Đà Nẵng: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam

Thứ Sáu, 21/08/2015, 11:07 [GMT+7]
    (BNCTW) - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương. 
 
    Hệ thống chính trị từ thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 48- NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, làm thay đổi nhận thức tư tưởng và hành động các cấp uỷ Đảng, đảng viên, thủ trưởng, cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị.
 
    Chính quyền thành phố đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách của Trung ương: khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực của địa phương, lựa chọn đúng và chỉ đạo thực hiện có kết quả những vấn đề lớn, mang tính đột phá trong công tác tổ chức thực hiện.
 
    Đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân; huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tranh thủ được nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển thành phố.
 
Đoàn kiểm tra của Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị làm việc tại Đà Nẵng
Đoàn kiểm tra của Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị
làm việc tại Đà Nẵng
    Các cấp ủy đảng đã xác định đúng vai trò, tầm quan trọng của các cơ quan tư pháp, thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp. Việc thực hiện cải cách hành chính song hành với công tác cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, tạo sự đồng thuận sâu rộng toàn xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố.
 
    Công tác tổ chức bộ máy được củng cố, kiện toàn kịp thời phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới theo quy định của pháp luật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ được quan tâm. Chất lượng, hiệu quả các mặt công tác được nâng lên rõ rệt, nhất là công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và giải quyết các vụ án trọng điểm, phức tạp.
 
    Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng; giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở. Thông qua công tác áp dụng pháp luật đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo đảm việc thi hành pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất.
 
    Cơ sở vật chất càng ngày càng được quan tâm, đầu tư đúng mức, đảm bảo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, các ngành có liên quan được tăng cường, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
    Một số kết quả cụ thể, về xây dựng pháp luật, từ năm 2005 đến nay, HĐND các cấp đã ban hành 107 văn bản, trong đó, HĐND thành phố ban hành 97 văn bản, HĐND cấp xã ban hành 10 văn bản; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành 334 văn bản, UBND cấp huyện ban hành 100 văn bản, UBND cấp xã ban hành 13 văn bản. 
 
    Qua việc triển khai thực hiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm của UBND các cấp cho thấy những hạn chế trước đây cơ bản đã được khắc phục, như hạn chế việc ban hành những văn bản không đủ yếu tố của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); vai trò tham mưu, đề xuất của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp cũng có chuyển biến đáng kể trong việc lập dự kiến chương trình xây dựng, ban hành VBQPPL phù hợp với thực tiễn và nhu cầu quản lý nhà nước. Đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND từ năm 2005 đến nay, hoạt động xây dựng và ban hành VBQPPL của thành phố đã đi vào quy trình bắt buộc, do đó đã giảm thiểu được sai phạm xảy ra. 
 
    Về tổ chức thi hành pháp luật, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thi hành pháp luật được chú trọng, đặc biệt trong hoạt động quản lý nhà nước, trong hoạt động các cơ quan tư pháp. Theo đó, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản pháp luật được phổ biến, quán triệt đến từng các cơ quan, đơn vị. Đây là cơ sở và là tiền đề để các cơ quan, đơn vị và cán bộ công chức nắm vững các chủ trương, chính sách, hiểu đúng và áp dụng có hiệu quả vào công tác chuyên môn.
 
    Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương được triển khai đồng bộ, đặc biệt là từ khi có Thông tư số 03/2010/TT-BTP (sau này là Nghị định 59/2012/ND-CP), hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương đã có sự chuyển biến và đạt kết quả nhất định đối với đội ngũ cán bộ công chức trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ được giao. Hằng năm UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn.
 
