Quốc hội biểu quyết thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Thứ Hai, 23/11/2015, 10:47 [GMT+7]
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 20-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, với 83,2% đại biểu tán thành.
Theo dự thảo, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 5 chương và 91 điều. Luật quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, tại phiên họp chiều ngày 21-10-2015, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Về cơ bản, các vị đại biểu tán thành với nội dung của dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước, đồng thời các đại biểu cũng đóng góp thêm ý kiến vào các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về nhiều nội dung của dự thảo Luật này. Trong đó, về nguyên tắc hoạt động giám sát ở Điều 3, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều này nguyên tắc “phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động giám sát của mình”; nguyên tắc “không chồng chéo, trùng lặp” trong hoạt động giám sát. Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: trong dự thảo Luật đã quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân bị giám sát; quy định về chương trình giám sát, trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát được thực hiện theo đúng nguyên tắc “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”, bảo đảm để chủ thể giám sát thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cũng không có sự chồng chéo, trùng lặp. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại Điều này như trong dự thảo Luật.
Tại Điều 4 của dự thảo về thẩm quyền giám sát của Quốc hội, có ý kiến đề nghị làm rõ trường hợp “cần thiết” Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước đã được khẳng định trong Hiến pháp, ngoài cơ quan, cá nhân bị giám sát đã được quy định trong Luật này, thực tế có thể phát sinh nhiều trường hợp khác, đối tượng bị giám sát khác chưa được dự kiến, dự thảo Luật quy định chủ thể giám sát có thẩm quyền quyết định giám sát đối với các đối tượng khác chưa được quy định trong Luật này.
Có ý kiến đại biểu đề nghị, bổ sung nghị quyết, thông tư liên tịch của các cơ quan, tổ chức vào nhóm văn bản quy phạm pháp luật chịu sự giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nêu trên, bổ sung nghị quyết, thông tư liên tịch của các cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào Điều này và các điều, khoản khác của dự thảo Luật tương ứng với từng chủ thể giám sát…
Trước khi biểu quyết toàn văn dự thảo, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết ba vấn đề riêng trong dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Cụ thể, với Điều 11 về các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, đã thông qua với tỷ lệ 84,62% đại biểu tán thành. Điều 43, quy định việc giải trình của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đã thông qua với tỷ lệ 84,21% đại biểu tán thành. Điều 57, về các hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, đã thông qua với 83,2% đại biểu tán thành.
Bích Liên
(Báo Điện tử ĐCSVN)
;