Tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng

Chủ Nhật, 07/02/2016, 05:47 [GMT+7]
Ngày 28-12-2015, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 9 dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư -Trưởng Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2015; đề ra nhiệm vụ công tác PCTN năm 2016; thảo luận, cho ý kiến về một số báo cáo quan trọng liên quan đến công tác PCTN. Sau hội nghị, ngày 14-1-2016, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã ban hành Thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo. Tạp chí Nội chính trích đăng những nội dung quan trọng trong Thông báo Kết luận này. Đầu đề do Ban Biên tập đặt.
 
    1. Đánh giá tình hình, kết quả công tác pCtn năm 2015
    
    Trong năm 2015, công tác PCTN tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện trên các mặt sau: 
 
    Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, nhất là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; quán triệt, triển khai Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo tại các Phiên họp thứ 6, thứ 7 và thứ 8; lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN; rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội từ năm 2011-2014; tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN; lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
 
    Hai là, xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN được quan tâm lãnh đạo triển khai tích cực. Nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước về PCTN được khẩn trương xây dựng, ban hành như: Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; Kết luận số 115-KL/TW ngày 10-8-2015 của Ban Bí thư “Về thực hiện thu hồi, xử lý, quản lý, sử dụng tiền vi phạm qua kiểm tra của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp”; Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tiếp cận thông tin, v.v...
    
    Ba là, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN được quan tâm thực hiện, từng bước đổi mới; công khai các vụ án Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và kết quả xử lý; nhấn mạnh những kết quả nổi bật trong hoạt động của Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay. Ban Tuyên giáo Trung ương đang khẩn trương hoàn thành Đề án về “cơ chế cung cấp thông tin về PCTN; cơ chế chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về PCTN”. Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương có nhiều tin, bài viết phản ánh về công tác PCTN.
 
    Bốn là, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, nhất là quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; công khai, minh bạch trong công tác tổ chức, cán bộ, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính; xây dựng và thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn v.v...
 
     Năm là, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong PCTN ngày càng tốt hơn; việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực; các cơ quan tiến hành tố tụng đã nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, nhất là đã đưa 08 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội XII của Đảng và đã kết thúc điều tra, đang xây dựng Cáo trạng đối với vụ án xẩy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.
 
    Sáu là, hoạt động giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên được đẩy mạnh. Hợp tác quốc tế về PCTN được tăng cường, nhất là trong công tác phối hợp truy nã, dẫn độ tội phạm tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, v.v...
 
    Bảy là, hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo rất quyết liệt, bài bản, nghiêm túc, nền nếp và đạt nhiều kết quả. Ban Chỉ đạo đã tổ chức 07 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 04 bộ và 10 tỉnh, thành phố theo Kế hoạch số 107/KH-BCĐTW; chỉ đạo tiến hành rà soát tổng thể các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội tại các địa phương và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo trong các năm 2013, 2014; cho ý kiến chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương xây dựng Đề án và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; chỉ đạo xây dựng Đề án “Sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo”.
 
    Đồng chí Tổng Bí thư Trưởng Ban Chỉ đạo và đồng chí Thường trực Ban Bí thư Phó trưởng Ban Chỉ đạo thường xuyên quan tâm đôn đốc, điều phối hoạt động của Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; làm việc với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương về công tác PCTN. Các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực do mình trực tiếp quản lý, phụ trách; triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Chương trình công tác trọng tâm năm 2015 của Ban Chỉ đạo.
 
    Ban Nội chính Trung ương Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã tích cực giúp Ban Chỉ đạo triển khai hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch công tác năm 2015. Đã hướng dẫn địa phương và triển khai các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương; triển khai các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trong hai năm 2013 và 2014. Trong năm 2015, đã tham mưu đưa 05 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; 14 vụ án vào diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và 143 vụ án, vụ việc vào diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý. Đã tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật 06 vụ án, 02 vụ việc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; 09 vụ án, 03 vụ việc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; 54 vụ án, vụ việc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN trong năm 2015 cũng còn những hạn chế, đó là: việc rà soát để sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn chưa kịp thời; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp; chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham nhũng; việc xây dựng đề án về thanh toán không dùng tiền mặt còn chậm được nghiên cứu và triển khai. Số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán chuyển sang Cơ quan điều tra còn ít; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn là khâu yếu; việc điều tra, xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn kéo dài và chưa dứt điểm. Xử lý trách nhiệm ở một số bộ, ngành, cơ quan xảy ra án tham nhũng lớn chưa nghiêm. 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo.
    2. Nhiệm vụ công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo
 
    Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Do vậy, các hoạt động của Ban Chỉ đạo cần bám sát và tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác PCTN được nêu trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Công tác PCTN phải được tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến tích cực hơn cả về phát hiện, xử lý và phòng ngừa tham nhũng. Với yêu cầu đó, trong năm 2016 Ban Chỉ đạo cần thực hiện tốt 05 nhóm nhiệm vụ nêu trong Chương trình công tác trọng tâm năm 2016, trong đó cần tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ sau:
    
    2.1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Văn kiện Đại hội XII của Đảng về những nội dung liên quan đến công tác PCTN và các luật mới được Quốc hội thông qua. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan có chức năng PCTN nói chung và các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng theo quy định mới của pháp luật.
 
    Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng và kết quả xử lý những vi phạm đó theo Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị. Ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện “Quy định về cơ chế cung cấp thông tin và cơ chế chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về PCTN cho báo chí”; kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện và đấu tranh với hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.
 
    2.2. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về PCTN được nêu trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng; tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định về quản lý kinh tế - xã hội theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng để phòng ngừa tham nhũng, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.
    
    2.3. Giúp Bộ Chính trị tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí” và chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương hoàn thành việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN. Trên cơ sở đó, chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN cho phù hợp với thực tiễn.
    
    2.4. Chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 50CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.
    
    2.5. Tiếp tục triển khai thực hiện điểm 3.7, khoản 3, mục II, Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số địa phương, bộ, ngành. Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và Ban cán sự đảng Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực Thuế, Hải quan.
 
    2.6. Tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác PCTN năm 2016, Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.
 
    3. Những kiến nghị, đề xuất
 
    3.1. Ban Chỉ đạo thống nhất các nội dung kiến nghị, đề xuất được nêu trong Tờ trình số 39TTr/BNCTW ngày 25-12-2015 của Ban Nội chính Trung ương (bao gồm 02 phụ lục kèm theo) và trong các báo cáo gửi Ban Chỉ đạo tại Phiên họp này.
 
    - Đối với một số nội dung kết luận tại Phiên họp thứ 7 và 8 triển khai còn chậm, có việc còn khó khăn, vướng mắc, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo được phân công tích cực đốc thúc, chỉ đạo sớm triển khai thực hiện.
 
    - Ban Nội chính Trung ương chủ trì phối hợp Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, các tỉnh ủy, thành ủy rà soát các vụ án, vụ việc đã được giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật để báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo đưa ra khỏi danh sách theo dõi, chỉ đạo.
 
    Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao tích cực chỉ đạo thực hiện 16 đề xuất cụ thể trong báo cáo đầy đủ về kết quả, tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và 14 đề xuất cụ thể trong báo cáo đầy đủ về kết quả, tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; chủ động phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế nói chung và 130 vụ án, vụ việc thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý nói riêng. Riêng vụ án xẩy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, giao Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan
chức năng tích cực, khẩn trương ban hành cáo trạng truy tố; Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo cơ quan chức năng kiên quyết điều tra xử lý nghiêm các hành vi sai phạm đã tách ra đúng quy định của pháp luật theo Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo.
 
    - Giao ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo đưa công tác kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước vào Chương trình công tác thường xuyên hằng năm để nâng cao hiệu quả thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán và kịp thời chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan điều tra theo quy định. Hằng năm, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại một số địa phương.
    
    Giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo có văn bản để chỉ đạo thực hiện đối với từng nội dung cụ thể.
 
    3.2. Để giúp xử lý các công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo thống nhất phân công đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiệm vụ Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo.
;
.