Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi
Thứ Tư, 21/03/2018, 17:51 [GMT+7]
Trong hai ngày 19 và 20-3, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi).
Chủ trì hội thảo có Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường và Giám đốc Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á Liliane Danso-Dahmen.
Các đại biểu dự Hội thảo |
Tạo cơ chế để “không thể tham nhũng”
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền, năm 2017 chứng kiến những sự kiện chưa từng có trong lịch sử phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam khi một loạt các đại án được đưa ra xét xử. “Theo chỉ số cảm nhận về tham nhũng do tổ chức Minh bạch quốc tế thực hiện ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ năm 2006 đến nay, số điểm của Việt Nam tăng lên thể hiện sự ghi nhận của thế giới về nỗ lực của nước ta trong công tác PCTN”, ông Nguyễn Đình Quyền chia sẻ.
Trong khi đó, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Luật PCTN là xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng chủ động, toàn diện và sâu rộng nhằm hướng tới xây dựng các thể chế về quản lý Nhà nước và xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng”.
Ông Nguyễn Văn Kim cho biết, về phạm vi sửa đổi, bổ sung, dự án Luật PCTN tập trung vào các nhóm giải pháp chưa được quy định hoặc quy định nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tham nhũng trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và trong các ngành, lĩnh vực khác.
Đặc biệt, dự án Luật PCTN tách vấn đề về minh bạch, kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn thành 1 chương riêng và đưa ra các quy định nhằm tạo cơ chế kiểm soát tham nhũng thực chất hơn, như: thay đổi về hình thức kê khai; quy định về tổ chức bộ máy “bán tập trung” để quản lý bản kê khai và thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; sửa đổi căn cứ và yêu cầu trong việc giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm; xác minh tài sản, thu nhập và việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực cũng như tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.
Minh bạch, kiểm soát kê khai tài sản
Ông Nguyễn Đình Quyền khẳng định, việc minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập không chỉ góp phần quan trọng vào việc PCTN mà còn phục vụ đắc lực cho công tác khác trong quản lý Nhà nước và phòng, chống vi phạm pháp luật.
“Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, mặc dù đã sử dụng nhiều biện pháp quản lý nhưng nước ta vẫn chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của mọi thành viên trong xã hội; trong đó có đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy Nhà nước và các thiết chế khác. Đây có thể nói là rào cản khó khăn nhất cho việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ở Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Quyền trăn trở.
Từ đó, ông Nguyễn Đình Quyền nhất trí với nội dung dự thảo luật về việc quy định theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập, quản lý dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác này. Đồng thời, đề xuất phải nghiên cứu để quy định cho được các tài sản có từ tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng đều phải bị thu hồi thông qua con đường tư pháp tại Tòa án.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh một số giải pháp về kiểm soát tài sản, thu nhập, như quản lý tập trung bản kê khai và thành lập cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung; đồng bộ chế tài xử lý, theo dõi, xác minh, kiểm soát biến động tài sản, thu nhập…
Theo Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) Đinh Văn Minh, những quy định về công khai minh bạch trong tổ chức và hoạt động công quyền, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân sẽ là những điều kiện quan trọng để người dân có thể giúp Nhà nước kiểm soát tốt xung đột lợi ích. “Việc nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa việc xử lý xung đột lợi ích một cách chủ động cũng là những yếu tố quan trọng nâng cao uy tín của nền công vụ”, ông Đinh Văn Minh nói.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, đây là một dự án luật rất quan trọng, có tính chất phức tạp, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội nên một số nội dung lớn cần được tiếp tục nghiên cứu sâu thêm, có giải trình thuyết phục để có thể giải quyết một cách hợp lý các vấn đề vướng mắc mà thực tiễn đang đặt ra.
Đồng thời, các nội dụng mới đã được chỉnh lý còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội nước ta nhằm bảo đảm tính khả thi.
P.V
;