Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt thấp
Thứ Ba, 03/11/2015, 15:20 [GMT+7]
Tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp và gây thiệt hại rất lớn. Tuy vậy, tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp so với số tài sản bị chiếm đoạt.
Hàng trăm tỷ đồng chưa thể thu hồi
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 vừa được Chính phủ trình Quốc hội cho biết, kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng phòng ngừa, răn đe nhất định.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp; đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước...
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm và cho rằng cử tri bức xúc là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều có tăng nhưng vẫn còn thấp so với số tài sản bị chiếm đoạt.
Riêng năm 2015, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất. Cơ quan chức năng đã thu hồi được trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% (tỷ lệ này năm 2013 là 10%, năm 2014 là 22,3%) và thu hồi được 2.887 m2 đất (đạt 29,2%).
Theo Đại biểu Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Đà Nẵng, tỷ lệ trên là rất thấp, cử tri cho rằng đó là “hy sinh đời bố củng cố đời con”.
Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét ra nghị quyết nêu rõ tài sản thu hồi là căn cứ để toà lượng hình, không cho hưởng án treo khi chưa thu hồi 100%, tài sản khắc phục càng ít thì án càng cao.
“Nên quy định loại tội này chỉ được xét đặc xá tha tù trước thời hạn khi nộp lại ít nhất 80% tài sản tham nhũng”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nêu quan điểm.
Từ thực tế thu hồi tài sản tham nhũng lâu nay, đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu quan điểm cần xử lý nghiêm khi phát hiện, bởi "đừng hi vọng những người tham nhũng khắc phục hậu quả, mà chỉ tìm cách tẩu tán tài sản".
Đại biểu Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Đà Nẵng |
Tẩu tán, tiêu xài nên mất khả năng khắc phục?
Đánh giá về nguyên nhân của việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, do quá trình điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn, phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm và ngay trong giai đoạn điều tra ban đầu khó có thể xác định ngay được số tài sản bị chiếm đoạt.
“Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả; một số vụ án có yếu tố nước ngoài gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài, nhất là bất động sản...”, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết.
Mặt khác, Việt Nam chưa có hệ thống đăng ký tài sản tập trung, thống nhất và minh bạch. Đối với ngành Thanh tra, việc thu hồi tài sản qua thanh tra đạt tỷ lệ chưa cao do thiếu các quy định chế tài về xử lý sau thanh tra. Cùng với đó là năng lực của đội ngũ làm công tác phòng, chống tham nhũng không đồng đều..
Trao đổi với phóng viên VOV.VN bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thái Học, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên nhấn mạnh, muốn thu hồi được tài sản tham nhũng, khắc phục được thiệt hại cho nhà nước thì phải phát hiện ra vụ việc tham nhũng. Đồng thời với phát hiện các hành vi tham nhũng phải thực hiện các biện pháp như kê biên tài sản một cách đồng loạt để tránh việc tẩu tán tài sản. Lâu nay, chúng ta phát hiện, xử lý rồi mới tiến hành thu hồi.
Với hàng trăm tỷ đồng bị thất thoát không thể thu hồi, điển hình như vụ Vinashin, đại biểu Nguyễn Thái Học bày tỏ: “Cử tri, người dân và bản thân tôi thấy rất buồn, bức xúc. Đây là mồ hôi lao động của người dân tạo nên tài sản của Nhà nước. Rõ ràng tài sản của người dân, tài sản của Nhà nước mà những người quản lý không thu hồi được là bài học đau xót”.
Còn theo Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng Đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Lâm Đồng, cần nghiên cứu để sửa luật liên quan, bởi hiện luật quy định nếu không xác minh được tài sản hay không có điều kiện thi hành thì trả lại đơn là không hợp lý.
“Giờ cứ nói không có để thu hồi nên trả đơn lại thì người dân biết thế nào. Anh là cơ quan thi hành án thì cứ giữ cái đơn đó khi nào có điều kiện thì anh thi hành”, ông Thuyền nói./.
Ngọc Thành
(VOV)
;