Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ Năm, 22/11/2018, 11:23 [GMT+7]

Ngày 21-11, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng lãnh đạo, chuyên viên một số vụ, đơn vị chức năng thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Nội chính Trung ương.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các đồng chí trong Đảng ủy và lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống  tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

Thường xuyên rà soát văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng để xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung cho sát với tình hình thực tế của ngành giáo dục; chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện các chế độ về công khai, minh bạch các hoạt động tại các cơ quan, đơn vị; tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Ban hành kế hoạch thanh tra, tập trung vào những nội dung chủ yếu: Công tác tổ chức cán bộ; cải cách hành chính; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; quản lý tài chính, tài sản; đầu tư xây dựng cơ bản; các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và các chuyên đề có nội dung liên quan…

Việc cải tổ bộ máy hành chính đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc, giảm được 02 đơn vị cấp vụ và 21 đơn vị cấp phòng; thực hiện nhiều biện pháp cải cách hành chính mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2017 đạt 80,01/100 điểm, xếp thứ 11/19 bộ, cơ quan ngang bộ, tăng 04 bậc so với năm 2016; xây dựng website của Bộ Giáo dục và Đào tạo http://www.moet.gov.vn trong đó có mục Hành chính một cửa, nhằm phục vụ triển khai thí điểm quy trình hành chính một cửa, giúp công dân đăng ký cấp giấy tờ qua mạng một cách nhanh chóng, thuận lợi, minh bạch. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sử dụng phần mềm thanh tra giáo dục, trong đó có phần mềm xử lý đơn thư, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Mặc dù từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa phát hiện các hành vi tham nhũng trong phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xong vẫn có biểu hiện tiêu cực xảy ra trong ngành như việc dạy thêm, học thêm không đúng; hiện tượng thu ngoài quy định; tiêu cực trong tuyển sinh; việc lãng phí trong in, sử dụng sách giáo khoa của học sinh; vi phạm trong quản lý tài chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học…

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đặc biệt lưu ý, ngành giáo dục liên quan tới sự nghiệp trồng người, do vậy, mọi gia đình cũng như xã hội đều rất quan tâm, đối với giáo dục, chỉ cần xảy ra sai sót nhỏ cũng dễ bị lên án gay gắt; tiêu cực xảy ra ở lĩnh vực giáo dục không chỉ gây ra những hậu quả trước mắt mà còn lâu dài, đây sẽ là mầm mống của những tiêu cực trong tương lai khi mà ngành giáo dục cung cấp cho đất nước những người không đủ tâm, đủ tài.

Để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu các nội dung giáo dục về phòng, chống tham nhũng vào trường học phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học; việc giáo dục phòng, chống tham nhũng phải gắn liền với việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; công khai, minh bạch các quy định, quy trình trong công tác cán bộ, tuyển sinh, tài chính, xây dựng cơ bản; Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phân công bộ phận theo dõi, tham mưu trong công tác phòng, chống tham nhũng cho phù hợp mà không tăng đầu mối, tăng biên chế; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm liên quan đến ngành giáo dục.

Cù Tất Dũng

.