Các cấp, các ngành phải coi giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng

Thứ Hai, 21/05/2018, 16:16 [GMT+7]
    Sáng 19-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Cùng dự có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 27 tỉnh, thành phố có các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp.
 
    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng tình hình khiến kiện đông người, vượt cấp kéo dài còn diễn biến phức tạp. Do vậy, Chính phủ tổ chức hội nghị, triệu tập lãnh đạo 27 địa phương để cùng tìm nguyên nhân, giải pháp xử lý vấn đề. 
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Nhấn mạnh đến nguyên nhân từ phía chủ quan, Thủ tướng cho rằng, những cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải tự hỏi đã làm tròn trách nhiệm với dân trong vấn đề này hay chưa, nhất là Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, đã dành thời gian, công sức, lắng nghe từng vụ việc cụ thể hay chưa? Từ việc xác định những nguyên nhân và tồn tại, các đại biểu cần nêu giải pháp, kinh nghiệm và những đề xuất với Trung ương. 
 
    Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, Thủ tướng nêu thực tế trong một lần đi xử lý một vụ việc có gặp gỡ người dân và hỏi người dân có biết mặt Chủ tịch huyện hay không thì nhận được câu trả lời là chưa từng gặp Chủ tịch huyện này. Do đó, Thủ tướng yêu cầu đối thoại, gặp gỡ người dân, sâu sát cơ sở phải là văn hóa của lãnh đạo, chính quyền địa phương. Thủ tướng yêu cầu các địa phương báo cáo xem có họp hàng tuần để kiểm điểm tình hình giải quyết khiếu kiện của người dân hay không, có định kỳ tiếp dân hay không?. 
 
    Cùng với đó, Thủ tướng cũng đặt vấn đề về các biện pháp xử lý những đối tượng cầm đầu, ngoan cố, kích động quần chúng nhân dân chống phá và có những hành vi vi phạm pháp luật. 
 
    Dẫn số liệu trong số 100 vụ khiếu kiện thì tới 95 vụ là khiến kiện về đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, Thủ tướng cho rằng phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cần nghĩ tới quyền lợi tương xứng của người dân. Nếu không giải quyết thỏa đáng, đúng mức vấn đề này thì khó phát triển bền vững. 
 
    Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình hình khiếu kiện, tố cáo, nhất là khiếu kiện tố cáo đông người còn nghiêm trọng; một số cấp, nhất là cấp địa phương còn lơ là, không thực hiện nghiêm túc việc đối thoại với người dân, đặc biệt là không nắm vững tình hình, bị động, còn chủ quan. Nhận thức của một số cán bộ còn mang nặng tư tưởng “đối đầu” với người dân mà chưa thấy trách nhiệm của mình. Một vấn đề nữa là các đối tượng phản động lợi dụng tình hình để kích động người dân.
 
    Nhiều cơ quan hành chính chưa thực hiện nghiêm túc, chưa làm hết trách nhiệm với dân, xác minh thẩm tra sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương hướng giải quyết thiếu thuyết phục, thiếu khách quan, công tâm. Ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hời hợt trong thực thi công vụ về giải quyết KNTC. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết của một bộ phận người dân còn hạn chế, đưa ra các yêu cầu vượt quá quy định của pháp luật. Có trường hợp chây ỳ, đã được giải quyết có lý có tình nhưng vẫn khiếu nại kéo dài. Có trường hợp do phần tử xấu kích động, xúi giục đi khiếu kiện để lấy tiền.
 
    Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương đối chiếu với tình hình nội bộ của địa bàn mình, tự xác định các nguyên nhân từng vụ việc KNTC đông người phức tạp, từ đó có giải pháp phù hợp, khả thi. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chính chúng ta phải trách chúng ta, xem lại chúng ta. Đồng thời chúng ta nói dân chủ, dân chủ hơn nữa nhưng cũng kỷ cương, kỷ cương hơn nữa trong việc xử lý công việc liên quan KNTC”. Thủ tướng nêu rõ. Nếu cán bộ không làm sai, làm việc công tâm, khách quan, lắng nghe ý kiến của người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân thì chắc chắn ít xảy ra hoặc không xảy ra khiếu kiện phức tạp.
 
    Thủ tướng đề nghị từ Trung ương đến địa phương, các ngành liên quan như Thanh tra Chính phủ, Tài nguyên và Môi trường, Công an..., đặc biệt là các địa phương cần vào cuộc để có thể thay đổi căn bản tình hình, không để vì vấn đề KNTC gây mất ổn định tình hình đất nước. Chính sách đối thoại đặt ra liên tục từ cơ sở đến các cấp ở địa phương. Cấp ủy, chính quyền vào cuộc, không khoán trắng việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại cho thanh tra, phòng tiếp dân. Địa phương nào nhiều vụ việc KNTC đông người, phức tạp chứng tỏ cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm.
 
    Mọi KNTC phải được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, giải quyết đúng quy định, đối thoại, lắng nghe, giải quyết hợp lý, hợp tình để không tạo thành điểm nóng. Phải cầu thị, nghiêm túc đánh giá sự việc theo đúng quy định của pháp luật. Việc đúng thì kiên trì thuyết phục, vận động người dân. Việc không đúng thì phải nghiêm túc sửa sai, khắc phục, không ngoan cố, không vì vấn đề nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia mà không dám nhận lỗi.
 
    Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ và đặc biệt các địa phương phải lập kế hoạch cụ thể về giải quyết các vụ khiếu kiện, tố cáo đông người phức tạp. Thanh tra Chính phủ rà soát, lập danh sách tất cả các vụ việc phức tạp kéo dài tại 27 địa phương. Các tỉnh, thành phố phải cung cấp đầy đủ danh sách các vụ việc cho Thanh tra Chính phủ, cùng Thanh tra Chính phủ lập kế hoạch, có định hướng tiến độ cụ thể để giải quyết từng vụ việc, công khai trên mạng. Địa phương cần phân công rõ cơ quan chủ trì giải quyết từng vụ việc, phân công mỗi đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy chịu trách nhiệm theo dõi đôn đốc, giải quyết một số vụ việc; đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hằng năm gắn với việc giải quyết KNTC này.
Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khiếu kiện trên địa bàn; cần lập chương trình tiếp công dân, giải quyết vụ việc; không ỷ lại, khoán trắng cho một phó chủ tịch phụ trách. Tập trung chấn chỉnh, khắc phục các bất cập trong các chính sách pháp luật, nhất là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát đánh giá việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, chuyển chợ dân sinh, chợ truyền thống sang trung tâm thương mại để có giải pháp tổng thể.
 
    Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân. Khi đã giải quyết, đối thoại hết sức, có lý có tình nhưng vẫn còn khiếu kiện thì đưa ra tòa hành chính. Chính quyền địa phương phải có giải pháp kịp thời, bảo đảm tốt an ninh trật tự liên quan đến các vụ việc giải quyết KNTC. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp, nắm chắc tình hình, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi trọng công tác dân vận, mặt trận. Các đoàn thể chính trị phải phân tích, giải thích pháp luật cho người dân hiểu rõ về quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Làm tốt công tác truyền thông thông tin về giải quyết KNTC. Việc đưa tin phải khách quan, trung thực, không đưa tin một chiều, sai lệch nội dung, bản chất sự việc, gây tác động tiêu cực đến dư luận để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc.
 
    Thủ tướng cho rằng, tất cả các cấp, các ngành cần phải coi trọng việc giải quyết KNTC, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
                                                                                              Hồng Hà
;
.