Hà Nội: Còn 52 vụ khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai chưa được giải quyết dứt điểm

Thứ Sáu, 28/09/2012, 10:31 [GMT+7]

9 tháng đầu năm 2012, Thành phố Hà Nội đã giải quyết 946/1.225 vụ liên quan đến đất đai và GPMB (785 vụ khiếu nại, 161 vụ tố cáo), đạt tỷ lệ 77%. Qua đó kiến nghị thu hồi 2.737 triệu đồng, hơn 6,7 ha đất, thu hồi 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trả lại cho công dân 25.649 triệu đồng và 634m2 đất, điều chỉnh 21 phương án bồi thường hỗ trợ GPMB, xử lý trách nhiệm 57 cán bộ, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ.

Các cơ quan của Thành phố đã thụ lý 184 vụ tranh chấp về đất đai, giải quyết xong 152 vụ, đạt tỷ lệ 83%. Toàn Thành phố đã cấp trên 34.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoàn thành GPMB 808 ha đất tại 116 dự án.

Tuy nhiên vẫn còn có địa phương chưa gắn việc tiếp công dân với giải quyết KNTC, phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính. Một số vụ việc chậm giải quyết, gây bức xúc cho người dân và phát sinh khiếu kiện vượt cấp. Có nơi, có chỗ còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết KNTC còn hạn chế. Công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ còn thấp, công tác tuyên truyền, vận động chưa quan tâm đúng mức… Đây là những lý do chính dẫn đến tình trạng KNTC phức tạp. Đến thời điểm này, trên địa bàn Thành phố Hà Nội còn 52 vụ KNTC tồn đọng, chưa được giải quyết dứt điểm (23 vụ liên quan đến quản lý đất đai, 10 vụ GPMB, 16 vụ tranh chấp đất đai, 3 vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Để tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc KNTC liên quan đến đất đai và GPMB trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lưu ý: 1) Các cấp, các ngành nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết KNTC; trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. 2) Đề xuất với Trung ương đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, GPMB, đầu tư xây dựng để hạn chế phát sinh KNTC. 3) Thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất cần phải theo phương châm “công khai, dân chủ, công bằng”, bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người dân. 4) Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, GPMB và giải quyết KNTC; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám sát việc tiếp công dân và giải quyết KNTC. 5) Chú trọng tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật; chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách…

(Theo TTXVN)

;
.