Yên Bái: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ Sáu, 16/09/2016, 08:57 [GMT+7]

Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện đồng bộ với các giải pháp cụ thể, phù hợp; nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng ngày một nâng cao. Những hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một số cấp ủy chưa xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa các nội dung, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) vào điều kiện cụ thể của cấp mình. Công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa trở thành chuyên đề hàng năm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; việc tự phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng, lãng phí chưa được nhiều. Hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi còn hình thức, chưa có các giải pháp kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; công tác cải cách hành chính hiệu quả chưa đạt được như mong muốn; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của một số cán bộ, công chức đối với người dân, doanh nghiệp vẫn còn.

Tỉnh ủy Yên Bái đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Một là, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy. Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở cấp mình; chịu trách nhiệm trước cấp ủy, cấp ủy cấp trên và nhân dân về tình trạng tham nhũng, lãng phí tại cơ quan, đơn vị, địa phương được phụ trách. Lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hai là, không ngừng nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ đảng; chủ động phòng ngừa, thường xuyên thực hiện việc giám sát, tự kiểm tra chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng; xử lý, kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ba là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng; gắn công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương liêm chính, dũng cảm tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng.

Bốn là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn trong quản lý kinh tế, trong công tác cán bộ; công khai, minh bạch trong việc xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội; công khai, minh bạch về tài chính, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước; về công tác tổ chức, cán bộ; phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Năm là, nâng cao vai trò, làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng chương trình, kiểm tra, giám sát hàng năm về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; thực hiện nghiêm các kết luận sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.

Sáu là, tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ phận giúp việc về phòng, chống tham nhũng của các cấp ủy và các cơ quan chuyên trách, các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, kiên quyết không để “vùng cấm” trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Bảy là, nâng cao vai trò của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu và Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác giám sát về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nhất là chương trình giám sát hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng; thông qua hoạt động giám sát để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Tăng cường vai trò của các cơ quan truyền thông, cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trần Thị Thúy Hải

(Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái)

;
.