Ban Nội chính Trung ương: Chủ động, sáng tạo, chọn những vấn đề khó khăn trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng để tham mưu đề xuất

Thứ Hai, 08/02/2016, 07:04 [GMT+7]
    Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng (05/01/1966 - 05/01/2016), phóng viên Tạp chí Nội chính có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương về một số kết quả công tác của Ban Nội chính Trung ương từ năm 2013 đến nay. Đầu đề do Ban biên tập đặt.
 
     Phóng viên: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết kết quả đạt được của Ban Nội chính Trung ương trong công tác tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo về công tác PCTN thời gian qua.
 
    Đồng chí Phan Đình Trạc: Có thể khẳng định từ khi tái lập đến nay, với chức năng là cơ quan tham mưu cho Đảng về chủ trương, chính sách, giải pháp lớn trong công tác nội chính và PCTN, Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác.
 
    Đã chủ động, sáng tạo tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chọn những lĩnh vực trọng tâm, những việc, những khâu khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp trong công tác nội chính và PCTN để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; thể hiện trên 10 kết quả nổi bật, đó là:
 
    Một là: Tham mưu lựa chọn các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm cần đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, để tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý ở 03 cấp độ: Cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý.
 
    Trong 03 năm, Ban đã tham mưu, đề xuất đưa 243 vụ việc, vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cả 03 cấp độ. Trong đó có 19 vụ án, 06 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (đến nay đã khởi tố thành 31 vụ án); 29 vụ án, 05 vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; 90 vụ án, 94 vụ việc thuộc diện các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
 
    Sau khi được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, các vụ án, vụ việc được khẩn trương điều tra và đưa ra xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước (trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã xét xử sơ thẩm 14 vụ/149 bị cáo, tuyên phạt 07 bị cáo với 08 án tử hình; 13 bị cáo với 14 mức án tù chung thân; 02 bị cáo tù 30 năm;126 bị cáo tù có thời hạn từ 02 năm đến 25 năm).
 
    Đặc biệt, qua theo dõi, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo đưa 08 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xét xử trước Đại hội XII. 
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trình bày dự thảo Báo cáo tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo, tháng 12-2015
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trình bày dự thảo Báo cáo 
tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo, tháng 12-2015
    Hai là: Chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN, nhất là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng: Trong 03 năm, đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập 25 Đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 15 Đảng ủy, Ban cán sự đảng bộ, ngành Trung ương và 29 ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy. Qua kiểm tra, giám sát, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng phức tạp, dư luận quan tâm được chỉ đạo, xử lý dứt điểm.
 
    Ba là: Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo chọn một số khâu khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, như: Vấn đề cho hưởng án treo (trên 149 bị cáo thuộc 14 vụ án diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã xét xử chỉ có 02 bị cáo được hưởng án treo); vướng mắc trong công tác giám định tư pháp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong đấu tranh PCTN (tham mưu ban hành các quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước, với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cơ chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương với cơ quan tố tụng cấp dưới được ủy quyền công tố và xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, v.v...).
 
    Bốn là: Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo rà soát hoạt động tín dụng để phòng ngừa, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; rà soát tổng thể các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến năm 2014 để phát hiện, tiếp tục chuyển các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng đến Cơ quan điều tra để xác minh, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo nghiên cứu các giải pháp để giải quyết tình trạng “tham nhũng vặt”; đẩy mạnh cải cách hành chính để ngăn ngừa tham nhũng, v.v...
 
    Năm là: Tham mưu sơ kết, tổng kết, thẩm định và ban hành các chỉ thị, nghị quyết, đề án của Đảng về công tác nội chính và PCTN: Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới về công tác PCTN; sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật; sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW và trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN; tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; chủ trì tham mưu Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; tham gia thẩm định các đề án, chỉ thị trình Bộ Chính trị về an ninh trật tự.
 
    Sáu là: Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và PCTN, nhất là tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị một số vấn đề lớn trong các dự án luật và tham gia biên tập, thẩm định các dự án luật trình Quốc hội; tham gia có hiệu quả vào hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
 
    Bảy là: Tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong PCTN; công khai danh sách, kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và kết quả các phiên họp của Ban Chỉ đạo trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân giám sát.
 
    Tám là: Chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương trong xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác PCTN và công tác nội chính. Nhất là xử lý các khó khăn, vướng mắc trong các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; phát hiện, đề xuất, hướng dẫn xử lý các vụ việc, vụ án có biểu hiện oan, sai (phát hiện và tham mưu chỉ đạo xử lý 04 vụ án hình sự, 10 vụ án về dân sự có biểu hiện oan, sai, vi phạm pháp luật), hướng dẫn, đề xuất giải quyết các tố cáo tham nhũng, các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự ở địa phương.
 
    Chín là: Trách nhiệm, công tâm, khách quan, kịp thời trong tham gia về công tác cán bộ trong các cơ quan nội chính Trung ương, nhất là tham gia ý kiến về việc bổ nhiệm, phong hàm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và bổ nhiệm các chức danh tư pháp.
 
    Mười là: Tăng cường nghiên cứu khoa học, hội thảo chuyên đề và hợp tác quốc tế về PCTN, góp phần giúp Ban Nội chính Trung ương có thêm thông tin, kinh nghiệm và cơ sở khoa học để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo trong công tác PCTN.
 
    Tóm lại: Mặc dù mới được tái thành lập và đi vào hoạt động, nhưng Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu có hiệu quả cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo về công tác nội chính và PCTN. Vị thế, vai trò của Ban Nội chính Trung ương được khẳng định.
 
