Quốc hội thảo luận dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự
Thứ Năm, 19/11/2015, 11:14 [GMT+7]
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, chiều 18-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Từ khi Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự năm 2004 được ban hành đến nay, các cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tiếp nhận, giải quyết 845.950 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khởi tố 733.339 vụ án hình sự với 1.146.865 bị can. Cơ quan điều tra được tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu nên đã phát hiện, điều tra, xử lý có hiệu quả với từng loại tội phạm theo thẩm quyền của các cơ quan điều tra. Riêng đối với cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã có sự gắn kết giữa hoạt động trinh sát với điều tra theo tố tụng hình sự. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân đã thực hiện tăng thẩm quyền điều tra theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện đã giải quyết trên 88% số vụ án hình sự xảy ra trên toàn quốc, tạo điều kiện để cơ quan điều tra cấp trên tập trung điều tra những vụ án về các tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; đồng thời, thực hiện tốt hơn việc tổng kết, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ và pháp luật đối với cơ quan điều tra cấp dưới.
Đại biểu Đỗ Văn Đương, Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội trường |
Thực tế cho thấy, việc tổ chức cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân theo Pháp lệnh năm 2004 là phù hợp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Viện Kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến khi kết thúc điều tra; giúp cho kiểm sát viên nắm được nội dung, diễn biến, các tình tiết có liên quan đến vụ án để thực hành quyền công tố tại phiên tòa, góp phần tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được trong hoạt động điều tra hình sự theo Pháp lệnh năm 2004, thực tế cũng cho thấy, Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự như: còn có nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, quy định về điều tra viên… chưa cụ thể. Mặt khác, do được ban hành từ lâu nên Pháp lệnh năm 2004 chưa có điều kiện thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc tổ chức, hoạt động và cơ chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan tư pháp, các quy định về ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân... trong hoạt động điều tra hình sự. Pháp lệnh năm 2004 cũng chưa có quy định về quản lý công tác điều tra hình sự nên đã có tình trạng Bộ, ngành nào tổ chức, quản lý cơ quan điều tra thì Bộ, ngành đó ban hành văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ điều tra, về bổ nhiệm, miễn nhiệm điều tra viên nên thiếu tính thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động điều tra hình sự.
Xuất phát từ tình hình nêu trên, để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra, bảo đảm tính thống nhất và sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh năm 2004 thì việc xây dựng, ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý và cho rằng: Dự thảo Luật đã thể chế hóa được đầy đủ chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013; thể hiện rõ sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, khắc phục được những bất cập, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra trong hoạt động tố tụng hình sự.
Nhiều ý kiến đồng tình với Dự thảo Luật về việc bổ sung cơ quan kiểm ngư và cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Riêng đối với cơ quan thuế, đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay tình hình trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế lên đến hàng nghìn tỉ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, các cơ quan thuế chưa chuyển được vụ nào sang cơ quan điều tra chuyên trách. Trong khi đó, đã là điều tra thì phải tinh thông về luật pháp, có tính chuyên nghiệp để vừa đấu tranh phòng, chống kịp thời, hiệu quả, khám phá nhanh, nhưng đồng thời cũng để tránh oan sai là yêu cầu các đại biểu Quốc hội đặt ra. Do đó, đề nghị không quy định cơ quan thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, không thể quản lý bằng hành vi được mà phải quản lý bằng cơ cấu tổ chức xã hội chặt chẽ, quản lý bằng cơ chế luật pháp để bảo đảm rằng phải tập trung tinh thông, không tràn lan, mở rộng các cơ quan điều tra. Phải theo một cơ chế luật pháp, ai vi phạm pháp luật, người ấy chịu trách nhiệm.
Về trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, từ thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, một số ý kiến cho rằng: lực lượng công an xã, phường, thị trấn, đồn công an luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng. Vì đây là lực lượng thường xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ công tác công an ở cơ sở, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm chắc tình hình, quản lý chặt đối tượng, trực tiếp tiếp nhận tất cả những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở hoặc do nhân dân trình báo.
Do đó, một số đại biểu đồng tình với quy định của dự thảo Luật là công an xã, phường, thị trấn, đồn công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, có ý kiến bày tỏ lo ngại khi cho rằng, điều tra hình sự là việc khó khăn, quyết định đến tính đúng sai, chính xác của vụ án. Người tiến hành điều tra phải là điều tra viên theo quy định của pháp luật. Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, hiện nay trình độ, kỹ năng điều tra của cơ quan cấp xã còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ thì việc giao cho cơ quan này thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra có thể dẫn đến sai lệch cho hoạt động điều tra, tình trạng bạo hành, nhục hình sẽ làm ảnh hưởng đến quyền con người và gây khó khăn cho công tác điều tra.
Mạnh Hùng
(Báo Điện tử ĐCSVN)
;