Công bố Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2012

Thứ Tư, 03/07/2013, 14:12 [GMT+7]

Ngày 01-7-2013, Viện Nghiên cứu lập pháp (ILS) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo công bố Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) cấp tỉnh năm 2012.

 Tham dự hội thảo có đại diện Điều phối viên thường trú của UNDP tại Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tại hội thảo, ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn chính sách của UNDP đã công bố chỉ số PAPI năm 2012 qua phỏng vấn trực tiếp 13.747 người dân tại các địa phương trên cả nước.

Kết quả khảo sát cho thấy nạn tham nhũng, hối lộ có chiều hướng tăng lên
Kết quả khảo sát cho thấy nạn tham nhũng, hối lộ có chiều hướng tăng lên

Cuộc khảo sát đã cho ra những kết quả hết sức cụ thể liên quan đến trải nghiệm của người dân đối với các dịch vụ công, trong đó đã chỉ ra nạn tham nhũng, hối lộ có chiều hướng tăng lên. Kết quả khảo sát chỉ ra phạm vi và quy mô chi phí “lót tay” trong các dịch vụ như: cấp “sổ đỏ” từ 123.000 – 818.000 đồng/lượt/lần; dịch vụ y tế bệnh viện tuyến huyện từ 37.000 – 146.000 đồng/lượt/lần; dịch vụ giáo dục tiểu học công lập từ 98.000 – 572.000 đồng/lượt/lần...

Việc tham nhũng, hối lộ diễn ra ở mọi dịch vụ công khiến người dân thờ ơ và bàng quan, mất niềm tin vào chính quyền. Kết quả khảo sát của PAPI đưa ra con số 44% số người dân thừa nhận không biết xã/phường có công khai thu chi ngân sách hay không, trong khi có 22% nhìn nhận xã/phường không niêm yết công khai thông tin thu chi ngân sách. Thậm chí, nhiều người dân còn không biết có sự tồn tại của một số cơ quan công quyền quan trọng ở địa phương. Cụ thể, có 66% người dân cho biết ở địa bàn xã/phường của họ không có Ban thanh tra nhân dân hoặc không biết ban này có tồn tại hay không; 83% số người được hỏi cho rằng ở xã/phường của họ không có hoặc không biết có tồn tại Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng hay không.

Kết quả khảo sát là dữ liệu cần thiết để các cơ quan dân cử có thêm một cách nhìn toàn diện, khách quan về việc hoạch định chính sách pháp luật, việc pháp luật được thực thi ở các địa phương như thế nào, cũng như quan điểm, cách nhìn nhận của người dân về hệ thống các cơ quan công quyền ở địa phương.

                                                  Tiến Dũng

(TTXVN)

;
.