Bắc Giang: Một số kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X)

Chủ Nhật, 11/09/2016, 07:45 [GMT+7]
    Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và Kết luận số 21-KL/TW Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Luật phòng, chống tham nhũng  (PCTN), Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác PCTN, lãng phí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có chuyển biến tích cực. 
 
    Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác này được nâng lên; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí thực hiện bước đầu phát huy hiệu quả. Hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Các lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ, mua sắm tài sản công được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch hơn. Công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. 
 
Đoàn công tác Ban Nội chính Trung ương nắm tình hình công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Bắc Giang
Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương nắm tình hình công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng
tại tỉnh Bắc Giang
    Các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; kịp thời biểu dương những điển hình tốt, phổ biến những kinh nghiệm hay, phê phán và lên án những hành vi tiêu cực; chấn chỉnh, xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức và lối sống, vi phạm pháp luật. Phát huy vai trò của xã hội, của cơ quan dân cử, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác PCTN, lãng phí. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, điều hành. Trên địa bàn tỉnh, không có vụ việc tham nhũng, lãng phí phức tạp và nghiêm trọng xảy ra. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền. 
 
    Từ năm 2007 đến nay, đã triển khai 1.513 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Qua thanh tra, phát hiện các sai phạm, kiến nghị xử lý các sai phạm trị giá 411,9 tỷ đồng và 627.000 m2 đất; trong đó: kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 123,3 tỷ đồng; xử lý biện pháp tài chính khác 288,6 tỷ đồng. Kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của 481 tập thể, 1.292 cá nhân có sai phạm trong công tác quản lý; chuyển 08 vụ việc sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý về hình sự. 
 
    Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết 90 đơn tố cáo về tham nhũng, đã giải quyết xong 88 đơn. Kết quả xem xét, xác minh hầu hết các sai phạm liên quan đến công tác quản lý, điều hành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; đã chuyển hồ sơ 06 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý hình sự. 
 
    Cơ quan điều tra đã phát hiện và thụ lý 116 vụ/ 216 đối tượng có hành vi tham nhũng, gây thiệt hại 62,13 tỷ đồng; xem xét khởi tố 104 vụ/194 bị can, thu hồi tài sản trị giá 7,56 tỷ đồng (đạt 10,6% số phải thu); đề nghị truy tố 99 vụ/176 bị can, đình chỉ điều tra 08 vụ/11 bị can, tạm đình chỉ 01 vụ/04 bị can, còn lại 03 vụ/07 bị can. Viện kiểm sát nhân dân thụ lý 104 vụ/194 bị can, đã truy tố 99 vụ/176 bị can. Toà án nhân dân thụ lý xét xử 99 vụ/176 bị cáo, đã xét xử 86 vụ/149 bị cáo, số vụ trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng chưa nhận lại 02 vụ/05 bị cáo, chưa xét xử 11 vụ/21 bị cáo. Qua hoạt động xét xử, số tiền thiệt hại do tham nhũng gây ra là 71,37 tỷ đồng, đã khắc phục được 1,16 tỷ đồng. 
 
    Đã thực hiện chủ trương tiết kiệm 10% chi thường xuyên với số tiền 1.146 tỷ 199 triệu đồng (trong đó cấp tỉnh 479.407 triệu đồng; cấp huyện 552.385 triệu đồng; cấp xã 114.767 triệu đồng); trong lập, phê duyệt dự toán, quyết toán sử dụng ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm 232 tỷ 435 triệu đồng.
 
    Tuy nhiên, công tác PCTN, lãng phí trong những năm qua còn một số mặt hạn chế như việc vận dụng một số chủ trương, chính sách và áp dụng các quy định cụ thể về PCTN chưa phù hợp với tình hình thực tế. Một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được bổ sung, sửa đổi. Tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong PCTN còn hạn chế. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng còn yếu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý còn thấp; việc xử lý còn chậm, kéo dài. Tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực hiện nhiệm vụ chậm được khắc phục. Tham nhũng, lãng phí chưa thật sự được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã đề ra.
                                                                                     Khổng Văn Suất 
                                                                 (Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Giang)
;
.