Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương tại Canada

Thứ Ba, 25/06/2013, 11:13 [GMT+7]

Từ ngày 8-17/6/2013, nằm trong chương trình Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương, Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Phạm Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương làm Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng tại Canada.

Đoàn công tác Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, trao đổi về công tác phòng, chống tham nhũng tại Canada
Đoàn công tác Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, trao đổi về công tác phòng, chống tham nhũng tại Canada

Trong chuyến công tác này, Đoàn đã được các giảng viên của Đại học York và cán bộ thuộc Cơ quan Kiểm toán bang Ontario, Văn phòng Ủy viên liêm chính thành phố Toronto (bang Ontario) thông tin, trao đổi một số nội dung phục vụ tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng thông qua việc giới thiệu, phân tích, đánh giá về hệ thống chính trị Canada; công tác xây dựng và thực thi pháp luật; hoạt động của Cơ quan Kiểm toán; vị trí, chức năng của Ủy viên liêm chính; vấn đề đạo đức công vụ và giải quyết xung đột lợi ích; pháp luật về vận động hành lang của Canada. Ngoài các nội dung nghiên cứu, trao đổi trong phòng họp, Đoàn công tác đã có một số buổi đi thực tế, tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại bang Ontario.

Canada là Nhà nước Liên bang, gồm mười tỉnh và ba vùng lãnh thổ, là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới, sau Liên bang Nga, nằm ở cực bắc của Bắc Mỹ. Canada có nền dân chủ nghị viện và chế độ quân chủ lập hiến với Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia. Canada là một trong các nước phát triển cao trên thế giới, thành viên của các tổ chức G8, G-20, NATO, OECD, WTO, Khối Thịnh vượng chung, Cộng đồng Pháp ngữ, OAS, APEC và Liên Hợp Quốc. Canada thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1973, mở Đại sứ quán tại Hà Nội vào năm 1994 và Tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1997. Năm 2013, Canada và Việt Nam kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong xếp hạng về chỉ số tham nhũng năm 2012 của Tổ chức Minh bạch quốc tế được công bố ngày 5-12-2012, Canada nằm trong tốp 10 quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới.

Các nội dung nghiên cứu, trao đổi của Đoàn công tác thể hiện trên một số nét chính sau:

Thứ nhất, tổ chức hệ thống chính trị Canada theo mô hình dân chủ nghị viện, quân chủ lập hiến. Ở cấp Trung ương, Quốc hội gồm Thượng viện và Hạ viện; cấp tiểu bang (tỉnh), Quốc hội chỉ gồm một viện duy nhất. Điều hành Quốc hội thuộc về đảng giành đa số ghế (hiện ở Canada có 04 đảng chính trị có thực lực, cạnh tranh quyền lực trong xã hội, gồm: Đảng Bảo thủ, Đảng Tự do, Đảng Tân Dân chủ và Khối Québéc). Quốc lập ra Chính phủ, soạn thảo và ban hành các luật (với quy trình ba bước rất chặt chẽ) để Chính phủ thực hiện. Bằng cơ chế cạnh tranh giữa các đảng chính trị, sự giám sát của Quốc hội (thông qua chất vấn, tranh luận) và cơ quan báo chí, việc công khai, minh bạch được thực hiện khá triệt để. Đây được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng ở Canada.

Một buổi trao đổi, thảo luận tại lớp bồi dưỡng về công tác phòng, chống tham nhũng
Một buổi trao đổi, thảo luận tại lớp bồi dưỡng về công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ hai, thành lập Cơ quan Kiểm toán được tổ chức ở cả hai cấp liên bang và tiểu bang. Đứng đầu Cơ quan Kiểm toán là Tổng kiểm toán (nhiệm kỳ 10 năm) do Chính phủ bổ nhiệm sau khi có được sự chấp thuận về nhân sự của ba đảng phái chính trị chủ yếu ở Canada. Tổng kiểm toán và các nhân viên kiểm toán không phải là công chức Nhà nước, có vị trí, vai trò hoàn toàn độc lập với Chính phủ. Chức năng chính của Cơ quan Kiểm toán là bảo đảm cho các báo cáo tài chính của các tổ chức sử dụng nguồn tiền từ ngân sách nhà nước được công bằng và chính xác; xác định tính đúng đắn, hợp lý của các khoản chi tiêu từ nguồn nộp thuế trong xã hội; thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán khác theo yêu cầu của Quốc hội. Tài liệu kiểm toán là nguồn chứng cứ để các cơ quan tố tụng xem xét, xử lý trong trường hợp có vi phạm, tham nhũng. Tính độc lập và cách thức hoạt động của Cơ quan Kiểm toán tại Canada là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa và xử lý hành vi tham nhũng.

