Hội thảo về giám định tư pháp

Thứ Hai, 10/09/2012, 14:12 [GMT+7]

Dự thảo Nghị định bao gồm 6 chương và 29 điều: Chương I, quy định chi tiết một số điều về giám định viên tư pháp, chế độ bồi dưỡng, phụ cấp giám định viên tư pháp; Chương II quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập bao gồm tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, giám định kỹ thuật hình sự ở trung ương và địa phương; Chương III, quy định về Văn phòng giám định tư pháp, đăng ký, quyền, nghĩa vụ, chuyển đổi loại hình, tạm dừng hoạt động, thu hồi giấy đăng ký, chấm dứt hoạt động, chính sách đối với văn phòng giám định tư pháp; Chương IV, quy định về Người, Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; Chương V, quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tư pháp và cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân đối với hoạt động giám định tư pháp; Chương VI, quy định về điều khoản thi hành.

Luật giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII

thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2012)

Hầu hết các đại biểu đại diện cho các ngành, địa phương phát biểu ý kiến tham gia. Nhiều ý kiến cơ bản đồng ý với bản Dự thảo Nghị định và bổ sung thêm một số nội dung để Nghị định bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Tuy nhiên đáng lưu ý một số ý kiến của Luật sư, đại diện Cơ quan điều tra Bộ Công an, đã dẫn chứng một số khó khăn trong thực tế hoạt động điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến các vụ án kinh tế, tham nhũng kéo dài, không xử lý dứt điểm có nguyên nhân do giám định và kiến nghị bổ sung một số quy định vào Nghị định. Đồng thuận với một số ý kiến của Luật sư và đại diện Cơ quan điều tra Bộ Công an, đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng Dự thảo Nghị định chưa đáp ứng được một số đòi hỏi cấp bách hiện nay đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế và tham nhũng. Vì Dự thảo Nghị định mới chỉ tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực đã có các tổ chức giám định là: pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và chế độ đối với giám định viên; ngoài ra Luật giám định tư pháp và Dự thảo nghị định có thêm nội dung mới là một số quy định về giám định theo vụ việc và Văn phòng giám định tư pháp. Trong khi đó Dự thảo Nghị định lại thiếu các quy định để điều chỉnh các lĩnh vực đang đòi hỏi cấp bách hiện nay lại là:

- Các lĩnh vực giám định về tài chính, kế toán, ngân hàng, chất lượng công trình, môi trường, hậu quả thiệt hại trong các vụ án kinh tế và tham nhũng … chưa có cơ quan, tổ chức giám định chuyên trách;

- Thời gian thực hiện các trưng cầu giám định, trách nhiêm của cơ quan, tổ chức và giám định viên để đáp ứng yêu cầu về thời hạn điều tra, tính xác thực làm căn cứ để xử lý vụ án;

- Kinh phí giám định để đáp ứng các yêu cầu giám định trong cơ chế kinh tế  hiện nay;

- Cơ quan, tổ chức chủ trì giải quyết các mâu thuẫn về kết quả giám định của các tổ chức giám định.

Những vấn đề nêu trên đề nghị Ban soạn thảo xem xét để bổ sung các quy định vào Nghị định nhằm điều chỉnh kịp thời các yêu cầu cấp bách hiện nay.

                                              Nguyễn Thế Bình

                                           (Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

;
.