Khai mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thứ Năm, 18/02/2016, 13:57 [GMT+7]
Sáng 17-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 45, cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Kỳ họp 11 là Kỳ họp cuối cùng có ý nghĩa hết sức quan trọng cho thành công của cả nhiệm kỳ, cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch Nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ hoàn tất cơ bản công tác hướng dẫn thi hành Hiến pháp 2013, tiếp tục thông qua các luật quan trọng để cụ thể hóa Hiến pháp 2013; quyết định về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quốc phòng - an ninh, đối ngoại trong 5 năm tới… Đặc biệt, trong thời gian tới, chuẩn bị tốt cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát tất cả công việc, kể cả phiên họp này, phiên họp sau để giám sát, thúc đẩy hoạt động của Hội đồng bầu cử Quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc |
Theo Chương trình được Quốc hội thông qua, dự án Luật Biểu tình sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 11.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đề nghị lùi trình dự án Luật Biểu tình và sẽ báo cáo Quốc hội cho phép đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào thời điểm thích hợp. “Qua thảo luận, Chính phủ nhận thấy, một số nội dung lớn của dự án Luật, ý kiến của các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau, cần phải tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý tạo sự đồng thuận cao hơn, như: Về đối tượng điều chỉnh (có bao gồm người nước ngoài hay không); những người không được tổ chức, tham gia biểu tình; thẩm quyền cho đăng ký biểu tình; vấn đề áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với hoạt động biểu tình…”.
Mặt khác, nội dung của dự án Luật Biểu tình có liên quan chặt chẽ đến một số văn bản khác như: Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sẽ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2); Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp (đang nghiên cứu để xây dựng Luật)…
Do vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo đúng mục tiêu, quan điểm đã xác định, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, đồng bộ với các văn bản khác có liên quan, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật Biểu tình tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Tại sao cứ lùi dự án Luật Biểu tình mãi?”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cũng đề nghị, cần bảo đảm đúng thời hạn trình Luật Biểu tình. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện: Quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân. Dự án Luật này đã lùi nhiều lần rồi, không nhất thiết phải chờ thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mới thông qua Luật này.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu rõ: Việc ban hành Luật Biểu tình có ý nghĩa quan trọng, mang tính cấp bách để bảo đảm hai mục tiêu lớn: Bảo đảm quyền con người, quyền công dân được Hiến định; hai là, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng bày tỏ sự không đồng tình việc lùi đi lùi lại Dự án Luật Biểu tình; đồng thời, nhất trí thông qua Dự án Luật Đấu giá tài sản trong kỳ họp tới,
Đề nghị giữ nguyên chương trình xây dựng pháp luật như hiện nay, đối với Dự án Luật Biểu tình, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: “Đối chiếu với chương trình xây dựng luật, pháp luật Quốc hội khóa XIII và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, đến lần này không trình thì phải báo cáo lý do, ai chịu trách nhiệm?”.
Cho ý kiến vào Dự án Luật Hành chính công do đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trình đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp luật Quốc hội khóa XIII và kỳ họp thứ 11, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, đây là dự án Luật lớn. Việc xây dựng dự án Luật cần tránh trùng lắp, ảnh hưởng đến quyền hành pháp và hành chính của Chính phủ.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm các nước như: Singapore, thận trọng khi đưa quá nhiều hoạt động các ngành, các cấp như: Kiểm toán, thanh tra…
Đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Hành chính công, tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, cần “khoanh lại” mục tiêu chung nhất của dự thảo Luật là quyền con người và nghĩa vụ của công dân được cung cấp dịch vụ hành chính công, không vì mục đích lợi nhuận.
Đánh giá cao sáng kiến của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh và một số cơ quan hữu quan trong đề xuất xây dựng Luật Hành chính công, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, bảo đảm chất lượng, bởi thực tế cho thấy, dự án Luật đưa ra “khung” cao xa, mang tính chất học viện, với nhiều điều khoản trùng lắp với các Luật khác như: Luật Cán bộ, công chức…
Thu Hằng
(Báo Điện tử Đảng cộng sản)
;