Quảng Ngãi: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

Thứ Ba, 18/08/2015, 16:11 [GMT+7]
    (BNCTW) - 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 48) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả, đạt mục tiêu cơ bản Nghị quyết đề ra. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, góp phần tích cực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 
 
    Số lượng, chất lượng nội dung các nghị quyết do HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành ngày càng được nâng cao, đảm bảo cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn địa phương, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan hành chính Nhà nước đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thực hiện thường xuyên. Đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các ngành, các cấp, trong cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng VBQPPL. Hầu hết các VBQPPL của HĐND và UBND các cấp ban hành kịp thời phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương. Nội dung các văn bản phù hợp với Hiến pháp và quy định của cơ qụan nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thống nhất, đồng bộ của hệ thống VBQPPL ở địa phương.
Việc soạn thảo, ban hành VBQPPL của HĐND, UBND các cấp đã tuân thủ thẩm quyền và trình tự, thủ tục. Các hoạt động kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên, tập trung vào những vấn đề có bức xúc, dư luận quan tâm, qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện, khắc phục được nhiều sơ hở, khiếm khuyết của các văn bản và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
 
Đoàn công tác do Bí thư Trung ương Đảng- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn kiểm  tra việc thực hiện kế hoạch tổng kết Nghị quyết 48 tại Quảng Ngãi (tháng 7-2015)
Đoàn công tác do Bí thư Trung ương Đảng- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tổng kết Nghị quyết 48 tại Quảng Ngãi (tháng 7-2015)
    Từ tháng 5-2005 đến tháng 5-2015, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành 4.148 nghị quyết đang còn hiệu lực, trong đó HĐND tỉnh ban hành 136 văn bản, HĐND cấp huyện 619 văn bản và HĐND cấp xã 3.393 văn bản.
 
    UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành 1.862 VBQPPL.  Trong đó, UBND tỉnh ban hành 429 quyết định, 21 chỉ thị; UBND cấp huyện ban hành 691 quyết định, 30 chỉ thị; UBND cấp xã ban hành 667 quyết định, 24 chỉ thị (đang còn hiệu lực).
 
    Cộng tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức. Đã tổ chức hơn 35 hội nghị triển khai các văn bản luật cho hơn 8.000 lượt lãnh đạo các sở, ngành, hội đoàn thể tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tham gia; hơn 200 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các buổi sinh hoạt pháp luật cho gần 20.000 lượt người tham dự; 15 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 02 loại hình là thi viết và thi sân khấu hóa; hàng trăm đợt tập huấn pháp luật với gần 100.000 lượt người tham gia; thực hiện gần 1.000 lượt tư vấn, trả lời pháp luật, giải đáp chế độ chính sách trên các chuyên mục của Báo, Đài; xuất bản gần 60 Bản tin, 1.000 cuốn/số Đặc san Tư pháp; xây dựng được 184/184 tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn, mỗi Tủ có từ 100 đến 200 đầu sách.
 
    Về tổ chức thi hành pháp luật, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thi hành pháp luật được cấp ủy, các ngành, các cấp quan tâm và triển khai thực hiện theo đúng quy định, đã mang lại những tác động tích cực đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Để từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật ở địa phương theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23-7-2012 của Chính phủ, Thông tư số 14/2014 TT-BTP ngày 15-5-2014 của Bộ Tư pháp về quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ, hàng năm UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
 
    Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, các cơ quan tư pháp tỉnh đã chủ động triển khai chỉ đạo, hướng dẫn việc thi hành. Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức Hội nghị để quán triệt, triển khai hướng dẫn cho toàn thể công chức, Hội thẩm nhân dân Tòa án hai cấp. 10 năm qua, đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật lao động; các Luật, Bộ luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và nhiều nghị quyết hướng dẫn thi hành pháp luật của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao…
 
    Công tác áp dụng pháp luật đã được tuân thủ và thực hiện đúng quy định, bảo đảm tính thống nhất, đúng đắn, chính xác, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; ngăn chặn kịp thời và xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật. Công tác kiểm tra, giám sát theo dõi việc thi hành pháp luật được tiến hành thường xuyên, tập trung vào các lĩnh vực bức xúc của đời sống xã hội để lựa chọn lĩnh vực trọng tâm trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.
 
