Quốc hội thông qua Luật trưng cầu ý dân

Thứ Năm, 26/11/2015, 14:11 [GMT+7]
    Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, tại phiên làm việc ở Hội trường chiều 25-11, với 86,23% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật trưng cầu ý dân.
 
    Luật trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. Luật áp dụng đối với công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
    
    Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước. Với nguyên tắc là bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội; đồng thời thực hiện nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín khi trưng cầu ý dân. Việc trưng cầu ý dân phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục do Luật này quy định. 
 
    Luật quy định rõ, người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri; người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị kết án tử hình, phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì UBND cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri. 
 
    Về các vấn đề trưng cầu ý dân, Luật nêu rõ, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề: toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước. 
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
                                                                                           Lê Hoa
                                               (Báo Đại biểu nhân dân)
;
.