Quảng Trị: Kết quả bước đầu qua thực hiện việc kiểm tra, rà soát các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

Chủ Nhật, 07/04/2019, 14:52 [GMT+7]

Thực hiện Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW ngày 16-4-2015 của Ban Nội chính Trung ương về việc tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương, hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị giao Ban Nội chính Tỉnh ủy ban hành kế hoạch, thành lập Tổ kiểm tra, rà soát liên ngành để tổ chức kiểm tra, rà soát.

Qua kiểm tra, rà soát nhận thấy, hàng năm, bám sát kế hoạch thanh tra, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra luôn được cấp ủy, chính quyền cùng cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Ngoài ra, theo quy định của Luật thanh tra, các tổ chức thanh tra thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, kết luận thanh tra. Các kết luận, kiến nghị thanh tra đều được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật thanh tra; sau khi ban hành kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý đối với các kết luận thanh tra về kinh tế - xã hội, hàng năm, các đơn vị thanh tra đã chủ động kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận thanh tra hoặc tiến hành kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, kết luận thanh tra. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra có hiệu lực pháp luật, công tác triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị được thực hiện nghiêm túc theo Thông tư 01/2013/TT-TTCP ngày 12-3-2013 của Thanh tra Chính phủ.

Qua các cuộc thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý các sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản và một số lĩnh vực khác, góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong sử dụng tài sản công, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể và cá nhân, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật trên địa bàn tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân có sai phạm phát hiện qua thanh tra đã thực hiện tốt việc khắc phục hậu quả, chấp hành nộp vào ngân sách nhà nước các khoản tiền, tài sản được xử lý thu hồi và tổ chức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm. Các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội ở tỉnh Quảng Trị đều nằm trong chương trình, kế hoạch công tác thanh tra hằng năm đã được phê duyệt; có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những vấn đề bức xúc trong công tác quản lý nhà nước, gắn với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tỷ lệ thu hồi các kiến nghị thanh tra đạt xấp xỉ 80%.

Hoạt động của Kiểm toán nhà nước tác động tích cực đến công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách địa phương. Nhìn chung, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về xử lý tài chính, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý ngân sách.

Về kết quả cho thấy, đến nay: (1) Đã phát hiện 02 vụ việc có dấu hiệu, hành vi tham nhũng nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý đúng quy định của pháp luật, do vậy, Tổ kiểm tra, rà soát năm 2018 đã kiến nghị chuyển hồ sơ, tài liệu 02 vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an cấp huyện để tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Bộ luật Hình sự; (2) Qua kiểm tra, rà soát đã đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra và các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; các đơn vị vi phạm đã nộp tiền vào ngân sách Nhà nước hơn 1.369.000.000 đồng.

Tuy nhiên, cũng qua kiểm tra, rà soát cho thấy, một số kiến nghị, kết luận thanh tra mới chỉ dừng ở việc nhắc nhở, yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm khắc phục những sai phạm; cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị nên hiệu quả thực hiện các kết luận thanh tra không cao và phụ thuộc vào thái độ chấp hành của đối tượng thanh tra; năm 2018 chỉ có 01 kiến nghị chuyển cơ quan điều tra. Luật thanh tra và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa giải quyết được sự chồng chéo giữa thanh tra, kiểm toán và cơ quan chức năng thực hiện xét duyệt, thẩm tra báo cáo tài chính theo quy định của Bộ Tài chính về Quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm. Ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế, còn thiếu chế tài xử lý việc không chấp hành thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, do vậy vẫn còn trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện kiến nghị, kết luận thanh tra, kiểm tra. Một số đơn vị kiểm toán chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Một số kết luận, kiến nghị dựa trên căn cứ pháp luật nhưng chưa sát với thực tiễn, khi thực hiện phát sinh vướng mắc, chậm thực hiện và kết luận thanh tra các hành vi, sai phạm khi kiến nghị, kết luận chưa trích dẫn điều khoản cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật gắn với tồn tại, sai phạm đó.

Để phát huy hiệu quả hơn các cuộc kiểm tra, rà soát các kết luận thanh tra kinh tế- xã hội và thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước hàng năm, cần phải: (1) Tăng cường vai trò trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra và thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; xử lý nghiêm các sai phạm về hành chính, kinh tế; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người có hành vi vi phạm (không có “vùng cấm”). (2) Cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể các chế tài và biện pháp xử lý đối với các đối tượng vi phạm hoặc cố tình không thực hiện các kết luận thanh tra và các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. (3) Cần công khai kết quả thanh tra, kiểm toán và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán trên các phương tiện thông tin để nhân dân biết, giám sát. (4) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong thực thi công vụ.

Phan Công Bình

 (Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Trị)

.