    Ngành công an thành phố và các quận huyện đã tiếp nhận và xử lý 7.836 tin báo tố giác tội phạm. Trong đó, chuyển cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền 337 tin, trực tiếp giải quyết 7.499 tin, khởi tố hình sự 3.860 tin, không khởi tố 990 tin, lưu hồ sơ 253 tin, đang tiến hành xác minh 185 tin, còn lại giải quyết khác (khởi kiện dân sự, rút đơn, không phạm tội...). Qua công tác nghiệp vụ, Cơ quan điều tra các cấp thành phố đã khởi tố 5.743 vụ án/ 10.360 bị can. Chuyển Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố 5.348 vụ/9065 bị can. Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trên lĩnh vực hình sự, đảm bảo các quyết định khởi tố, không khởi tố của cơ quan điều tra đúng quy định pháp luật và đúng thời hạn luật định. Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý tổng cộng 51.643 vụ việc và 356 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại tòa án. Đã giải quyết 50.199 vụ việc, đạt tỉ lệ 97,2% số án thụ lý và 346 hồ sơ vi phạm hành chính, đạt tỉ lệ 97,2%. Số án bị sửa do sai là 156 vụ việc, chiếm tỉ lệ 0,31% số án giải quyết. Trong đó, án hình sự là 9.393 vụ, 16.088 bị cáo, đã giải quyết 9.283 vụ, 15.858 bị cáo, đạt tỉ lệ 98,8% số vụ và 98,57% số bị cáo. Còn lại là các vụ việc về dân sự, hành chính.
 
    Trong các năm 2005, 2006, 2007, thành phố Đà Nẵng tổ chức tập huấn Luật Ban hành VBQPPL cho hơn 500 cán bộ công chức là đại diện lãnh đạo của HĐND, UBND ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, 100 Báo cáo viên pháp luật thành phố, cán bộ làm công tác pháp chế ở các sở, ban, ngành, đoàn thể và cán bộ tư pháp các quận, huyện; phát hành 438 bộ tài liệu tuyên truyền, tập huấn về công tác xây dựng và ban hành văn bản. Trong năm 2009, 2010, UBND thành phố đã tổ chức Hội thi kỹ năng soạn thảo văn bản cho hơn 16.000 CBCC các sở, ngành, quận, huyện, xă phường trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, hằng năm, UBND thành phố Đà Nẵng cử trên 120 lượt cán bộ công chức tham dự Hội nghị tập huấn nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức. Riêng từ năm 2010-2015, thành phố đã tổ chức 05 đợt tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra VBQPPL cho cán bộ công chức. UBND 7/7 quận, huyện cũng đã tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền về kỹ năng, nghiệp vụ soạn thảo xây dựng và ban hành văn bản cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các ngành, đoàn thể của quận, huyện, xã, phường. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp đối với cán bộ công chức làm công tác liên quan đến pháp luật.
 
    Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ngành tư pháp được tăng cường, kiện toàn, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ được giao. Ngành công an thành phố có 14 đồng chí làm công tác pháp chế chuyên trách, 7 đồng chí kiêm nhiệm; số lượng cán bộ chiến sĩ thuộc các cơ quan điều tra 2 cấp có 445 đồng chí, trong đó có 153 điều tra viên. Hầu hết đều có trình độ Đại học luật trở lên. Viện kiểm sát nhân dân thành phố hiện có 185 người, trong đó, kiểm sát viên trung cấp là 44 người, sơ cấp là 67 người, kiểm tra viên 28 người, chức danh khác 54. Trình độ chuyên môn cử nhân trở lên: 170 người, lý luận chính trị cao cấp: 33 người.  Tòa án nhân dân thành phố hiện có 207 người, trong đó 83 thẩm phán, 8 thẩm tra viên, 89 thư ký, 25 chức danh khác, về trình độ đa số được đào tạo nghiệp vụ luật, trong đó cử nhân là 153; thạc sĩ 29; trung cấp 01 và 23 chuyên ngành khác. Cục Thi hành án dân sự thành phố hiện có 123 người, trong đó chấp hành viên sơ cấp là 36 người, chấp hành viên trung cấp là 10 người, 66 chuyên viên và 6 thẩm tra viên; trong đó cử nhân là 102 người…
Nguyễn Đại Nghĩa
;
.