Quốc hội tiến hành phiên chất vấn
Thứ Ba, 17/11/2015, 12:23 [GMT+7]
Ngày 16-11, tại phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội diễn ra phiên chất vấn với sự đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung: tất cả các thành viên Chính phủ đều tham gia phiên chất vấn của Quốc hội Khóa XIII. Theo đó, các đại biểu sẽ đồng hành cùng các thành viên Chính phủ để đi đến cùng những nội dung, vấn đề lĩnh vực mà tư lệnh ngành phụ trách… Với sự đổi mới này, những vấn đề cử tri quan tâm được chất vấn mà không bị hạn định nội dung chất vấn.
Nhiều đổi mới tại phiên chất vấn
2,5 ngày là quỹ thời gian dành cho phiên chất vấn tại kỳ họp cuối của Quốc hội Khóa XIII, để đại biểu và các thành viên Chính phủ đồng hành đến tận cùng những trăn trở, băn khoăn mà cử tri đang mong chờ cần có sự trả lời thỏa đáng từ phía các thành viên Chính phủ.
Nội dung chất vấn cũng rộng hơn, nhưng chủ yếu dựa trên các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác khiếu nại, tố cáo…
Không như các kỳ họp trước chỉ chọn nhóm vấn đề liên quan tới một số thành viên Chính phủ, Viện kiểm sát, Tòa án để Quốc hội chất vấn, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào hay lãnh đạo cao nhất của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cùng với đó, dự kiến tại buổi cuối của phiên chất vấn diễn ra vào sáng 18-11, Thủ tướng cũng sẽ có khoảng thời gian 75 phút từ 10h00 đến 11h15 để phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến của ĐBQH.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu |
Cùng nhìn nhận những tồn tại để khắc phục và làm tốt hơn
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết đây là phiên họp cuối cùng về hoạt động chất vấn và giám sát hoạt động chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp 10. Kỳ họp sau, Quốc hội sẽ tập trung vào hoạt động tổng kết và một số nội dung khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, nội dung chất vấn tại Kỳ họp này sẽ rất tổng hợp, toàn diện tình hình của đất nước, trong đó có liên quan tới hoạt động của Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: qua chất vấn để đánh giá các yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, hoạt động chất vấn đã được tổ chức thực hiện thế nào, đã tốt chưa, qua thực hiện đã thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thực hiện yêu cầu của cử tri hay chưa? Qua thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, xem xét các vấn đề còn tồn tại để tiếp tục làm tốt hơn nữa. Đây là những nội dung mang tính tổng kết cho cả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH đi thẳng vào vấn đề để cùng nhau giải quyết, thảo luận những vấn đề nêu ra tại phiên họp toàn thể. Mục đích cuối cùng của chất vấn là để cùng nhau nhìn nhận sự thật về vấn đề để giải quyết tốt những vấn đề đặt ra.
Tạo ra những chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực của đời sống xã hội
Ngay sau đó, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến năm 2015.
Báo cáo nêu rõ: thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo đã khẳng định sự cố gắng toàn diện của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thể hiện trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan tư pháp đối với các vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc mà cử tri cũng như nhân dân cả nước đã đặt ra. Các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn về giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan tư pháp và chính quyền các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt được kết quả cụ thể, tạo ra những chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Báo cáo tập trung nêu những tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới về 17 lĩnh vực cụ thể: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Ngân hàng; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Nội vụ; Thanh tra; An ninh, trật tự an toàn xã hội; nêu rõ những mặt đã làm được, phân tích, làm rõ những tồn tại, bất cập.
Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.
* Tiếp theo nội dung chất vấn: Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến năm 2015.
* Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến năm 2015.
* Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đến năm 2015.
ĐBQH đánh giá cao sự đổi mới phương thức chất vấn
Bày tỏ đồng tình về đổi mới phương thức chất vấn lần này, trao đổi bên lề hành lang Quốc hội, ĐBQH Bùi Thị An đề nghị Quốc hội khóa tới nên tiếp thu. Tuy nhiên, Quốc hội khóa tới vẫn cần tiếp tục đổi mới, bởi theo tinh thần của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn: báo cáo tại phiên chất vấn hơi dài, điều này cũng có nghĩa là tốn rất nhiều thời gian, thời gian này nên dành cho các ĐBQH hỏi để nêu được những vấn đề, nếu thời gian trả lời còn thiếu thì các vị tư lệnh ngành có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Theo đó, những vấn đề bức xúc của cử tri có thể có những phương hướng giải quyết triệt để trong thời gian tới.
Cho rằng, việc đổi mới chất vấn để cho ĐBQH chất vấn các bộ trưởng, có thể là Thủ tướng Chính phủ, kể cả ai đó muốn chất vấn với Chủ tịch Quốc hội cũng được. Đồng thời, các ĐBQH có thể chất vấn bất kỳ vấn đề gì mà ĐBQH quan tâm, chất vấn trong khuôn khổ trách nhiệm của bộ trưởng, các thành viên Chính phủ xem đã hoàn thành trách nhiệm chưa?, ĐBQH Trần Đình Nhã khẳng định: với tinh thần như vậy thì lần đổi mới chất vấn này là rất tốt. Bởi vì, đây vừa là xu hướng, vừa là tâm nguyện của nhiều cử tri.
Vấn đề quan trọng không phải là quy lại trách nhiệm cũ mà xem về mặt cơ chế để làm sao những vấn đề được đề ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay vẫn còn chưa giải quyết được thì nguyên nhân ở đâu? Có cái gì do cơ chế không? - ĐBQH Trần Du Lịch đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh sự quan tâm đến những vấn đề mà do trách nhiệm quy định không minh bạch, có những việc thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan.
Như vậy, đổi mới chất vấn sẽ là cơ hội để các thành viên Chính phủ đăng đàn giải đáp thắc mắc, bức xúc của cử tri, bày tỏ sự chia sẻ trọng trách đang gánh vác để nhân dân và cử tri hiểu hơn về công việc, trách nhiệm mà các tư lệnh ngành đang thực thi. Từ đó, cùng nhau nhìn thẳng vào vấn đề, đưa ra giải pháp giải quyết.
Khánh Chi - Văn Thăng
(Báo Đại biểu nhân dân)
;