước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2015
    Năm 1997 tỉnh Bình Phước được tái lập, ngày 07-01-1997, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Quyết định số 35/QĐ-TU về “tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, đoàn thể tỉnh Bình Phước”. Trên cơ sở đó, lập lại tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng của Tỉnh ủy Bình Phước, trong đó có Ban Nội chính Tỉnh ủy. Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước vẫn thực hiện theo mô hình của tỉnh Sông Bé trước đây. Ban Nội chính tiến hành nắm bắt, kiểm tra hoạt động của các ngành nội chính, qua đó, phát hiện những sai phạm, đánh giá những mặt được, chưa được để tham mưu Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo kịp thời; phối hợp với Đảng ủy, Ban cán sự đảng các ngành trong khối nội chính tỉnh nắm chắc tình hình đội ngũ cán bộ để tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo công tác tổ chức quy hoạch chuẩn bị nhân sự cho các chức danh chủ chốt ở các cơ quan nội chính tỉnh; hàng tháng, quý, năm tổng hợp tình hình liên quan đến công tác nội chính báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để kịp thời chỉ đạo; hằng quý, chuẩn bị nội dung, tham mưu Tỉnh ủy tổ chức giao ban khối nội chính; phối hợp với Đảng ủy Công an, Viện kiểm sát thống nhất quan điểm về đưa ra xét xử các vụ án điểm, các vụ án phức tạp, báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy; tham mưu Thường trực Tỉnh ủy giải quyết một số đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến cán bộ, đảng viên nhất là các nội dung phức tạp, đông người, kéo dài nhiều năm; tham gia một số Đoàn kiểm tra của Tỉnh uỷ. Ban Nội chính cũng tiến hành tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho một số cán bộ làm công tác nội chính các xã....
 
    Đặc biệt, Ban Nội chính Tỉnh uỷ Bình Phước đã tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy nội chính từ tỉnh xuống huyện, xã. Ban Nội chính ở các huyện uỷ có nhiều cố gắng, thực hiện tốt chức năng tham mưu cấp uỷ Đảng ở địa phương về tình hình công tác nội chính. Hàng tháng tổ chức giao ban Khối Nội chính, giúp Thường trực, Ban Thường vụ huyện uỷ nắm chắc tình hình, diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện để lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và cho chủ trương xử lý đối với những vụ việc phức tạp. Ban Nội chính các huyện cũng tiến hành kiểm tra các ngành pháp luật trong việc thực thi nhiệm vụ của ngành liên quan đến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng.
 
    Ngày 24-10-2000, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Quyết định số 467-QĐ/TU “về việc giải thể Ban Nội chính Tỉnh ủy” căn cứ trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII và Kế hoạch số 15-KH/TU ngày 20-12-1999 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 10-10-2000. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định giải thể Ban Nội chính Tỉnh ủy, giao Văn phòng Tỉnh ủy thực hiện chức năng tham mưu cho Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác nội chính.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương (phải) trao Bằng khen của Ban Nội chính Trung ương cho đồng chí Lê Văn Thái, Trưởng Phòng Nội chính, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương (phải) trao Bằng khen của Ban Nội chính Trung ương cho đồng chí Lê Văn Thái, Trưởng Phòng Nội chính, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước
    Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban; lập lại Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy để tham mưu cấp ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở Quy định 183-QĐ/TW về “chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương” và Công văn 155-CV/TW “về việc thành lập Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy”, ngày 20-6-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Quyết định số 884-QĐ/TU “về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy”. Chuyển giao toàn bộ tổ chức, nhân sự của Văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, Phòng Nội chính - Tiếp dân của Văn phòng Tỉnh ủy về Ban Nội chính Tỉnh ủy. 
 
    Kế thừa và phát huy thành tích đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển, qua 02 năm hoạt động, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước đã đoàn kết, thống nhất, tích cực, chủ động trong công tác, đạt những kết quả quan trọng, góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn của Trung ương về tái lập Ban Nội chính. Sự lãnh đạo, chỉ đạo Tỉnh ủy về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng đã có sự nhất quán, kịp thời, sâu sát, nhiều vấn đề quan trọng, nổi cộm tại địa phương, nhiều vụ án, vụ việc tồn đọng, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm đã được Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết nhanh, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tránh oan sai trong xử lý án. Một số vụ án, vụ việc về lĩnh vực nội chính mà Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý đã được các ngành phối hợp giải quyết dứt điểm hoặc thống nhất được hướng xử lý. Do vậy, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nội chính của tỉnh đạt được kết quả rất quan trọng, quốc phòng được củng cố vững mạnh; an ninh biên giới và an ninh chính trị được ổn định. Trật tự xã hội về cơ bản được kiểm soát. Giải quyết các vấn đề mới phát sinh cơ bản đảm bảo chủ động và phù hợp, vấn đề thực hiện pháp luật trong các hoạt động của hệ thống chính trị được chú trọng hơn.
Đặng Phước
;
.