Quốc hội thông qua dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Thứ Tư, 25/11/2015, 11:10 [GMT+7]
    Tiếp tục chương trình làm việc sáng 24-11, các Đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
 
    Thông qua dự thảo Nội quy kỳ họp Quôc Hội (sửa đổi)  
 
    Với 87,65% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) gồm 3 chương 56 điều.  
 
    Nội quy quy định: Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp giữa năm khai mạc vào ngày 20 tháng 5; kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày 20 tháng 10. Trường hợp ngày 20 tháng 5 và ngày 20 tháng 10 trùng vào ngày thứ sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp là ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp vào các thời điểm nêu trên thì ngày khai mạc kỳ họp do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.   
 
    Ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước quyết định chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội.  
 
    Ngày khai mạc kỳ họp cuối nhiệm kỳ và kỳ họp bất thường của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Chủ tịch Quốc hội khai mạc và bế mạc kỳ họp. Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa trước khai mạc kỳ họp.  
 
    Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cho biết, tuyên thệ là vấn đề mới được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, theo đó ngay sau khi được bầu thì Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải thực hiện việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Đồng thời, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung một điều mới (Điều 29) quy định về việc người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao, người tuyên thệ phải đứng tuyên thệ trước Quốc kỳ, thời gian tuyên thệ không quá 03 phút như trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội.  
 
    Về chất vấn tại phiên họp toàn thể, Nội quy quy định: Phiên họp chất vấn được tiến hành theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Mỗi lần chất vấn, Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 02 phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu không quá 05 phút. Trường hợp cần thiết, Chủ tọa quyết định việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn. Chủ tọa có quyền nhắc trong trường hợp Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không đúng nội dung phiên chất vấn hoặc quá thời gian quy định, người bị chất vấn trả lời không đúng trọng tâm chất vấn của Đại biểu Quốc hội hoặc quá thời gian quy định.  
 
    Với 88,26% Đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 07/2002/QH11 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội đã được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Khóa XI, Kỳ họp thứ Hai thông qua ngày 16-12-2002.  
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01-01-2016.  
 
Các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
    Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017  
 
    Cũng trong phiên họp sáng 24-11, các Đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với 86,84% Đại biểu Quốc hội tán thành.  
 
    So với Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều và có những điểm mới như: trong phần về “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” có những quy định về căn cứ xác lập và thời điểm xác lập quyền sở hữu, các vật quyền khác; bảo vệ, hạn chế quyền sở hữu và các vật quyền khác; chiếm hữu, quyền sở hữu và các vật quyền khác (như quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên). Trong đó, về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, Bộ luật quy định quyền sở hữu và các vật quyền khác được xác lập kể từ thời điểm chuyển giao vật, tức là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trực tiếp nắm giữ, chi phối vật, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác. Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
 
    Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng có những quy định mới về quyền thừa kế, thời điểm mở thừa kế, di sản, người thừa kế, không có quyền hưởng di sản, quản lý di sản; điều kiện có hiệu lực của di chúc, quyền của người lập di chúc, hình thức của di chúc, di chúc chung của vợ chồng, hiệu lực pháp luật của di chúc,… Đặc biệt, trong nguyên tắc xác định và áp dụng pháp luật trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, để làm rõ mối quan hệ giữa phần này với các quy phạm xung đột tại pháp luật chuyên ngành, Bộ luật quy định các bên có thể lựa chọn áp dụng pháp luật theo nguyên tắc sau: các bên có thể lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại phần “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” của Bộ luật; trường hợp các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của Bộ luật hoặc pháp luật Việt Nam không có quy định về việc xác định pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước nơi có quan hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự đó được áp dụng,… 
 
    Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, thay thế Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11.
                                                                                      Lệ Thu
                                                                        (Báo Đại biểu nhân dân)
;
.