Hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục

Thứ Tư, 16/05/2018, 14:15 [GMT+7]
    Ngày 15-5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của USAID, Hội Luật gia Việt Nam và Chương trình GIG phối hợp tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. 
 
    Hội thảo là diễn đàn để các hội viên Hội Luật gia ở các tỉnh, thành phố và đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng nhau chia sẻ, thảo luận và đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật. Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chủ trì Hội thảo.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Đại diện Tổ biên tập đã giới thiệu tóm tắt một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục và những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Theo đó, dự thảo Luật tập trung sửa đổi một số vấn đề như: (1) Mục tiêu giáo dục và hệ thống giáo dục quốc dân áp dụng chung cho tất cả các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hệ thống giáo dục được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt, tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình, trình độ và hình thức đào tạo. (2) Mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học, môn học, tạo sự chuyển biến căn ban, mạnh mẽ và chất lượng, hiệu quả giáo dục phổ thông. Quy định mang tính nguyên tắc về việc tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa, tổ chức thực nghiệm chương trình, hội đồng quốc gia thẩm định chương trình… (3) Quy định về nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân; chính sách đối với trường ngoài công lập; tổ chức kiểm định chất lượng và quản lý nhà nước về giáo dục…
 
    Góp ý vào dự thảo Luật, GS.TS Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi Luật giáo dục vào thời điểm này là hết sức cần thiết nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng. Theo GS. TS Lê Minh Tâm, cần xác định rõ hơn mục tiêu chung của giáo dục và mục tiêu cụ thể của mỗi cấp học theo hướng ngắn gọn, phản ánh những điểm cơ bản, khái quát, có tính ổn định và có tính khả thi cao, hết sức tránh những yếu tố ngôn ngữ trừu tượng, có tính khẩu hiệu. Đồng thời, cần đánh giá tác động một cách đầy đủ về một số vấn đề mà trong thực tiễn tổ chức và hoạt động giáo dục các nhà trường, nhà giáo và người học còn có nhiều khó khăn, vướng mắc như thiết chế Hội đồng trường…
 
    Luật sư, PGS.TS Chu Hồng Thanh cho rằng, một số quy định trong Luật giáo dục hiện hành chưa được thực hiện trong thực tế, cần được khẳng định rõ hơn và thể hiện tính khả thi cao hơn trong Luật. Ví dụ quy định “Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên” (Điều 48 dự thảo Luật) nhưng trên thực tế số lượng trường công lập phình lên quá nhiều, gánh nặng ngân sách quá lớn dẫn đến hình thành mô hình “công lập tự chủ về tài chính” giống như mô hình “bán công” vốn đã gây ra nhiều rắc rối về pháp lý và trong thực tiễn từ trước Luật giáo dục năm 2005. Trong khi đó, số lượng trường công lập ở giáo dục mầm non dường như chưa được quan tâm thích đáng mà chỉ chú ý đến “xã hội hóa” gây ra những hiệu ứng ngược so với mong muốn. PGS cũng nhấn mạnh, đã 13 năm kể từ khi Luật giáo dục 2005 có hiệu lực thi hành nhưng đến nay vẫn có 7 trường đại học không thể chuyển đổi từ “dân lập sang tư thục” do những phức tạp trong quy định về chuyển từ sở hữu chung và sở hữu tập thể thành sở hữu tư nhân… Với mong muốn đổi mới hệ thống giáo dục, PGS.TS Chu Hồng Thanh đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị, như: Quy định nhà giáo được hưởng bậc lương cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp; quy định Hiệu trưởng nhà trường bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với các giảng viên đủ tiêu chuẩn, tránh tình trạng các Hội đồng chức danh giáo sư có thẩm quyền quản lý và thẩm quyền quyết định quá lớn như hiện nay…
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
;
.