    Với các cơ quan tư pháp, mặc dù phải áp dụng nhiều văn bản quy phạm ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết một vụ án cụ thể nhưng trong 10 năm qua, việc vận dụng hệ thống VBQPPL vào công tác xét xử ở tỉnh được thực hiện tương đối tốt; các loại án đều được TAND hai cấp đưa ra xét xử kịp thời, đúng quy định pháp luật.
 
    Về công tác xử lý vi phạm pháp luật, thực hiện các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và đặc biệt từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh luôn được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định. Các trường hợp vi phạm đã được phát hiện kịp thời, xử lý đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục quy định, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và cá nhân, có tác dụng giáo dục, răn đe đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội ở địa phương.
 
    Trong thời gian từ ngày 01-7-2013 đến tháng 3-2015, tổng số vụ vi phạm pháp luật được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 88.949 vụ; trong đó đã ban hành 114.620 quyết định xử phạt; có 109.538 quyết định đã thi hành xong, với tổng số tiền phạt thu được trên 121 tỷ đồng. Ngoài ra, có 264 đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, trong đó có 239 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 70 hồ sơ do TAND đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Tổng số quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được ban hành là 242 quyết định, gồm: 194 quyết định của UBND cấp xã và 48 quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện. Áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 182 quyết định; đưa vào trường giáo dưỡng 20 quyết định; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 21 quyết định, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 5 quyết định.
 
    Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đảm bảo tính thống nhất, tính đúng đắn, chính xác, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
 
    Hàng năm, TAND tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra công tác xét xử và thi hành án hình sự của 14/14 TAND cấp huyện; sau khi kiểm tra đều có kết luận kiểm tra và tổ chức họp rút kinh nghiệm về những hạn chế, thiếu sót trong công tác chuyên môn, nhất là trong việc áp dụng pháp luật. Từ năm 2012, đã thành lập các đoàn kiểm tra án quá thời hạn chuẩn bị xét xử, việc cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ; các vụ án tạm đình chỉ, đình chỉ, án tuyên không rõ ràng .... Qua công tác kiểm tra đã kịp thời nắm bắt những hạn chế, thiếu sót chủ quan, khách quan để kịp thời chỉ đạo khắc phục. Thông qua công tác giám đốc kiểm tra, Chánh án TAND tỉnh đã kháng nghị và giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 35 bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện.
 
    Cơ cấu tổ chức, bộ máy của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã từng bước được củng cố, kiện toàn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu hoạt động quản lý nhà nước của địa phương. 
 
    Để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, đáp ứng với yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, thời gian qua UBND tỉnh đã cho chủ trương các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường Đại học tổ chức nhiều lớp đào tạo trình độ cử nhân Luật để cán bộ, công chức tham gia học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng các tiêu chuẩn, chức danh theo quy định. Sở Tư pháp phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo 03 lớp trung cấp luật cho trên 500 học viên (đã tốt nghiệp), để các địa phương bố trí đảm nhận các chức danh công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã.
 
    Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật được Sở Tư pháp và UBND cấp huyện quan tâm, thực hiện thường xuyên. Đồng thời, hàng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương đều cử cán bộ, công chức tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức.
 
    Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế ở cấp tỉnh là 70 người, trong đó 20 người có trình độ cử nhân luật và 01 thạc sĩ luật; 49 người có trình độ đại học chuyên môn khác. Số lượng đội ngũ công chức Tư pháp cấp huyện là 51 người, trong đó 22 người có trình độ cử nhân Luật; 11 người có trình độ chuyên ngành khác và 18 người có trình độ trung cấp Luật. Tổng số công chức Tư pháp - hộ tịch của 184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là 258 người (kể cả hợp đồng); về trình độ chuyên môn: có 01 thạc sĩ luật; 60 người là cử nhân Luật; 147 người là trung cấp luật và 51 người trình độ chuyên môn khác. Nhìn chung, đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố kiện toàn, có tăng về số lượng, cơ bản đảm bảo về chất lượng để thực hiện các nhiệm vụ được giao…
Nguyễn Đại Nghĩa
;
.