Quốc hội thông qua Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự
Thứ Sáu, 27/11/2015, 11:18 [GMT+7]
Chiều 26-11, với 427/432 đại biểu biểu quyết tán thành, chiếm 86,44% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như quy định của dự thảo Luật về việc bổ sung quy định Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân, cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Về đề nghị bổ sung cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, do địa bàn hoạt động của cơ quan Thuế gần các Cơ quan điều tra chuyên trách nên khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho Cơ quan điều tra chuyên trách nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho cơ quan Thuế.
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự |
Về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khẳng định dự thảo Luật không quy định Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và có thẩm quyền tố tụng mà chỉ quy định trách nhiệm hỗ trợ hoạt động điều tra.
Trên thực tế, nhiều trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan trực tiếp, đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, bảo vệ hiện trường, phát hiện bắt, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã lẩn trốn trên địa bàn và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để thực hiện hoạt động tố tụng.
Dự thảo Luật quy định chỉ giao cho các cơ quan này được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho điều tra là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền mà không xử lý tố giác, tin báo về tội phạm nên không phải là hoạt động tư pháp.
Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự được Quốc hội thông qua gồm 10 chương 73 điều. Luật quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có quy định nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm sai lệch hồ sơ vụ án; cản trở người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện việc bào chữa, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; cản trở người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền về tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, trợ giúp pháp lý...
Luật cũng quy định, cơ quan kiểm ngư, cơ quan cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được tiến hành một số hoạt động điều tra.
Quốc hội cũng đồng ý mở rộng phạm vi điều tra một số tội danh cho bộ đội biên phòng ở vùng sâu, vùng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới.
Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2016.
Sáng cùng ngày, Quốc hội cũng đã thông qua Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng và Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.
Bảo Yến
(Quochoi.vn)
;