Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật

Thứ Ba, 04/04/2017, 16:06 [GMT+7]

    Ngày 3-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội nghị.

    Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Việc tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận những dự án luật trình Quốc hội đã trở thành hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động xây dựng pháp luật và ngày càng thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; đồng thời nâng cao chất lượng các dự luật trình Quốc hội.

    Hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận, góp ý một số vấn đề quan trọng và còn nhiều ý kiến khác nhau của 5 dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quy hoạch.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

    Đây là những dự án luật quan trọng đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và sau Kỳ họp thứ 2 đã được các cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ, cùng với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

    Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để tiếp tục thể chế hóa cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, việc ban hành các luật này là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở trong đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng ngừa có hiệu quả hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ.

    Việc ban hành các luật này sẽ tạo ra cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển,bảo đảm mỗi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, bảo đảm phát triển bền vững các ngành kinh tế; khắc phục những tồn tại hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí thất thoát, tham nhũng trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, sử dụng tài sản công; tạo sự thống nhất, đồng bộ về hệ thống quy hoạch từ Trung ương tới địa phương...

    Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả hội nghị sẽ góp phần nâng cao chất lượng bảo đảm tiến độ chuẩn bị các dự án luật, làm tiền đề triển khai các hoạt động tiếp theo trong thời gian tới nhằm tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

    Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm tham gia thảo luận, có nhiều ý kiến thiết thực, xác đáng, góp phần vào thành công của hội nghị.

    Mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

    Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia.

    Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày, kết quả phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 có 266/397 đại biểu đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

    Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chỉnh lý dự thảo luật, một số ý kiến của các cơ quan liên quan lại cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên là quá nặng, chưa nhất quán về chính sách hình sự của Bộ luật Hình sự năm 2015 (thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), đồng thời chưa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

    Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách không đồng ý với cách lý giải của những ý kiến đề nghị không xử lý hình sự với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi với 3 tội danh ít nghiêm trọng và nghiêm trọng như trên.                                                                                                                                                        Hồng Hà
                                                                                                                       (Báo Nhân Dân)

;
.