    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cán bộ, công chức, nhân viên Ban Nội chính Trung ương cần nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để tham mưu có hiệu quả hơn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Trong thời gian tới, tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau đây:
 
    1. Chủ trì, phối hợp tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên XHCN, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), nhất là sửa đổi toàn diện Luật PCTN, để nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, trước hết là các biện pháp: Công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN; xử lý nghiêm những người vi phạm các quy định về PCTN; nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, báo chí và mọi người dân trong PCTN, xây dựng văn hóa PCTN.
 
    2. Chủ trì tham mưu đôn đốc, theo dõi việc triển khai Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
 
    3. Chủ trì tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo về PCTN, Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN”; phối hợp Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN. Trên cơ sở đó đề suất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN cho phù hợp với thực tiễn; kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, các cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác PCTN.
 
    4. Chủ trì tham mưu đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương; đưa nội dung PCTN vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy, tổ chức đảng.
 
    5. Phối hợp tham mưu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về PCTN, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, báo chí và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
 
    6. Phối hợp tham mưu về quan điểm, chủ trương, giải pháp lớn của Đảng về an ninh trật tự và xử lý những vấn đề phức tạp nổi lên trong tình hình hiện nay.
 
    Phóng viên: Như đồng chí đã biết, cán bộ có vai trò rất quan trọng đối với kết quả hoạt động của mỗi cơ quan, vậy xin đồng chí cho biết thời gian qua Ban Nội chính Trung ương đã quan tâm đến công tác cán bộ như thế nào? Những nhiệm vụ trong công tác cán bộ của Ban Nội chính Trung ương thời gian tới?
 
    Đồng chí Phan Đình Trạc: Ngay từ khi được tái lập, Ban Nội chính Trung ương đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy; tiếp nhận, bố trí cán bộ; xây dựng các quy chế công tác, nhất là các quy chế về công tác cán bộ. Có thể nói, công tác cán bộ đã được đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Cố Trưởng Ban và tập thể lãnh đạo Ban hết sức quan tâm:
 
    Thứ nhất, quan tâm tuyển chọn, thu hút, biệt phái cán bộ có trình độ, năng lực thực tiễn trong các cơ quan nội chính, nhất là điều tra, kiểm sát, tòa án, thanh tra, kiểm tra để tăng cường lực lượng cho Ban.
 
    Ngay từ khi được tái lập, lãnh đạo Ban đã chỉ đạo xây dựng chuẩn mực cán bộ Ban Nội chính Trung ương là “Trung thành - Liêm chính Bản lĩnh - Tận tụy”. Từ đó, đề ra tiêu chí tuyển chọn, thu hút cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong thời gian qua, mặc dù số lượng cán bộ được tuyển dụng không nhiều, chỉ hơn 20 người nhưng đều có trình độ chuyên môn cao chủ yếu là các chuyên ngành luật, kiểm sát, điều tra, trong đó có nhiều người là tiến sỹ, thạc sỹ đã từng công tác ở các ngành trong khối Nội chính.
 
    Thứ hai, coi trọng công tác đánh giá cán bộ để từ đó bố trí, sắp xếp cán bộ bảo đảm đúng người, đúng việc, nhằm phát huy năng lực, sở trường của từng cán bộ.  
 
    Công tác đánh giá cán bộ, công chức, nhân viên hàng năm được thực hiện một cách thường xuyên, bài bản. Quy trình nhật xét, đánh giá cán bộ chặt chẽ, khách quan, toàn diện; hằng năm 100% cán bộ, công chức, nhân viên đều được nhận xét, đánh giá và công khai kết quả theo quy định.
 
    Thứ ba, hết sức quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua khen thưởng và thực hiện tốt chính sách cán bộ.
 
    Ba năm qua, đã cử hàng trăm lượt cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ. Chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên giai đoạn 20132016 và giai đoạn 2016-2021; thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung  quy hoạch hằng năm. Công tác bổ nhiệm cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ; bảo đảm công tâm, khách quan. Từ năm 2013 đến nay, Ban Nội chính Trung ương bổ nhiệm được tổng số 48 lượt cán bộ từ cấp phó trưởng phòng trở lên. Các đồng chí được bổ nhiệm được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị công tác mới. Quan tâm thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng để hoạt động thi đua trở thành phong trào thường xuyên, qua đó khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ, công chức hăng hái phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.   Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, nhân viên, như: Lương, thưởng, chế độ nghỉ phép, nghỉ hè… cũng được Ban Nội chính Trung ương quan tâm thực hiện đúng quy định, công bằng, dân chủ.
 
    Nhìn chung, mặc dù mới được tái lập và đi vào hoạt động nhưng đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên Ban Nội chính Trung ương đã và đang khẳng định về trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
    Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công tác cán bộ của Ban cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau:
 
    Trước hết là, triển khai xây dựng, thực hiện thật tốt Đề án xác định vị trí việc làm của Ban. Từ đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức, tuyển chọn, thu hút cán bộ, gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
 
    Hai là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về công tác cán bộ, bảo đảm đúng các quy định của Đảng, Nhà nước, chặt chẽ, khoa học và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Ban.
 
    Ba là, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, toàn diện; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đánh giá cán bộ.
 
    Bốn là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Bố trí lại đội ngũ cán bộ quản lý cấp vụ, nhằm xây dựng, tạo nguồn cán bộ, bảo đảm nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
 
    Năm là, đẩy mạnh thi đua, khen thưởng, quan tâm thực hiện tốt các chính sách cán bộ. Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; xây dựng đội ngũ cán bộ Ban Nội chính Trung ương thực sự “Trung thành - Liêm chính Bản lĩnh - Tận tụy”.
 
    Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng (05/01/196605/01/2016) và chuẩn bị đón Xuân Bính Thân 2016, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, xin gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên của Ban Nội chính Trung ương; các thế hệ cán bộ của Ban Nội chính Trung ương lời chúc sức khỏe, đón Xuân mới với niềm tin, khí thế mới, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
 
    Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
;
.