Đồng Tháp: Hoạt động giám định tư pháp có chuyển biến tích cực

Thứ Bảy, 28/11/2015, 08:33 [GMT+7]
    Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án 258 về “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, Chỉ thị số 1958/CT- TTg ngày 25-10- 2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp và Luật Giám định tư pháp, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có chuyển biến tích cực. 
 
    Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vai trò, vị trí của hoạt động giám định tư pháp được nâng lên, hoạt động giám định tư pháp đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp. Đội ngũ giám định viên tư pháp được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, vững vàng trong chuyên môn, nghiệp vụ, giữ vững đạo đức, phẩm chất; chất lượng kết luận giám định ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu trưng cầu giám định trên địa bàn tỉnh. 
 
UBND tỉnh Đồng Tháp họp phiên thường kỳ
UBND tỉnh Đồng Tháp họp phiên thường kỳ
    Sau khi triển khai thực hiện Đề án 258, các Tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự được củng cố, kiện toàn theo quy định của Đề án và Luật Giám định tư pháp. Hiện nay Đồng Tháp có 02 tổ chức giám định tư pháp là Trung tâm Pháp y và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh. Trung tâm Pháp y tỉnh là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Y tế, trụ sở làm việc trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, kinh phí hoạt động do Sở Y tế cấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị về cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh, trụ sở làm việc được bố trí ổn định trong trụ sở Công an tỉnh, kinh phí hoạt động được Công an tỉnh thanh quyết toán hàng tháng theo thực tế nhu cầu mua sắm các dụng cụ, hóa chất thường xuyên phục vụ giám định. Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo cho lực lượng giám định viên.
 
    Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và báo cáo về Bộ Tư pháp để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
 
    Sau khi triển khai thực hiện Đề án 258, các Tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự trên địa bàn tỉnh được củng cố, kiện toàn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc từng bước được cải thiện, đã khắc phục những khó khăn trong những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần nghiên cứu để xây dựng lộ trình phù hợp, có cơ chế khuyến khích, động viên các nguồn lực xã hội tham gia.
 
    Từ năm 2010 đến tháng 8-2015 tổng số các vụ việc giám định trên địa bàn tỉnh là 7.662 vụ việc. Nhìn chung các giám định viên tư pháp đã tuân thủ đúng các quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu trưng cầu giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chất lượng giám định về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng. Những kết luận giám định khách quan, khoa học, chính xác đã giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng sớm xác định được sự thật của vụ án làm cơ sở để đưa ra những phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần đáng kể vào quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, có một số vụ việc do Tòa án trưng cầu giám định trong các vụ việc dân sự, do mẫu vật cần giám định số lượng nhiều, tính chất phức tạp, mẫu so sánh chưa đạt phải thu thập lại nhiều lần, nên kết luận giám định đôi lúc còn chậm so với thời gian; có vụ việc thời gian giám định còn dài, nguyên nhân do cơ quan trưng cầu giám định không cung cấp hồ sơ kịp thời.
 
    Bên cạnh kết quả đạt được còn có hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: một số lĩnh vực giám định tư pháp chưa có quy chuẩn thực hiện giám định tư pháp hoặc vẫn còn áp dụng các quy chuẩn giám định tư pháp cũ, không còn phù hợp, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện giám định tư pháp và việc xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định của người tiến hành tố tụng. Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác giám định tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và lạc hậu. Hầu hết các phương tiện được trang cấp đã lâu, qua thời gian sử dụng bị hư hỏng không có linh kiện thay thế hoặc không sửa chữa được. Hầu hết các giám định viên tư pháp được hình thành trên cơ sở các Sở, ngành cử chọn trong biên chế, kiêm nhiệm thực hiện giám định nên có rất ít giám định viên chuyên trách, nhất là trong lĩnh vực pháp y và pháp y tâm thần. Do làm việc kiêm nhiệm nên không đủ thời gian và điều kiện tập trung thực hiện công tác giám định tư pháp khi có yêu cầu. Đặc biệt là giám định Tài chính - thuế chỉ có 01 giám định viên, mặc dù vụ việc ít nhưng khi có phát sinh thì khó đảm nhiệm được do chứng từ kế toán rất nhiều. Việc thực hiện giám định đôi khi chưa đáp ứng kịp về thời gian theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định; chi phí chi trả cho việc thực hiện giám định của cơ quan trưng cầu giám định còn chậm hoặc không đủ để thực hiện giám định, cá biệt có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện chi trả chi phí giám định và bồi dưỡng cho giám định viên…
Thy Lan
(Báo Nhân dân)
;
.