Ngành Đường sắt Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2013

Thứ Hai, 01/07/2013, 13:11 [GMT+7]

Những năm qua, Đảng ủy, lãnh đạo Đường sắt Việt Nam luôn coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống các biểu hiện tiêu cực và tham nhũng luôn được duy trì thực hiện.

6 tháng đầu năm 2013, Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công văn số 522/BTC-TTr ngày 10/1/2013 của Bộ Tài chính về triển khai thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các cấp, các ngành, trong doanh nghiệp. Các đơn vị trong ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, văn bản quản lý nhà của Nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, tố cáo… trên mạng thông tin Intranet nội bộ để cán bộ, viên chức và người lao động trong Tổng Công ty cập nhật, nghiên cứu, học tập; triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Công tác phòng ngừa

Lãnh đạo cơ quan phối hợp với tổ chức Công đoàn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình, đề nghị… Từ đó có những  giải pháp tốt hơn để lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Việc luân chuyển, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tuyển dụng cán bộ… được thực hiện theo đúng quy trình, quy định và đều được bàn bạc, thảo luận dân chủ, công khai, tạo sự đồng thuận cao trong tập thể, đơn vị.

Quy định rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.

Ngành luôn quan tâm, chăm lo đảm bảo các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức. Chú trọng hoàn thiện các quy định về quản lý kinh tế phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường công tác giám sát của các tổ chức quần chúng; thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở gắn với công tác phòng, chống tham nhũng.

Xử lý sai phạm ngay từ khi mới phát sinh

Cho tới nay, Đường sắt Việt Nam chưa phát hiện vụ việc nào liên quan đến tham nhũng. Ngay từ đầu năm lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể đã sớm xây dựng chương trình tự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các quy định của ngành, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm ngay khi mới phát sinh.

Phương hướng trong thời gian tới

Ngành tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư tố cáo theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, tố cáo. Triển khai Chỉ thị số 08/CT-BGTVT ngày 23/5/213 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rà soát, bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho nhân dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, không để tình trạng đơn thư, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất đảm bảo giá thành sản xuất, dịch vụ hợp lý. Tập trung vốn vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải; dừng, hoãn, sắp xếp lại và điều chuyển vốn đối với các công trình đầu tư kém hiệu quả, chưa thực sự cần thiết. Tổ chức sản xuất kinh doanh hợp lý, nâng cao tính chuyên môn hóa và hợp tác hóa giữa các đơn vị thành viên để giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ… Thực hiện tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả lao động.

Cù Tất Dũng

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.