Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng tại Bình Định

Thứ Tư, 12/09/2012, 09:34 [GMT+7]

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành và thực hiện Kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy:

(1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo: cấp ủy, lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương, của ngành và của tỉnh về công tác PCTN gắn với việc phổ biến, học tập các quy định của ngành ngân hàng, tạo chuyển biến trong nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về công tác PCTN. Do tính chất kinh doanh và đặc thù của ngành, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định đã thành lập Ban Chỉ đạo và các Chi nhánh ngân hàng thương mại thành lập Tiểu Ban chỉ đạo PCTN và tội phạm. Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo và các Tiểu Ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên theo dõi từng lĩnh vực để có biện pháp ngăn ngừa tham nhũng và xử lý kịp thời khi có phát sinh hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Phú Tài (ảnh minh họa)

(2) Công tác phòng ngừa tham nhũng: cùng với minh bạch các thông tin về hoạt động đối với khách hàng (công khai mức lãi suất huy động, lãi suất cho vay, các điều kiện vay vốn, các loại dịch vụ khách hàng và phí dịch vụ, các hình thức khuyến mãi...), các tổ chức tín dụng cũng thực hiện công khai trong hoạt động nội bộ (công khai phương hướng, nhiệm vụ, định hướng phát triển, giải pháp hoạt động kinh doanh; công khai bàn bạc phân phối thu nhập, tiền thưởng, các quỹ phúc lợi, khen thưởng...; công khai về quy trình tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, chuyển đổi vị trí công tác; công khai trong việc mua sắm tài sản và xây dựng cơ bản...). Trên cơ sở Quy chế của Ngân hàng Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử, quy định tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, viên chức. Các ngân hàng thực hiện tốt công tác cán bộ, trong đó có việc chuyển đổi vị trí công tác. Một số tổ chức tín dụng thực hiện tốt công tác chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng, như Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (76 người), Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương tỉnh (100% cán bộ tại các phòng giao dịch đều thực hiện chuyển đổi, luân chuyển địa bàn), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Phú Tài (103 người)...

(3) Công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý tham nhũng: tất cả các tổ chức tín dụng đều đã xây dựng quy trình nghiệp vụ phù hợp với quy mô và chức năng riêng của tổ chức mình. Đó là, các quy trình quản trị rủi ro, quy trình thẩm định cho vay, quy trình quản lý kho quỹ, quy trình bảo mật thông tin và an toàn hệ thống, quy trình kiểm tra chéo và hậu kiểm... Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ được tiến hành một cách thường xuyên. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã thực hiện 19 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các chi nhánh tín dụng trên địa bàn, phát hiện 03 vụ việc liên quan đến tham nhũng: (1) Vụ ông Nguyễn Văn Hòa, nhân viên kiểm ngân Phòng Giao dịch Diêu Trì thuộc Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Bình Định biển thủ 405 triệu đồng (hiện Thanh tra Bộ Quốc phòng đang điều tra làm rõ); (2) Vụ ông Huỳnh Chí Trung, cán bộ tín dụng thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước tham ô gần 20 tỷ đồng; (3) Vụ  Phan Thị Quy và Võ Thị ánh Ngọc (kế toán) và Võ Thị Kim Tuyến (thủ quỹ) Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Quy Nhơn lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao làm khống 02 sổ tiết kiệm, rút khỏi quỹ 774 triệu đồng).

Qua kiểm tra cũng đã phát hiện một số hạn chế, yếu kém sau:

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ PCTN tại một số tổ chức tín dụng chưa thường  xuyên;  chủ  yếu  là  xây  dựng,  ban hành văn bản, chưa quan tâm đến công tác đôn đốc, kiểm tra và kết quả thực hiện nội dung văn bản, kế hoạch đó. Công tác thẩm định cho vay và quản lý nợ xấu chưa có hiệu quả, tình trạng nợ xấu có xu hướng ngày càng tăng...

- Việc công khai, minh bạch thông tin, trong đó có việc báo cáo số liệu về kết quả hoạt động kinh doanh định kỳ vẫn còn hạn chế. Các số liệu báo cáo tài chính chưa phản ánh đúng tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của từng tổ chức tín dụng.

- Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn chậm, để kéo dài (Vụ ông Huỳnh Chí Trung, cán bộ tín dụng thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Tham ô tài sản” (vụ việc được phát hiện từ tháng 6/2011; ngày 15/8/2012, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố bị can đối với Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng phòng Tín dụng Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 BLHS). Một số vụ án tham nhũng xảy ra tại Phòng Giao dịch Diêu Trì thuộc Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Bình Định và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Quy Nhơn hiện nay chưa có đề xuất phương án xử lý trách nhiệm của người đứng đầu…).

- Một số dạng vi phạm được phát hiện: (a) Một số cán bộ ngân hàng tiếp tay cho doanh nghiệp để thực hiện hành vi lừa đảo thông qua việc tạo dựng hồ sơ giả để vay vốn, sử dụng giấy tờ giả để thế chấp vay tiền ngân hàng. (b) Một số cán bộ ngân hàng bị mua chuộc, lối kéo, chủ yếu là cán bộ trực tiếp làm công tác tín dụng, cán bộ thẩm định hồ sơ, tài sản thế chấp vay, thậm chí có nhiều trường hợp là cán bộ lãnh đạo ngân hàng chỉ đạo cấp dưới cho vay trái quy định để hưởng “hoa hồng” trái pháp luật (thực chất là nhận hối lộ). Biểu hiện của dạng vi phạm này là định giá tài sản cao hơn giá trị thực, không tuân thủ quy trình thẩm định hồ sơ xin vay của khách hàng, cho vay không đúng mục đích… (c) Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ yếu, thiếu thường xuyên, nên không phát hiện, ngăn chặn được các hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ trong thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng…

Để giảm thiểu và phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng:

1. Các cơ quan chức năng (Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra...) cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, thu hồi tài sản cho Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên tổ chức hướng dẫn, phổ biến một số sai phạm của ngành nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, góp phần phòng ngừa tham nhũng.

2. Cơ quan điều tra của Công an tỉnh làm rõ những trường hợp có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng và các trường hợp cán bộ ngân hàng cố ý làm trái các quy định về cho vay dẫn đến nợ xấu, không có khả năng thu hồi...

3. Chỉ đạo công tác thu hồi nợ xấu một cách quyết liệt, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định thị trường tài chính, tiền tệ...

4.  Xử  lý  kịp  thời, nghiêm  minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng đã phát hiện trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức tín dụng để xảy ra tham nhũng.

Nguyễn Văn Long

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)


;
.