Thứ ba, thành lập Văn phòng Liêm chính với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa tham nhũng trong đội ngũ công chức. Văn phòng Liêm chính Canada được thành lập năm 1988 dựa trên đạo luật Chống xung đột lợi ích (được thay thế bởi Luật Liêm chính năm 1994). Việc thành lập Văn phòng Liêm chính phản ánh sự cần thiết phải duy trì tiêu chuẩn cao về đạo đức trong dịch vụ công để người dân cũng như doanh nghiệp không bị ức chế khi sử dụng dịch vụ công tại các tiểu bang.

Văn phòng Liêm chính có nhiệm vụ giúp các thành viên Quốc hội của các Tiểu bang và Liên bang giữ và duy trì các hoạt động vì lợi ích công cộng, đồng thời chống lại cám dỗ vật chất và các hành động sai trái vì lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng; xem xét, đánh giá việc sử dụng tiền ngân sách trong chi tiêu, chi phí cho việc đi lại và chi phí ăn, ở của các Bộ trưởng, thành viên Quốc hội (cấp Tiểu bang và Liên bang), Thư ký của các Đại biểu Quốc hội và nhân viên của họ.

Văn phòng Liêm chính được giao xem xét, đánh giá việc chi tiêu sử dụng ngân sách nhà nước của cán bộ, công chức; tiếp nhận, xem xét và điều tra các cáo buộc về các hành vi sai trái do công chức nhà nước tố cáo, bao gồm cả các công chức đã nghỉ hưu hoặc rời bỏ vị trí công tác.

Hằng năm, Văn phòng Liêm chính sẽ trình 01 báo cáo lên Chủ tịch Hạ viện, trong đó bao gồm tất cả các hoạt động thuộc thẩm quyền của Văn phòng Liêm chính và các sai phạm của các cá nhân, đơn vị trong sử dụng ngân sách công sai mục đích.

Mô hình Văn phòng Liêm chính tương đối mới mẻ so với Việt Nam. Tuy nhiên, các chức năng, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan này nên được nghiên cứu, vận dụng thành các quy định cụ thể trong điều kiện Việt Nam.

Thứ tư, xung đột lợi ích là chế định luật của Canada quy định khá chi tiết các quy phạm điều chỉnh cụ thể hành vi của cán bộ, công chức nhằm bảo đảm sự minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng. Tiêu biểu cho các quy phạm pháp luật về xung đột lợi ích là Đạo luật xung đột lợi ích (viết tắt là CIA). Theo CIA, một khi cán bộ, công chức được bổ nhiệm, họ phải tự sắp xếp các vấn đề cá nhân để tránh xung đột lợi ích có thể xuất hiện như trường hợp họ được gợi ý hay nhận hối lộ, giúp đỡ tư nhân tham gia vào hợp đồng Chính phủ dựa trên trách nhiệm công vụ của họ, hay lợi dụng thông tin có được khi còn đang đương chức để gia tăng lợi ích cá nhân sau khi rời nhiệm sở. Từ năm 1994, thông tin liên quan đến vợ/ chồng, con cái của bộ trưởng, thư ký nhà nước, và thư ký quốc hội cũng bị điều chỉnh bởi CIA. Phạm vi điều chỉnh của CIA tương đối rộng, bao gồm khoảng 1,250 cán bộ công chức làm việc toàn thời gian, không chỉ bao gồm thủ tướng, bộ trưởng, thư ký quốc hội, mà còn bao gồm cả thống đốc do hội đồng bổ nhiệm, phó bộ trưởng hoặc trợ lý phó bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan tổ chức, ủy ban, và tòa án, cùng 2,200 cán bộ công chức bán thời gian…

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng có một số quy định gần giống như các quy định trên của Canada. Với những điểm tiến bộ, phù hợp trong chế định xung đột lợi ích, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần nghiên cứu, vận dụng trong thực tế ban hành và thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta.

Thứ năm, Canada ban hành Luật về vận động hành lang. Pháp luật Canada quy định rất cụ thể về chủ thể, đối tượng, nội dung, điều kiện của vận động hành lang. Các hoạt động vận động hành lang ở Canada rất phong phú, là mô hình chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của pháp luật Mỹ và Anh về vận động hành lang. Vận động hành lang là một vấn đề quan trọng đã xuất hiện khá lâu trên thế giới và vấn đề này đang ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của chúng ta. Gần đây, vấn đề vận động hành lang cũng đang được quan tâm đặc biệt ở Việt Nam. Do đó, các nội dung trao đổi về vận động hành lang tại Canada cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá, xem xét trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Tuy có hạn chế về thời gian của chuyến công tác, việc tiếp cận vấn đề mới chỉ là bước đầu nhưng có thể thấy rằng các nội dung trao đổi nêu trên có giá trị tham khảo trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và thực thi các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

P.V

;
.