Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2018
Thứ Sáu, 02/03/2018, 14:22 [GMT+7]
Ngày 01-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2018.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật những kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2018, trong đó, tháng 2 là tháng có Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành đã chủ động, tích cực, làm hết sức mình để chuẩn bị cho nhân dân vui Xuân, đón Tết. Công tác chuẩn bị Tết được triển khai tốt, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung hàng hóa phong phú, giá cả ổn định, các đối tượng yếu thế trong xã hội, đối tượng chính sách, người có công, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai được quan tâm. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đề xuất những vấn đề về phản ứng chính sách rõ nét, kịp thời hơn để quản lý chỉ đạo tốt vĩ mô, không để bất ổn xảy ra đi liền với tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất. Bên cạnh phát triển kinh tế cần quan tâm đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.
Quang cảnh Phiên họp |
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm nhìn chung ổn định, tốc độ tăng giá tiêu dùng được kiểm soát thấp hơn cùng kỳ năm 2017 và trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,24% so với tháng 12/2017, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 0,73% so với tháng trước; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thanh khoản tốt; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2017 nhưng giải ngân vốn FDI đạt khá.
Tình hình sản xuất kinh doanh các khu vực diễn biến tích cực, trong đó công nghiệp và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và du lịch. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, cân đối thương mại thặng dư khoảng 1,08 tỷ USD. An sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông được chỉ đạo và phát triển toàn diện. Các hoạt động chính trị, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước được tổ chức chu đáo, đạt kết quả thiết thực.
Sau khi phân tích bối cảnh, diễn biến tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, trong phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trước các diễn biến tình hình, phải luôn chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ để đề xuất giải pháp, kịch bản tăng trưởng, phát triển đối với từng ngành, lĩnh vực cho phù hợp.
Đồng thời, đề nghị từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Kiên trì hành động theo phương châm 10 chữ của chủ đề năm 2018; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, chống tình trạng trì trệ, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; phải thực sự tạo sự chuyển động đồng bộ trong toàn hệ thống, chống bệnh hình thức, bệnh thành tích; lãnh đạo các cấp phải tạo được nguồn cảm hứng, tinh thần khát vọng về một Việt Nam phát triển thịnh vượng để mọi cấp, mọi ngành có sức chiến đấu mới.
Trên tinh thần này, đề cập đến các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; phấn đấu tăng trưởng cao, lạm phát thấp, tỷ giá ổn định.
Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi. Phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Tín dụng cần tiếp tục được mở rộng và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển và tạo động lực cho tăng trưởng. Đồng thời, cần quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất phát triển. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là tín dụng bất động sản và chứng khoán. Nghiên cứu đẩy nhanh việc giảm lãi suất đối với một số lĩnh vực sản xuất cần thúc đẩy phát triển; bảo đảm vốn tín dụng phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém.
Tăng cường kỷ luật tài chính-ngân sách Nhà nước (NSNN); điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Làm tốt công tác quản lý thu, chi NSNN, chống chuyển giá, trốn thuế và bao quát hết nguồn thu; bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia; tăng cường quản lý thu, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ đọng thuế; xử lý và ngăn chặn hiệu quả buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế; triển khai hóa đơn điện tử; mở rộng cơ sở thuế, tăng cường quản lý hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức. Làm tốt công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu; bảo đảm cung cầu thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
Khẩn trương chỉ đạo, hoàn thành việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 và đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm. Theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 của các dự án, kịp thời phát hiện xử lý các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Nghiêm khắc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2018 gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đấu thầu, có biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng tiêu cực trong đấu thầu; đẩy mạnh triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa vào hoạt động một số dự án giao thông trọng điểm và đảm bảo chất lượng.
Các bộ, ngành chức năng chuẩn bị tốt nội dung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các Hội nghị chuyên đề của Chính phủ trong năm 2018, đây là những hội nghị nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho phát triển. Xây dựng kịch bản tăng trưởng từng quý, trình Chính phủ trong tháng 3-2018. Nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế một cách chủ động và hiệu quả hơn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đã được phê duyệt. Trong phát triển nông nghiệp cần có nghiên cứu, đánh giá và xây dựng kịch bản về giá nông sản; chủ động về giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Về công nghiệp và xây dựng, cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại ngành công nghiệp một cách thực chất, tạo sự đột phá cho phát triển công nghiệp đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước. Kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đưa các công trình công nghiệp trọng điểm đi vào hoạt động và đảm bảo chất lượng. Quyết liệt xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ theo Đề án được duyệt.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được chỉ đạo về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hạ tầng du lịch; nguồn nhân lực cho du lịch; tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ, phương tiện phục vụ khách du lịch, nhất là trong mùa cao điểm lễ hội đầu năm Mậu Tuất. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm các lễ hội xuân diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
Nhấn mạnh, Chính phủ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hữu quan đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay, nhất là các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, môi trường, đất đai nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường phòng chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Thực hiện hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp kéo dài.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; trợ giúp kịp thời, đúng chính sách cho người nghèo và đối tượng yếu thế; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm. Triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa.
Chú trọng phòng ngừa dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh có khả năng lây lan cao, dịch bệnh theo mùa. Tăng cường công tác quản trị bệnh viện, bảo đảm an ninh, an toàn bệnh viện. Chỉ đạo thực hiện tốt phát triển y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm môi trường sinh thái.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; tăng cường nghiên cứu đặt hàng và chuyển giao công nghệ, tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tập trung nghiên cứu hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông, bảo đảm chất lượng. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018.
Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Các bộ, ngành hữu quan, các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất ngay từ những ngày đầu Xuân mới. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, xã hội về tình hình các mặt kinh tế-xã hội, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.
Thủ tướng yêu cầu, Tổ Công tác của Thủ tướng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Lê Sơn
;