Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII xem xét nhiều vấn đề quan trọng

Thứ Hai, 21/03/2016, 11:47 [GMT+7]
    Sáng nay, ngày 21-3, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
 
    Bên cạnh công tác thường niên của Quốc hội là xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ tập trung tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Quốc hội cũng sẽ dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo nhà nước. 
    
    Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật 
 
    Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận, xem xét, thông qua 7 dự án luật, bao gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). 
 
    Dự thảo Luật tiếp cận thông tin trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm 5 chương và 38 điều. Các nội dung của dự thảo cần tiếp tục xin ý kiến Quốc hội gồm: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); chủ thể có quyền tiếp cận thông tin (Điều 14); các loại thông tin được cung cấp; phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin (Điều 9); nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân (Điều 3); trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác (Điều 22); chi phí tiếp cận thông tin (Điều 12); hình thức công khai thông tin (Điều 18, 19, 20); thông tin được cung cấp theo yêu cầu, hình thức yêu cầu cung cấp thông tin và hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu (Điều 23, 24, 25); trình tự, thời hạn, thủ tục cung cấp thông tin... 
 
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo công bố dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo công bố dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII
    Tại kỳ họp thứ 11, dự án Luật báo chí (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội xem xét, thảo luận về phạm vi điều chỉnh; về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; về loại hình hoạt động của cơ quan báo chí; về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí; về người đứng đầu cơ quan báo chí, tổng biên tập sản phẩm báo chí; về nhà báo; về giấy phép hoạt động cơ quan báo chí; về hoạt động báo chí; về Hội nhà báo Việt Nam; về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí; về chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; về quảng cáo trên báo chí; về quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí. Dự thảo luật trình Quốc hội thông qua gồm 6 chương, 61 điều (tăng 02 điều so với dự thảo trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10). 
 
    Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) tập trung chỉnh lý các nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi (Điều 1); về các hành vi bị cấm và nguồn lực Nhà nước đầu tư cho trẻ em; về quyền và bổn phận của trẻ em (chương II); về chăm sóc và giáo dục trẻ em (chương III); về bảo đảm sự công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em; về bảo vệ trẻ em và việc chăm sóc thay thế trong bảo vệ trẻ em; về bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính; cơ chế điều phối liên ngành về công tác trẻ em; về cơ quan đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em và chức năng giám sát thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em (Chương VI). Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 107 điều. 
 
    Các nội dung của dự thảo Luật dược (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội xem xét, thảo luận gồm: phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; phát triển y học cổ truyền; chứng chỉ hành nghề dược; quản lý Nhà nước về giá thuốc; cải cách thủ tục hành chính và một số vấn đề khác như: chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc hiếm, vắc xin; chính sách khuyến khích thành lập các nhà thuốc hoạt động 24/24 giờ và quy định cụ thể nhà thuốc trực ban đêm, quy định về tổ chức hội chuyên môn dược và vai trò của tổ chức hội trong mối quan hệ với quản lý nhà nước, quy định chi tiết về quản lý thuốc gây nghiện, hướng thần và tiền chất trong dự thảo Luật; quy định quản lý các loại hóa chất bị cấm trong các ngành nhưng được dùng trong sản xuất thuốc, hạn chế bán tràn lan một số loại thuốc dễ gây kháng thuốc (thuốc phòng, chống lao, sốt rét, HIV/AIDS), quy định cụ thể và chặt chẽ việc kiểm tra xuất xứ của thuốc nhập khẩu tương tự như việc các nước trên thế giới đối xử với thuốc do Việt Nam sản xuất, quy định cụ thể hơn nữa việc kiểm nghiệm thuốc, dược liệu và nguyên liệu làm thuốc để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi lưu hành trên thị trường; quy định 100% thuốc trước khi lưu hành được kiểm soát chất lượng; quy định về khuyến mại thuốc… Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 14 chương 120 điều (tăng 20 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10). 
 
    Tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ 
 
    Thực hiện công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tại kỳ họp cuối cùng của khóa XIII, Quốc hội dành thời gian để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. 
 
    Là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội dành thời gian để xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 
 
    Hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội khóa XIII được đánh giá là nét nổi bật, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm kỳ XIII, Quốc hội đã hoàn thành trọng trách xây dựng và thông qua bản Hiến pháp 2013, thể chế hóa đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; ban hành một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất từ trước đến nay với chất lượng ngày càng được nâng cao. Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong quy trình lập pháp theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, chặt chẽ, minh bạch, dân chủ, cụ thể trong văn bản luật; công tác soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh đã được nâng lên một bước rõ rệt cả về chất lượng và số lượng... 
 
    Dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch Nước nêu nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch Nước đã nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, hoàn thành trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội với Quốc hội, cử tri và Nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng đề cập đến phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay, những khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp. 
 
    Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh những kết quả đạt được trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch Nước; về xây dựng chính sách, pháp luật; về công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; về đối ngoại và hội nhập quốc tế; về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; về việc chấp hành giám sát của Quốc hội, chế độ báo cáo Chủ tịch Nước; về phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Báo cáo cũng chỉ ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu được rút ra qua những kết quả và hạn chế trong thực tiễn quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
                                                                           Quỳnh Hoa
(TTXVN)
;
.